Thiên Ngọc Minh Uy dừng hoạt động: Đa cấp có tiếp tục biến tướng?

Hiện nay, đã có những biến tướng của kinh doanh đa cấp trên môi trường Internet với các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm tài chính. Các cơ quan quản lý sẽ vấp phải vô vàn khó khăn để kiểm soát được chúng.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh. (Ảnh: Đàm Duy)
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh. (Ảnh: Đàm Duy))

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh cho biết, Dự thảo Nghị định 42 về Quản lý bán hàng đa cấp đã được trình Thủ tướng Chính phủ, với các điểm mới trong Dự thảo này, bán hàng đa cấp sẽ “hết cửa” để tung hoành.

Vừa qua hàng loạt các công ty đa cấp đã bị xử lý và mới nhất là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Luật sư đánh giá thế nào về quyết tâm của các cơ quan chức năng trong nỗ lực làm trong sạch lĩnh vực kinh doanh này?

- Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc quyết liệt của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua. Trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 1 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh đa cấp biến tướng đã được xử lý một cách quyết liệt.

Như chúng ta thấy một loạt công ty kinh doanh đa cấp bị xử lý dưới nhiều hình thức như xử phạt hành chính, rút giấy phép, tạm dừng hoạt động khi chưa đủ các điều kiện hoặc vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp.

Đa cấp vi phạm pháp luật thường để lại hậu quá rất lớn về mặt xã hội trên diện rộng, để lại nhiều hệ lụy cho bản thân những người tham gia, cho gia đình họ và cho xã hội. Khi cơ quan quản lý làm tốt chức năng của mình một cách liêm chính và nhiệt tâm nhất, có thể họ sẽ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía người dân cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Việc làm trong sạch môi trường kinh doanh cũng là thực hiện định hướng, chủ trương của Đảng và Chính phủ trong quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Theo ông, dù xử lý rất nhiều công ty đa cấp nhưng liệu hình thức kinh doanh này có biến tướng sang các kiểu kinh doanh khác?

- Theo tôi, chắc chắc sẽ có sự biến tướng vì: Lợi nhuận sinh ra từ hoạt động này quá lớn trong khi kinh phí đầu tư rất ít; một thị trường đa cấp không trung thực vẫn tiềm năng vì nhận thức người dân (nhất là vùng khó khăn) còn hạn chế; cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc quản lý và cấp giấy phép hoạt động loại hình kinh doanh này; mức xử phạt chưa lớn và chưa có tính răn đe với những cá nhân tham gia hệ thống…

Hiện nay, đã có những biến tướng của nó trên môi trường internet với các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm tài chính và cơ quan quản lý sẽ vấp phải vô vàn khó khăn để kiểm soát. Rồi cả các mô hình đầu tư bất động sản, đầu tư kỳ nghĩ dưỡng, đang sử dụng các chiêu thức của kinh doanh đa cấp biến tướng nở rộ cả ngoài xã hội và môi trường internet.

 

 Bán hàng đa cấp sẽ vẫn còn biến tướng nếu không được quản lý chặt chẽ. (Ảnh: I.T)
Bán hàng đa cấp sẽ vẫn còn biến tướng nếu không được quản lý chặt chẽ. (Ảnh: I.T))

Vấn đề nhiều người quan tâm là những nạn nhân, những người tham gia vào lĩnh vực đa cấp đặc biệt là nông dân, tới bao giờ mới giải quyết được hậu quả do đa cấp gây ra?

- Tôi nghĩ rằng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Mặc dù sự truyền thông về lĩnh vực xấu này chưa sát sao, cơ chế quản lý và cấp giấy phép còn lỏng lẻo… nhưng hãy trách mình trước vì không tìm hiểu kỹ trước khi tham gia hệ thống vì suy cho cùng hậu quả mình sẽ gánh chịu trực tiếp.

Theo quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp các công ty kinh doanh đa cấp phải giải quyết cho toàn bộ các cá nhân tổ chức đã tham gia vào hệ thống của mình khi tuyên bố tạm dừng kinh doanh hoặc bị rút giấy phép kinh doanh đa cấp.

Nhưng trên thực tế, việc để bảo đảm quyền lợi cho những cá nhân của các công ty này là rất khó khi đã ngừng hoạt động. Sau cùng, các cá nhân tham gia trước đó cứ trông đợi vào những khoản lợi nhuận lãi do được hứa hẹn là rất cao sẽ là những người bị thiệt thòi lớn nhất.

Về phía nhà nước, tôi cho rằng cần tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn đồng thời có những biện pháp khắc phục hậu quả tạm thời ví như việc cho vay vốn lãi suất thấp để “khởi nghiệp lại” hay là tạo công ăn việc làm cũng như các trợ cấp xã hội khác.

Bộ Công Thương hiện đã soạn thảo và trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 42 về bán hàng đa cấp. Dưới góc độ pháp lý, luật sư có thể cho biết với các điểm mới trong dự thảo này liệu có quản lý được chặt hơn loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp hay không?

- Theo tôi, dự thảo này đã mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật. Chẳng hạn trước đây luật chỉ điều chỉnh những tổ chức cá nhân có đăng ký kinh doanh đa cấp thì tại dự thảo đã có thêm các cho cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Dự thảo cũng thêm các quy định tăng khả năng quản lý, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh đa câp.

Ngoài ra, một điểm mới nữa là nâng số tiền ký quỹ tối thiểu là 10 tỷ đồng, trong khi trước đây chỉ có 5 tỷ đồng. Ngoài ra có thể buộc ký quý cao hơn theo quy mô của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Quy định về vốn pháp định phù hợp với các quy định trong luật đầu tư, luật doanh nghiệp 2014 cũng đã được bỏ đi.

Đặc biệt, có khá nhiều quy định khác trong dự thảo đã giải quyết phần nào những bất cập mà Nghị định 42 chưa giải quyết được. Đầu tiên phải kể đến quy định buộc đào tạo cho các nhân viên trong hệ thống kinh doanh bán hàng đa cấp về pháp luật kinh doanh đa cấp.

Quy định này bảo đảm một nền tảng pháp lý về kinh doanh đa cấp được phổ biến đến từng người tham gia trong hệ thống kinh doanh đa cấp. Đây là việc cần làm nhất nếu muốn có một môi trường kinh doanh đa cấp trong sạch, bảo đảm đúng các quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tham gia cũng như cho công ty kinh doanh đa cấp phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Ngay sau khi Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tự xin dừng hoạt động, trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, đáng lẽ các cơ quan chức nưng phải xử lý mạnh tay sớm hơn để giảm hậu quả cho người tham gia.

PGS Thắng đánh giá, bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh trên thế giới được thực hiện từ lâu nhưng khi vào Việt Nam lại biến tướng, trở thành công cụ lừa bịp. Nhiều trường hợp chính quyền địa phương phát hiện ra dấu hiệu bất thường nhưng khi thanh tra lại thấy có đầy đủ các giấy phép của cơ quan chức năng nên các địa phương không làm gì được. Qua đó mới thấy các cơ quan chức năng cũng chưa làm đến nơi đến chốn.

Mặt khác, địa phương nhiều nơi cũng buông lỏng, nhất là nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chính quyền không vào cuộc kịp thời. Hậu quả là khi hàng trăm, hàng nghìn người bị lừa, phải gánh chịu hậu quả, chính quyền địa phương mới vào cuộc thì đã quá muộn.

Ngoài ra, thông tin, tuyên truyền cũng chưa đến nơi, đến chốn. Trong khi bán hàng đa cấp đánh vào lòng tham của người tiêu dùng, thậm chí có hội thảo, lớp học, công ty đa cấp tuyên truyền không cần làm gì, từ tay trắng thành tỷ phú, giàu có… Đó là sự lừa bịp trắng trợn nhưng không được ngăn chặn kịp thời.

Vừa qua, sau hàng loạt vụ lừa đảo liên quan tới bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương - đơn vị cấp phép hoạt động - đã vào cuộc quyết liệt và xử lý mạnh tay hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần xử lý mạnh hơn nữa để bảo vệ chính đáng quyền lợi cho người dân.

Theo Danviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thien-ngoc-minh-uy-dung-hoat-dong-da-cap-co-tiep-tuc-bien-tuong-a164034.html