Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020: 'Đỏ mắt' tìm luật sư

Chiến lược phát triển nghề luật sư (LS) đến năm 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2020 có từ 18 – 20 nghìn LS dường như đang gặp khó khăn khi số lượng hiện nay còn khiêm tốn, đòi hỏi vài ba năm tới phải có những biện pháp quyết liệt.

LS tham dự phiên tòa.
LS tham dự phiên tòa.)

LS cũng kêu khó

Theo Chiến lược, trong giai đoạn đến năm 2015, phát triển số lượng LS khoảng 12 nghìn người, mỗi năm được từ 800 – 1.000 người, trong đó, tại mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn phát triển được từ 2 – 3 LS. Đội ngũ LS hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật, chú trọng đến việc đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, phấn đấu đạt khoảng 1.000 LS phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.

Còn đến năm 2020, số lượng LS sẽ đạt từ 18 – 20 nghìn người, tỷ lệ số LS trên số dân khoảng 1/4.500, ở mỗi địa phương khó khăn có từ 30 – 50, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Số LS có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.

Năm 2020, sẽ phát triển hành nghề chuyên sâu theo lĩnh vực pháp luật; số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người… Ngoài ra, sẽ phát triển được khoảng 30 tổ chức hành nghề LS có quy mô từ 50 - 100 LS và từ 100 LS trở lên hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, trong đó có khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam có thương hiệu, uy tín trong khu vực và thế giới.

Những mục tiêu, con số nêu trên vô cùng cụ thể nhưng nhiều ý kiến khẳng định để đạt được là rất khó, nếu không muốn nói là không tưởng. Một lãnh đạo Liên đoàn LS Việt Nam từng chia sẻ: Ở nhiều địa phương, số lượng LS thường không ổn định, tăng giảm liên tục. Có tỉnh tìm được người thích hợp để phát triển thêm đội ngũ LS tỉnh nhà thì vị này vẫn đòi được ăn lương nhà nước. Đa số người thì coi LS là chỗ để “về hưu”.

Vị này dẫn chứng thêm, UBND thành phố Cần Thơ khi thông qua Đề án phát triển đã phải thay đổi rút từ 500 LS xuống 400 mà Chủ nhiệm Đoàn LS thành phố vẫn còn kêu khó. Một thành phố lớn như vậy, trong 10 năm chỉ tăng gấp đôi số LS (vào thời điểm ban hành Đề án có 200) đã không đơn giản thì cả nước phải tăng gấp 3 – 4 lần (vào thời điểm ban hành Chiến lược có khoảng 5.000 LS) quả không dễ dàng. Như vậy, có thể thấy rõ rằng nếu không có biện pháp quyết liệt chắc chắn sẽ không đạt được số lượng đã đề ra.

Hãy để doanh nghiệp đồng hành với LS

Về số LS hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chỉ tính riêng tại Thủ đô, Hà Nội phấn đấu có được 15 tổ chức hành nghề, 50 luật sư tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của đa số LS vẫn rất hạn chế, chỉ có một số ít luật sư trẻ được đào tạo cơ bản thì còn đáp ứng được.

Cạnh tranh là rất khó cho các tổ chức hành nghề LS của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Theo số liệu gần đây nhất của Bộ Tư pháp, có 165 LS nước ngoài và 68 tổ chức hành nghề LS nước ngoài đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Bỉ, Singapore, Hồng Kông… đang có hoạt động tại Việt Nam, với nhiều loại hình theo thông lệ quốc tế như: chi nhánh, công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh.

Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020 thể hiện sự kỳ vọng của toàn xã hội, trong đó không thể thiếu các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề đối với đội ngũ LS Việt Nam. Đối với LS và các tổ chức hành nghề LS thì doanh nghiệp chính là một trong những đối tượng khách hàng thường xuyên, chủ yếu và quan trọng.

Đặc biệt từ khi nước ta gia nhập WTO, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của LS từ phía doanh nghiệp ngày càng cao. Khi tìm đến LS, doanh nghiệp luôn trông đợi nhận được một dịch vụ pháp lý có chất lượng tốt, kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp, phí dịch vụ hợp lý và thời lượng dịch vụ nhanh nhất. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay không phải lúc nào nhu cầu này của doanh nghiệp cũng được đáp ứng.

Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, khi triển khai các hoạt động nhằm hoàn thiện đội ngũ LS và nghề LS cần đề cập tới sự tham gia, phối hợp của các chủ thể liên quan khác. Bởi doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển nghề LS ở Việt Nam, vừa tạo nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức cho LS Việt Nam.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chien-luoc-phat-trien-nghe-luat-su-den-nam-2020-do-mat-tim-luat-su-a164153.html