Nước chủ nhà Philippines đã phát đi bản tuyên bố sáng 30-4, một ngày sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Manila.
“Không có tiến triển gì trong việc tạo ra một quan điểm thống nhất hay ít nhất là một cách tiếp cận nhất quán đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, giữa ASEAN và Trung Quốc
Tiến sĩ Jay Batongbacal bình luận về Hội nghị cấp cao lần thứ 30 tại Manila, Philippines
Bản tuyên bố, được gọi là “Tuyên bố chủ tịch”, không chỉ được phát muộn hơn thường lệ mà còn cắt đi các cụm từ về tranh chấp Biển Đông.
Tuyên bố chủ tịch là tuyên bố lập trường chung dựa trên nguyên tắc đồng thuận của lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN về một loạt vấn đề trên ba trụ cột chính bao gồm: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Tuyên bố chủ tịch được nước chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN công bố cuối mỗi hội nghị cấp cao ASEAN hằng năm.
Không đề cập quân sự hóa, xây đảo
Dù không có đề cập Trung Quốc nhưng trong các cuộc họp vào ngày khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30 ngày 29-4, một số lãnh đạo đã nói rõ rằng họ phản đối quân sự hóa và cải tạo đất ở Biển Đông. Tuy nhiên, bản Tuyên bố chủ tịch cuối cùng của nước chủ nhà lại không hề đề cập những cụm từ trên.
Thậm chí, cụm từ “tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý” (PV - ám chỉ đến phán quyết của Tòa trọng tài) vốn được đề cập trong bản tuyên bố dự thảo cũng bị cắt mất.
Khi đề cập đến tranh chấp Biển Đông, tuyên bố chỉ nói chung chung: “Các quốc gia ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trong các vùng biển tranh chấp.
ASEAN cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến gần đây và sự gia tăng các hoạt động trong khu vực, có thể làm gia tăng thêm căng thẳng và xói mòn niềm tin trong các nhà đầu tư trong khu vực”.
Tuyên bố nói thêm: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường niềm tin và sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế trong thực hiện các hoạt động, tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình và theo đuổi các giải pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, không đe dọa vũ lực hay sử dụng vũ lực.
Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng tôi lưu ý về mối quan hệ được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc.
Chúng tôi hoan nghênh quá trình hoàn tất khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào giữa năm nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành sớm một COC hiệu quả. Chúng tôi công nhận các lợi ích dài hạn sẽ đạt được ở một Biển Đông hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”.
Tại cuộc họp báo ở Trung tâm hội nghị quốc tế Philippines (PICC) tối 29-4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng việc các lãnh đạo ASEAN thảo luận về các công trình xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động vô ích, lưu ý rằng Philippines không đủ năng lực quân sự để ngăn chặn nó.
“Không có cụm từ nào ám chỉ về điều đó (các công trình quân sự - PV) nhưng chúng tôi mong muốn có một bộ quy tắc ứng xử (COC) vào cuối năm nay để mọi người cảm thấy thoải mái dong thuyền ra đó” - ông Duterte nói với các phóng viên.
Trước đó, ông Duterte cho biết ông sẵn sàng tạm gạt phán quyết của Tòa trọng tài sang một bên để thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, dù ông khẳng định sẽ không bao giờ “bán” những lợi ích của Philippines ở Biển Đông.
“Đảo ngược hoàn toàn”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Shahriman Lockman từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định rằng nhìn chung Tuyên bố chủ tịch của Philippines nhẹ tông hơn so với tuyên bố tại Lào năm ngoái.
“Bản tuyên bố này đảo ngược hoàn toàn khi “quân sự hóa” và “cải tạo đất” được đề cập trong bản tuyên bố dự thảo nhưng đã không còn trong bản chính thức. Ông Duterte sẽ tham dự thượng đỉnh Một vành đai, Một con đường ở Bắc Kinh vào trung tuần tháng 5, và điều này ắt hẳn in đậm trong tâm trí của ông ấy” - ông Shahriman nói.
Tiến sĩ Jay Batongbacal, giám đốc Học viện các vấn đề hàng hải và luật biển Philippines, bình luận với Tuổi Trẻ rằng việc Tổng thống Duterte không đề cập các hành động cải tạo đất, quân sự hóa ở Biển Đông cũng như phán quyết của Tòa trọng tài trong Tuyên bố chủ tịch rõ ràng phản ánh đúng thái độ của ông Duterte.
Theo tiến sĩ Jay, nhìn tổng thể, bản Tuyên bố chủ tịch dành phần lớn nội dung nói về hợp tác kinh tế, như tiến triển của các dự án và sáng kiến hiện tại của ASEAN.
“Tổng thống Duterte trước đây đã nêu rõ lập trường ông ấy không cho rằng những vấn đề nói trên đáng được thảo luận và ông ấy không muốn tạo ra bất cứ rắc rối nào đối với Trung Quốc” - tiến sĩ Jay Batongbacal nhấn mạnh.
Phương án mang tính sách lược
Về cảm tính, tôi chắc rằng nhiều người sẽ bức xúc và bất ngờ vì cụm từ “xây đảo” và “quân sự hóa” đã không còn được thể hiện trong tuyên bố này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lại cho rằng đây là phương án mang tính sách lược, thực tế nhất trong bối cảnh có sự bất đối xứng về cán cân sức mạnh không chỉ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN mà còn giữa các siêu cường, kể cả Mỹ và Trung Quốc, trong cuộc tranh chấp về địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - kinh tế... đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc tranh chấp này là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến xung đột, chiến tranh.
Vì vậy, ưu tiên hàng đầu trong tình hình hiện nay là mọi quốc gia phải đoàn kết, cùng chung sức ngăn chặn chiến tranh, giữ quan hệ hòa hiếu, không tạo cớ cho các siêu cường gây nên tình trạng “đục nước béo cò” bởi vì nếu xung đột, chiến tranh xảy ra, như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên bố thì chắc chắn không ai chiến thắng cả.
Các quốc gia ASEAN, nếu thấy cần thiết, vẫn có quyền tuyên bố bảo lưu lập trường và lên án bất kỳ hành động nào vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông. Điều này là cần thiết và có giá trị pháp lý theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành.
Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ)
Theo Tuoitre
Link nội dung: https://phaply.net.vn/asean-nhin-tu-mot-ban-tuyen-bo-a164224.html