Số thu quỹ BHXH luôn lớn hơn số chi trả các chế độ BHXH cho người thụ hưởng và có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên về lâu về dài có thể tính đến tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng không phải ngay bây giờ.
Nếu phương án hai về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB&XH giữ nguyên và được Quốc hội thông qua thì 4 năm nữa tuổi nghỉ hưu sẽ tăng. Việc "rốt ráo" đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nguyên nhân quan trọng nhất là lo "vỡ quỹ" bảo hiểm xã hội (BHXH). Vậy thực chất hiện nay quỹ BHXH đang có số dư bao nhiêu, lúc nào mất cân đối, có nhất thiết phải đẩy nhanh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu?
Thu lớn hơn chi
Theo tài liệu chúng tôi có được, số thu quỹ BHXH luôn lớn hơn số chi trả các chế độ BHXH cho người thụ hưởng và có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, số dư quỹ BHXH năm 2012 là 199,4 nghìn tỉ đồng, đến năm 2015 nâng lên 370,3 nghìn tỉ đồng, năm 2016 khoảng 450 nghìn tỉ đồng, năm 2017 khoảng 533 nghìn tỉ đồng.
Tốc độ gia tăng số dư quỹ BHXH giai đoạn 2012-2017 đạt bình quân mỗi năm khoảng 22%. Chỉ tính riêng số chênh lệch thu lớn hơn chi quỹ BHXH trong 3 năm (2014-2016) khoảng 205 nghìn tỉ đồng, lớn hơn số dư quỹ BHXH cộng dồn kể từ khi có chính sách BHXH năm 1995 đến hết năm 2012.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện; tốc độ tăng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH khu vực ngoài nhà nước mỗi năm tăng bình quân khoảng 10% như giai đoạn 2010-2016, thực hiện lộ trình điều chỉnh mức lương cơ sở và lương hưu hằng năm với tốc độ tăng bình quân khoảng 7%, thì trong khoảng 20 năm tới, quỹ BHXH vẫn bảo đảm khả năng cân đối.
Tuy nhiên, theo dự thảo báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính cho rằng xét về lâu dài, tiềm ẩn một số nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH, đó là do tình trạng chậm đóng, nợ tiền đóng BHXH phổ biến tại các địa phương, số nợ BHXH hiện nay khoảng 8.945 tỉ đồng và có xu hướng gia tăng. "Vấn đề này, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động...", Bộ Tài chính nhận định.
Ngoài ra, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng gia tăng. Nam giới ở tuổi 60 trung bình còn sống thêm khoảng 20 năm; nữ giới ở tuổi 55 trung bình còn sống thêm khoảng 24,5 năm; có nghĩa là thời gian hưởng lương hưu dài hơn trước.
Có thể tính đến tăng tuổi nghỉ hưu?
Với những phân tích trên, dự thảo báo cáo Chính phủ của Bộ Tài chính về tình trạng quỹ BHXH, đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất mức độ nâng, đối tượng nâng, đặc biệt lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp thực tế Việt Nam và xu hướng chung thế giới.
Tuy nhiên, trước đó, dự thảo lần hai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án, trong đó phương án 1 giữ nguyên tuổi nghỉ hưu hiện hành; phương án hai: "Tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm sáu tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đối với phương án này, nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm năm so với quy định...".
Với đề xuất trên, nhiều chuyên gia cho rằng lộ trình này là quá nhanh, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một giải pháp. Chúng ta cần phải tăng kéo dài lộ trình để xã hội quen dần, quan trọng là chuẩn bị tâm lý, tránh gây “sốc” cho người lao động.
Theo ông Huân, trong điều kiện cung cầu mất cân đối, lựa chọn lộ trình 1 năm tăng 3 tháng như dự thảo Bộ Luật lao động lần 1 là hợp lý. Điều quan trọng nhất cơ quan nghiên cứu cần phải làm là có được đánh giá tác động của tăng tuổi nghỉ hưu đến thị trường lao động, sức khỏe, vấn đề quản lý quỹ... Bên cạnh đó, các bước đi cần phải chia cụ thể.
Với quan điểm trên, ông Nuno Meira Simoes Cunha, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho biết mỗi quốc gia có các biện pháp riêng của mình, và nâng cao tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp phổ biến để cân đối quỹ BHXH: "Chúng tôi nghĩ rằng giảm mức độ lợi ích cũng là một cách để ổn định hệ thống trong việc giải quyết các thách thức già hóa dân số. Nhưng thông thường, già hóa dân số chỉ là cái cớ để giảm các lợi ích. Mọi người không có khả năng chi nhiều hơn và bằng cách nào đó họ phải quyết định rằng họ không thể chi tiêu nhiều hơn.
Nói chung, tăng tuổi nghỉ hưu không phải là một giải pháp dễ thực hiện. Nhưng giải pháp này vẫn dễ hơn việc giảm các mức trợ cấp, bởi vì mọi người không nhất thiết nhìn thấy thu nhập của họ giảm đáng kể và những gì họ biết là họ phải làm việc thêm một hoặc hai năm nữa. Và nếu bạn được thông báo trước 10 năm thì bạn sẽ luôn sẵn sàng cho việc đó. Tôi nghĩ rằng đó là biện pháp tốt hơn".
Ông Nuno Meira Simoes Cunha cũng khuyến cáo nếu Việt Nam muốn thực hiện việc này cần phải từ từ. Hầu hết các quốc gia đều có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu trong nhiều năm, và phải thống nhất về nhóm tuổi được áp dụng, ví dụ chỉ áp dụng cho những người sinh từ một năm nhất định, hoặc áp dụng với những người mới tham gia lực lượng lao động: "Bạn đừng đợi đến khi họ sắp về hưu mới thông báo rằng họ cần làm thêm một năm nữa..."- ông Nuno Meira Simoes Cunha nhấn mạnh.
Tiền dư quỹ BHXH về đâu ?
Về cơ bản, toàn bộ số tiền nhàn rỗi từ các quỹ BHXH, BHYT, BHTN được BHXH Việt Nam sử dụng đầu tư, tổng số dư nợ đầu tư năm 2016 đạt 518 nghìn tỉ đồng, số tiền sinh lời thu được giai đoạn 2012-2016 đạt 134 nghìn tỉ đồng. Trong đó năm 2016 đạt 34,4 nghìn tỉ đồng. Toàn bộ số tiền sinh lời thu được hằng năm, được sử dụng trích chi phí quản lý BHXH và phân bổ vào các quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.
Các hình thức đầu tư quỹ, gồm mua trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay; gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu...
Theo Plo
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quy-bhxh-duy-tri-duoc-may-nam-sao-phai-tang-tuoi-huu-a164604.html