17 luật sư bị xóa tên do vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Trong năm 2016, các Đoàn LS đã xử lý kỷ luật xóa tên 73 LS (trong đó có 56 trường hợp do không nộp phí thành viên tại Đoàn LS TP HCM, 17 trường hợp còn lại là xử lý kỷ luật do vi phạm đạo đức nghề nghiệp LS).

Phiên họp thứ 5 Hội đồng Luật sư toàn quốc
Phiên họp thứ 5 Hội đồng Luật sư toàn quốc)

Chiều nay (21/4), Hội đồng luật sư toàn quốc đã họp phiên thứ 5 để tổng kết công tác năm 2016 và bàn phương hướng hoạt động năm 2017.

Tính đến 31/12/2016, LĐLSVN đã cấp 11.625 Thẻ LS, trong đó có 711 LS xin thôi hành nghề, LS từ trần, LS bị xử lý kỷ luật xóa tên...); số lượng LS đăng ký hành nghề là 10.914 LS. Số người tập sự hành nghề LS trên cả nước đã đăng ký với các Đoàn: khoảng 5500 người.

LS vẫn bị cản trở quyền hành nghề hợp pháp

Năm 2016, Liên đoàn Luật sư Viêt Nam (LĐLSVN) tiếp tục cử 28 LS tham gia rà soát các thủ tục hành chính theo yêu cầu của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

Liên đoàn cũng cử hơn 450 LS tham gia vào trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp dân T.Ư tại TP Hà Nội và TP HCM theo yêu cầu của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ.

Riêng ở Trụ sở tiếp công dân T.Ư tại Hà Nội, mỗi ngày đều có từ 01 đến 02 LS tham gia trợ giúp pháp lý một cách độc lập trên cơ sở pháp luật cho người dân.

Kỷ niệm Ngày truyền thống LS Việt Nam 10/10 và kỷ niệm Ngày pháp luật Việt Nam 09/11, 30 Đoàn LS đã triển khai công tác trợ giúp pháp lý, thể hiện sự gắn kết đội ngũ LS trong các hoạt động xã hội vì cộng đồng.

Theo báo cáo của 60/63 Đoàn LS, trong năm 2016, đội ngũ LS Việt Nam đã tham gia vào 12. 859 vụ án hình sự, trong đó có 6.169 vụ án hình sự chỉ định và 6690 vụ án hình sự được khách hàng mời.
Tuy nhiên, theo báo cáo của LĐLS, vẫn hiện tượng cản trở quyền hành nghề hợp pháp của LS trong các vụ án hình sự ở một số nơi, một số cơ quan, đặc biệt là ở các cơ quan điều tra (như bị từ chối hoặc chậm trễ cấp giấy chứng nhận người bào chữa, hạn chế thời gian LS gặp bị cáo hoặc không cho LS gặp bị can, bị cáo...).

Năm 2016, Liên đoàn LS nhận được 40 trường hợp đề nghị bảo vệ quyền lợi cho LS. Phần lớn các đơn này phản ánh và đề nghị Liên đoàn can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của LS bị cản trở từ phía cơ quan tiến hành tố tụng.

Đồng thời Liên đoàn cũng nhận được 196 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến LS, người tập sự hành nghề LS. Sau khi nhận được các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, Liên đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn LS có liên quan để giải quyết. Các Đoàn LS đã xử lý kỷ luật xóa tên 17 trường hợp do vi phạm đạo đức nghề nghiệp LS.

Gian nan thu phí thành viên khi gần 50% LS khó tìm việc làm

Mặc dù đóng phí thành viên là nghĩa vụ đươc quy định trong Điều lệ LĐLSVN nhưng tình trạng chậm đóng, trốn đóng phí thành viên vẫn diễn ra. Báo cáo của LĐLSVN cho thấy, đến nay mới thu được khoảng 65-70% phí thành viên.

Hội đồng LS toàn quốc đã phải đề nghị Ban Chủ nhiệm các Đoàn LS quản lý chặt chẽ hơn để các LS đóng phí, đồng thời xử lý kỷ luật các LS không đóng phí theo quy định của Điều lệ LĐLSVN.

Hiện nay, Đoàn LS TP Hà Nội và Đoàn LS TP HCM đang tiến hành rà soát và kiên quyết xử lý các LS không đóng phí thành viên theo quy định của Điều lệ LĐLSVN.

Để đảm bảo tính kỷ luật kỷ cương trong việc thực hiện Điều lệ của LĐLSVN, trong năm 2016, Đoàn LS TPHCM đã xử lý kỷ luật xóa tên 56 trường hợp do không nộp phí thành viên.

Theo đánh giá của LĐLSVN, tình hình hoạt động hành nghề LS của các LS ở hầu hết những tỉnh trong toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn (trừ một số thành phố trực thuộc trung ương là TP Hà Nội, TP HCM).
Có tới gần 50% các LS khó tìm việc làm. Nhiều LS đã không sống được bằng nghề vì trong một năm chỉ có vài ba vụ việc tư vấn hoặc tranh tụng. Do đó vừa không nâng cao được chuyên môn nghiệp vụ vừa không có nguồn thu nhập để lấy thu bù chi duy trì phát triển nghề nghiệp.

Nguyên nhân được LĐLSVN chỉ ra là môi trường hành nghề và cơ chế tố tụng còn chưa thuận lợi cho LS phát huy vai trò trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng;

Cũng như mỗi LS cũng chưa nỗ lực, phấn đấu để xây dựng uy tín thương hiệu và niềm tin với khách hàng về khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý của LS.

Tình hình này đó đã ảnh hưởng tới sự phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ LS ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Vì thế, “mục tiêu phát triển 18.000 đến 20.000 LS đến năm 2020 theo Quyết định 1072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là khó có thể đạt được” – LĐLSVN nhận định.

Thí điểm LS trực ban trợ giúp pháp lý

Trong năm 2017, LĐLSVN sẽ hoàn thiện Đề án “Xây dưng cơ chế phát triển đội ngũ LS, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của LS”.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 202, trong đó tập trung vào mục tiêu trong vòng 03 đến 05 năm tới cần xây dựng uy tín thương hiệu cho đội ngũ LS ở các lĩnh vực mũi nhọn là lĩnh vực tranh tụng các vụ án hình sự và tư vấn tranh tụng có yếu tố nước ngoài.

Ngoài ra, vẫn cần quan tâm tới việc bồi dưỡng LS ở các lĩnh vực khác theo đặc thù của từng Đoàn LS để từng bước nâng cao chất lượng đồng đều cho đội ngũ LS.

Đặc biệt, LĐLSVN sẽ thực hiện việc thí điểm LS trực ban trợ giúp pháp lý ở một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai và Cần Thơ) nhằm thực hiện Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu quả thiết thực.

Ngoài ra, Liên đoàn cũng kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp về việc giảm thời gian bồi dưỡng từ 16 giờ/năm xuống còn 8 giờ/năm.

Củng cố và tăng cường mối quan hệ với Bộ Tư pháp

LĐLSVN khẳng định, trong điều kiện LĐLSVN còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động, Bộ Tư pháp đã có nhiều đề xuất với Chính phủ các bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương để từng bước tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ để xây dựng Liên đoàn vững mạnh.

Bộ Tư pháp và LĐLSVN đã có liên thông trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho LS và kết nạp và cấp thẻ LS để cùng quản lý dữ liệu LS trong việc tiến hành cấp, đổi và thu hồi Thẻ LS.

Việc kiểm tra giám sát của Bộ Tư pháp với LĐLSVN trong công tác kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS từ khi Bộ Tư pháp chuyển giao cho LĐLSVN.

Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan thuộc tư pháp đều đã gửi các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để lấy ý kiến đóng góp từ phía LĐLSVN. Ngoài ra, LĐLSVN đã cử một số LS tham gia vào Ban soạn thảo hay Tổ biên tập, văn bản QPPL do Bộ Tư pháp chủ trì.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/17-luat-su-bi-xoa-ten-do-vi-pham-dao-duc-nghe-nghiep-a163836.html