Điều quan trọng nhất là phải tạo môi trường thuận lợi để mọi người phát triển hết năng lực, doanh nghiệp giảm được chi phí, tăng sức sản xuất ra của cải.
Chính sách làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại
Đánh giá về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp đề xuất kế hoạch mạnh tay cắt giảm thuế doanh nghiệp và khuyến khích các công ty Mỹ đưa lợi nhuận cất giữ ở nước ngoài về nước, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng động thái này phục vụ cho mục tiêu ông Trump đã đề ra khi tranh cử và phù hợp với hoàn cảnh của nước Mỹ hiện tại.
Theo đó, thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách, một khi nguồn thu ngân sách tăng thì động lực của doanh nghiệp phải giảm đi. Cắt giảm thuế sẽ làm cho thu nhập của doanh nghiệp tăng lên.
Chính vì thế, với động thái này, Tổng thống Donald Trump muốn trong giai đoạn này tăng hiệu quả của doanh nghiệp lên, từ đó tạo ra động lực để kinh doanh hiệu quả hơn. Nói cách khác, ông Trump muốn thúc đẩy kinh tế ở khía cạnh cung.
"Suốt thời kỳ vừa qua, đối với nền kinh tế Mỹ, hoạt động kinh doanh đã bị yếu đi và để cho bên ngoài lấn chiếm, đặc biệt là Trung Quốc. Việc khôi phục lại có ý nghĩa rất quan trọng trong tính cách của ông Trump. Nó phù hợp với hoàn cảnh của Mỹ trong thời gian qua.
Thuế của Mỹ không phải chỉ có thuế của doanh nghiệp trong nước mà còn nhiều loại thuế khác. Nhưng thuế có ý nghĩa rất quan trọng là điều chỉnh hành vi của xã hội, điều chỉnh hoạt động kinh tế của nó về định hướng nào. Quan trọng nhất vẫn là tăng động lực của nền kinh tế lên, tăng sự giàu có, ổn thỏa, hay sự thịnh vượng của nền kinh tế lên.
Thuế cũng là một khâu có tính chất lan tỏa và sự tác động có tính chất tổng thể.
Quan trọng nhất là ông Trump muốn khôi phục hoạt động kinh doanh của nước Mỹ, tức là thực lực của nền kinh tế. Kinh doanh có hiệu quả thì nền kinh tế mới có thực lực, những cái khác chỉ là ngọn.
Bởi thế, ông ta có một chiến lược khá cơ bản, không chỉ đơn thuần là "câu chuyện vui vẻ" anh được, tôi cũng được. Đáng lưu ý, Trump điều chỉnh năng lực của nền kinh tế để cạnh tranh với nền kinh tế toàn cầu, nhất là các đối thủ đang có ý lấn át nước Mỹ. Chính sách của Trump là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích.
Vị chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, những chính sách cắt giảm mạnh tay thuế doanh nghiệp mà Tổng thống Trump dự định đề xuất không liên quan nhiều đến vấn đề bảo hộ thương mại.
"Cũng như TPP, nhiều ý kiến cho rằng, ông Trump bỏ TPP là có vẻ khôi phục lại nền kinh tế khép kín, nhưng không hoàn toàn như thế. Ở đây có nhiều khía cạnh, TPP không chỉ có khía cạnh tự do hóa thương mại.
Tự do hóa thương mại từ lâu đã thành một xu hướng. Bản chất của tự do hóa thương mại là kinh tế thị trường nên và để đạt được thì có nhiều cách, TPP cũng chỉ là một cách mà thôi".
Trở lại với kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp mà chính quyền Donald Trump chuẩn bị đề xuất, PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ, đây không phải là hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ qua thuế và nó tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp.
Bài học lớn cho Việt Nam
PGS.TS Lê Cao Đoàn khẳng định, đây là bài học lớn cho Việt Nam: muốn nuôi dưỡng doanh nghiệp thì không được vi phạm những quy định của WTO, các hiệp định tự do thương mại.
Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế công bằng, bình đẳng, không có chuyện nâng doanh nghiệp này, hạ doanh nghiệp kia xuống, hạ anh kia xuống, phải cạnh tranh trong thế ngang bằng.
"Bởi thế, Chính phủ không nên không can thiệp vào việc tăng hay giảm sức sản xuất của từng nơi một mà phải tạo môi trường để doanh nghiệp tự tăng hay giảm cái của người ta lên.
Thế nhưng ở Việt Nam hiện nay, có hiện tượng được người này, hạ người khác, trang bị cho doanh nghiệp này, trói doanh nghiệp khác..., như thế là không có bình đẳng, thiếu tự do cạnh tranh. Trong khi lẽ ra sức hai bên thế nào thì cứ thế mà cạnh tranh", PGS Đoàn nói.
Vị chuyên gia chỉ rõ, điều quan trọng nhất tạo môi trường thuận lợi để mọi người phát triển hết năng lực của mình, để doanh nghiệp giảm được chi phí, tăng sức sản xuất ra của cải, năng lực kinh doanh một cách bình đẳng với nhau, không gây hại cho người khác.
Chính sách thuế cũng vậy, đó là một trong những chính sách hệ trọng trong chính sách tài chính để làm cho nền kinh tế có sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh, tăng hiệu quả của sức sản xuất.
Đánh giá về những gì Việt Nam đã làm được cho doanh nghiệp đến nay, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng phải xem gốc rễ nền kinh tế Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường hay chưa.
"Hiện nay, qua bao năm đi vào kinh tế thị trường, Việt Nam đã thừa nhận có kinh tế tư nhân nhưng kinh tế tư nhân vẫn bị lép vế, không đứng vững trong nền kinh tế.
Gần đây, người ta cứ rầm rộ nói về câu chuyện khởi nghiệp, thế nhưng thực tế doanh nghiệp cứ hoạt động được một thời gian là giãy chết. Vấn đề phải tạo ra điều kiện cho doanh nghiệp phát triển một cách bình thường thì Việt Nam lại chưa có.
Doanh nghiệp là nơi tạo ra của cải vật chất cho xã hội và phải có được điều kiện để sáng tạo. Thế nhưng cuối cùng, năng lực của họ lại phải dành để đối phó với các chính sách, các câu chuyện luồn lọt...
Có thể nói, doanh nghiệp phí đến 50% năng lực để làm các chuyện ngoài hoạt động bình thường để cố gắng tạo ra sự bình thường cho riêng họ, cho nên năng suất lao động, hiệu quả nền kinh tế Việt Nam rất thấp", PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ong-trump-giam-thue-doanh-nghiep-viet-nam-hoc-gi-a164453.html