42 năm qua, khoảng thời gian để chúng ta càng nhận ra ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975, trong đó có cả những lớp người trẻ như tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn tiếng súng, sinh ra trong thời kỳ hội nhập, năng động của cơ chế của kinh tế thị trường. Năm tôi sinh cũng là năm mà Việt Nam tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kì, đánh dấu một bước chuyển mới trong quan hệ giữa hai đất nước, gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, để tìm kiếm những giá trị lợi ích chân thực.
[caption id="attachment_164158" align="aligncenter" width="621"]
Chiến thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, một biểu tượng về sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu để gìn giữ dân tộc, một bước ngoặt mở ra thời kỳ mới cho dân tộc.[/caption]
Tôi được nghe bà kể lại những câu chuyện về thời khắc lịch sử đó, loa phóng thanh đồng loạt phát “Tuyên bố đầu hàng” của Dương Văn Minh, kết thúc cho một chế độ tay sai, bù nhìn. Ở thời khắc đó, tự đáy lòng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước và tự hào dân tộc đã cất lên tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Chiến thắng 30/4/1975 một lần nữa khẳng định sự tất thắng của cuộc chiến tự vệ chính nghĩa, của truyền thống yêu nước, của tinh thần đoàn kết dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.
Với người trẻ chúng tôi, 30/4/1975 là ngày chấm dứt hơn 20 năm đất nước bị chia cắt, ngày hòa bình đầu tiên trở về với mọi gia đình, ngày tỏa sáng một chân lý mà Bác Hồ đã khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Dân tộc ta vui mừng và các nước anh em bầu bạn trong khu vực và trên thế giới cũng chung vui vì một nước Việt Nam tắt lửa chiến tranh, là một đảm bảo cho hòa bình, ổn định trong cả khu vực và trên thế giới.
Những ngày hòa bình ở Việt Nam cũng từng là khát vọng của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Mỹ. Chúng ta không thể nào quên trong hàng nghìn ngày chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta, đã có cả một phong trào nhân dân thế giới ủng hộ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Phong trào phản đối chiến tranh còn lan ra ngay trong lòng nước Mỹ. Các bà mẹ biểu tình giương lên khẩu hiệu “Ngày hôm nay lại có bao nhiêu trẻ bị giết?”. Các thanh niên biểu tình giương lên câu hỏi “Vì sao chúng tôi phải đến đánh nhau ở Việt Nam?”. Lương tâm người Mỹ đã thực sự lên tiếng. Mạnh mẽ hơn nữa, lại có những nhóm thanh niên vứt trả lại những thẻ quân dịch, thể hiện một tinh thần bất tuân thượng lệnh một cách kiên quyết.
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta luôn gắn liền với các cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, người Việt Nam luôn hiểu được những giá trị của hòa bình và khao khát để có được nó. Bởi chỉ có hòa bình, ổn định thì mới có thể yên tâm mà làm ăn và đoàn kết các dân tộc, các quốc gia lại với nhau, để cùng nhau xây dựng “lòng tin chiếm lược”, tìm kiếm những lợi ích chung, cùng nhau phát triển.
Bức tranh sáng màu toàn cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay đã minh chứng cho những giá trị của Đại thắng mùa xuân năm 1975: kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,21% năm 2016, chỉ sau Ấn Độ, xuất khẩu tăng 8,6% so với năm trước, đạt mức 175,9 tỷ USD. Nhập khẩu ở mức 173,3 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân tăng khoảng 9% tới mức kỉ lục 15,8 tỷ USD…
Ngày 30/4/1975 đã mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, ngày thống nhất để phát triển của dân tộc Việt Nam. Cũng là ngày nước Việt Nam độc lập và thống nhất mang đến cho khu vực và thế giới một cơ hội để hòa bình, hội nhập.
Thắng lợi vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho dân tộc những bài học lịch sử giá trị, trong đó có bài học về huy động sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc. Như lời Đại tướng Văn Tiến Dũng trả lời với các học giả phương Tây: “Một lần nữa tôi muốn nói rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay. Và Ban lãnh đạo chúng tôi biết khai thác, biết phát huy tất cả những sức mạnh đó để chiến thắng”.
Sau này, trong tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” xuất bản tại New York (Mỹ) năm 1985, Giáo sư sử học, Tiến sĩ triết học Mỹ Gabriel Kolko đã chỉ ra nguyên nhân tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống xâm lược, được khơi dậy từ “Đường lối quần chúng và sự động viên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tỏ ra là một phương pháp rất có hiệu quả…”.
Ông rút ra nhận xét: “Ngoài những chiều cạnh về thể chất và về quân sự rất đặc biệt của Việt Nam, đối phương đó của Mỹ còn có những vốn quý về chính trị và về tri thức rất nguy hiểm cho Mỹ bởi vì phương pháp luận sáng tạo của cách mạng có thể áp dụng không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi khác nữa. Mỹ đã chọn nhầm một nước để thử lòng tin của mình”.
Chiến thắng 30- 4 đã khẳng định chân lý: “Bất kỳ một quốc gia nào, dù có hùng mạnh đến đâu, nếu dùng bạo lực để áp đặt ý chí của mình lên dân tộc khác thì cuối cùng nhất định thất bại”.
Bên cạnh đó, sự đoàn kết, một lòng đi theo Cách mạng của nhân dân cũng khẳng định tính chính nghĩa của Cách mạng. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, Hội đồng hòa bình thế giới đã ca ngợi : “Hai tiếng Việt Nam luôn luôn cổ vũ, động viên tất cả các dân tộc tiến bộ trên thế giới”.
[caption id="attachment_164157" align="aligncenter" width="577"]
Tác giả Nguyễn Quang Bách[/caption]
Đã 42 năm đã trôi qua, kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, thời gian càng lùi xa, thì chiến thắng 30-4-1975 của dân tộc Việt Nam càng nổi bật tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó.
Các thế hệ trẻ Việt Nam chúng tôi càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị và bài học của chiến công chói lọi này. Hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha với hòa bình, khát vọng tự do và hạnh phúc, không bao giờ mong muốn chiến tranh. Nhưng, vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc, cũng vì nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng đối với quốc tế mà nhân dân ta, cả hai miền Nam – Bắc, tiền tuyến và hậu phương buộc phải cầm súng quyết chiến đấu và quyết chiến thắng.
Để hôm nay mọi người Việt Nam được sống trong hòa bình, tự do mưu cầu hạnh phúc, phát triển, bạn bè quốc tế đến làm ăn, sinh sống, thăm thú trong thanh bình, điều đó chẳng quý lắm sao? Có được hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải trả bằng máu và nước mắt, nên chúng tôi rất thấm thía giá trị này.
Ai đó, vì bất cứ lý do gì, gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam là có tội với đất nước, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo PL&XH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chien-thang-cua-mot-dan-toc-chinh-nghia-yeu-chuong-hoa-binh-a164156.html