Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Không chọn con đường của Đại biểu an nhàn

(Pháp lý) - Hai khóa được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhưng đã có 27 năm làm việc cho Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân được biết đến là người có kiến thức sâu rộng, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, ông không chọn con đường làm Đại biểu an nhàn, mà chọn con đường không ít “chông gai”, để dẫu rằng sau đó, ông gặp không ít trắc trở... Thế nhưng, hỏi ông nếu được lựa chọn lại, ông nói mình vẫn chọn con đường cũ, để nói tiếng nói của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri và đấu tranh với những tiêu cực, bảo vệ công lý.

Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trò chuyện chậm rãi cùng ĐBQH Lê Thanh Vân khi ông đang nghỉ để chữa bệnh.

Phải dùng pháp trị để trị cán bộ thoái hóa

ĐBQH Lê Thanh Vân để lại dấu ấn với cử tri bằng những phát ngôn “gai góc”, mạnh mẽ trên Nghị trường. Thời gian gần đây, ông đã thay mặt cử tri, giám sát và chỉ ra nhiều bất cập của công tác cán bộ. Tâm tư về điều này, ông chia sẻ những góc nhìn sâu sắc: Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tồn vong của chế độ đó là công tác cán bộ. Công tác cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề. Nếu cán bộ là tầng lớp tinh hoa, lãnh đạo thì viên chức là giới thừa hành của lãnh đạo. Cán bộ là giường cột của bộ máy, cốt lõi của hệ thống. Tôi quan tâm vì qua thực tế, tôi thấy cán bộ bị tha hóa nhiều, đồng thời tình trạng bổ nhiệm và đề bạt cán bộ sai phạm rất đáng báo động.

“Những phát biểu của tôi là sự gọt rũa, ghi nhận ý kiến từ cử tri. Thiên hạ có câu vè về công tác cán bộ: nhất trực hệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ.... ĐBQH Thanh Vân thở dài rồi lý giải: Tình trạng cán bộ tha hóa do nhiều nguyên nhân. Lớp cán bộ hiện nay chủ yếu sinh ra từ thời bao cấp, họ chịu vất vả nhiều. Khi chuyển đổi cơ chế, họ thay đổi nhiều về môi trường, mức hưởng thụ, thu nhập nên họ bị gục ngã trước những cám dỗ về vật chất, ham mê quyền lực và những thú vui nhục dục. Bắt đầu từ chính họ, sau đó lan ra những người mới vào bộ máy. Kẻ tha hóa thường lựa chọn kẻ tha hóa, cứ thế làm cho công tác cán bộ trở nên tồi tệ...”.

Nhiều kinh nghiệm thực tế, nên cách nhìn của ĐBQH Lê Thanh Vân cũng đầy tính phản biện. Nói về Nghị quyết Trung ương IV khóa XII, ông chia sẻ: Chưa bao giờ Đảng phải ra một Nghị quyết về chỉnh đốn Đảng với những lời lẽ mạnh mẽ như vậy, đặc biệt là sự mô tả về sự tha hóa của cán bộ với 27 biểu hiện. Theo tôi đó là sự mô tả đầy đủ nhất về trạng thái cán bộ hiện nay. Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên tôi băn khoăn, nhiều giải pháp của Nghị quyết vẫn đề cao đức trị. Nếu bình thường ta dùng đức trị, nhưng công tác cán bộ hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại, nên không thể chỉ dùng đức trị. Phải đề cao pháp trị với quy định thay thế cán bộ không cần nhiệm kì và xử lý nhanh, nghiêm cán bộ sai phạm để tránh tẩu tán, bỏ trốn. Đồng thời phải bổ sung các quy định, tội danh trong BLHS để xử nghiêm những cán bộ thoái hóa biến chất”, ông Vân kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân)

Đề xuất xây dựng Luật Trọng dụng nhân tài

Trên Nghị trường, ĐBQH Lê Thanh Vân là người sôi nổi, thẳng thắn và đề xuất nhiều sáng kiến. Góp ý cho công tác cán bộ, ông cho rằng nên xem lại những kinh nghiệm của người xưa để vận dụng. “Tôi đặc biệt ngưỡng mộ cách dùng quan lại của vua Lê Thánh Tông. Ngay từ khi lên ngôi, ông đã quyết tâm loại bỏ tình trạng quan lại dốt nát, tham lam, đố kị ra khỏi bộ máy bằng nhiều chủ trương, biện pháp mang tính cơ bản”.

Theo đó, vua Lê Thánh Tông chọn quan lại chủ yếu thông qua “thi tuyển”. Dưới thời vị vua này, những người được bổ nhiệm làm quan lại, dù là người thừa hành ở cấp thấp nhất cũng phải là người đã đỗ trong các kỳ thi. Những người không đỗ bằng gì chỉ khi ra trận lập được công to mới được bố trí làm quan võ. Mọi người trong thời đó, không kể nguồn gốc, xuất thân đều được phép dự thi. Lệ thi cử gồm 3 kì, thi hương, thi hội, thi đình. Mỗi kỳ thi gồm các môn thi như thi kinh nghĩa, thi pháp luật, thi làm thơ phú, thi văn sách... Lê Thánh Tông quan điểm “trăm quan là nguồn gốc của Trị và loạn”.

Ngoài ra vị vua này còn sử dụng cách thức tuyển quan lại bằng cách bảo cử - tức là quan giới thiệu quan. Người đứng ra bảo cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình ra để đảm bảo cho người được bảo cử. Nếu không cử được người giỏi thì bị phạt nặng, nếu lấy tiền để bảo cử thì bị xử tội... Không chỉ ở khâu tuyển chọn, ở khâu giám sát, kiểm tra quan lại dưới quyền được vua Lê Thánh Tông làm rất chặt chẽ.
Từ nghiên cứu đó, ĐBQH Lê Thanh Vân đưa ra ý tưởng về thi tuyển cán bộ lãnh đạo. Sau này một số Bộ, Ngành có áp dụng. Đồng thời, ông có đưa ra đề nghị xây dựng dự án Luật Trọng dụng nhân tài.

Kỷ niệm “lấy đá ghè chân mình”

Chất vấn trước Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân luôn chọn những vấn đề cử tri bức xúc, quan tâm. Trải qua nhiều kì họp, ông thẳng thắn: Tôi thường không hài lòng khi nhận được trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Có lần chất vấn về chuyện ngành giáo dục cử giáo viên đi tiếp khách. Tôi nhận được câu trả lời nói rằng đó là trách nhiệm của các cô giáo... Tôi cho rằng đó là phần trả lời chưa thỏa đáng và có phần “tào lao”, thiếu trách nhiệm của Bộ trưởng.

Nói về cảm xúc Nghị trường, ông Vân nhớ đến lần mình chất vấn Thủ tướng bằng câu: “Sau một thời gian nắm quyền Thủ tướng, đến nay thì Thủ tướng phần nào nắm được phẩm chất và tính nết từng người, Thủ tướng đánh giá thế nào về chất lượng các Bộ trưởng, đó có phải là tập thể mà cùng với Thủ tướng xây dựng chính phủ kiến tạo và phát triển hay không?”. Sau đó, Thủ tướng trả lời rằng, các Bộ trưởng đều tốt, đều giỏi... Ông Vân tâm tư nhiều với phần trả lời này của Thủ tướng. Và phân trần: Tôi nghĩ rằng, Thủ tướng trả lời như vậy nhưng đã có đánh giá của riêng mình.

Khi được hỏi về kỷ niệm chất vấn khiến ông rơi vào thế khó, ông Vân đã chia sẻ về một kỷ niệm “lấy đá ghè chân mình”. Có lần, trên diễn đàn Quốc hội khóa XIII, ở cương vị là Phó Bí thư tỉnh Hải Dương (ông là cán bộ Trung ương được luân chuyển về địa phương 2 năm), ông Vân đã chất vấn Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Thanh: Trong năm 2015, Thanh Tra Chính phủ có kết luận về những sai phạm trong quản lý, đầu tư, xây dựng của Hải Dương từ 2005 đến 2013. Nội dung kết luận có kiến nghị xử lý tập thể và cá nhân có trách nhiệm. Tuy nhiên sau đó thì Thường vụ tỉnh Ủy Hải Dương họp và thống nhất không xử lý cán bộ sai phạm. Tại sao Thanh tra không có ý kiến gì? Sau chất vấn này, Thanh tra Chính phủ cũng không mang đến cho ông Vân câu trả lời thỏa đáng.

Bây giờ nhớ lại, ông Vân vẫn cho rằng đó là lần chất vấn khó khăn đối với ông. Phải nói chuẩn xác là, chính ông Vân đã làm khó mình, “lấy đá ghè chân” mình. Có lẽ, ai thực sự còn đang trong bộ máy, mới thấu hiểu sự tranh đấu của ông Vân với sự ì ạch của chính quyền địa phương sẽ gặp phải những khó khăn, áp lực nhất định. Và sau đó, chính ông đã được nếm trải khó khăn ấy! Thế nhưng ông Vân vẫn dứt khoát: “Tôi nhận thấy khi mình phát biểu vì cử tri thì sẽ mất lòng một vài đồng chí khác... nhưng qua sự tranh đấu nội tâm, tôi nhận thấy mình đứng về số đông, đứng về nhân dân”.

An nhiên trên con đường sự nghiệp “không bằng phẳng”

Ở trong Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân không phải là người quảng giao. Ông có những người bạn thân thiết như ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, cố Đại biểu Ngô Văn Minh. Họ gặp nhau vì cùng chung mối quan tâm, chung đề xuất, cùng suy tư, cùng say sưa nhiệt huyết muốn có những cải cách mạnh hơn vì nhân dân.

Sự nghiệp của ĐBQH Lê Thanh Vân không bằng phẳng. Có lúc vì quá thẳng thắn nên ông gặp những khó khăn nhất định. Ông đã làm việc bằng trách nhiệm của mình. Ông bảo: “Nếu cấp trên không tín nhiệm, nhân dân không bầu thì tôi nghỉ. Tôi thích câu Trần Nhân Tông khi ông về Yên Tử: “Thị phi niệm trục triêu hoa lạc/ Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn”. Nên hiểu nghĩa là "Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm/ Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm". Thế nhưng, sau thăng trầm, nhân dân vẫn chọn ông là Đại biểu của họ, ông trở thành ĐBQH khóa XIV với số phiếu ủng hộ cao từ nhân dân...

Nhiều trăn trở với công tác lập pháp

Là một Tiến sĩ ngành Luật, ĐBQH Lê Thanh Vân cũng là Đại biểu giàu kinh nghiệm lập pháp. Ông đưa ra những góc nhìn thẳng thắn về lập pháp. Ông cho rằng lập pháp hiện tại còn thiếu những chiến lược dài hơi dẫn đến tình trạng Luật ban hành nhanh phải sửa đổi. Đồng thời, cơ chế đề xuất Luật còn hạn chế. Một Đại biểu đề xuất dự án Luật thủ tục giống như tập thể Chính phủ đề xuất dự án Luật. Cơ chế làm luật đó còn nặng về hành chính, không phát huy được trí tuệ của ĐBQH. Cần có một quy chế làm Luật rút gọn dành cho Đại biểu.

Thành phần của Ban soạn thảo ở các dự án luật hiện nay còn bó hẹp dẫn đến chất lượng dự thảo luật chưa cao, một số quy định của luật còn hàm chứa lợi ích nhóm. Cần quy định đa dạng thành phần soạn thảo một dự án Luật. Trong lập pháp, kỹ thuật lập pháp của ta hiện còn nhiều hạn chế. Ở một số điều luật đã rõ ràng về cấu tạo kỹ thuật của một điều Luật như Giả định, quy định, chế tài. Tuy nhiêu nhiều Luật, còn có những điều quy định chủ yếu là chủ trương, đường lối dẫn đến cần nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Phan Tĩnh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-khong-chon-con-duong-cua-dai-bieu-an-nhan-a164577.html