(Pháp lý) - Nhằm khắc phục những sai sót của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS 2015), ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015 (cùng với 03 luật khác có liên quan) đồng thời bổ sung Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 (sau đây viết tắt là Dự thảo sửa đổi BLHS 2015) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo này liên quan đến 141 điều của BLHS 2015, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và (có thể) bãi bỏ 01 điều.
Qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm của các cơ quan hữu quan, thì đến nay, một số chế định quan trọng của dự thảo Luật quan trọng này vẫn còn có những ý kiến trái chiều. Pháp lý xin được tổng hợp những ý kiến trái chiều đó.
1. Về phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Đây là vấn đề luôn được “ưu tiên” đưa ra tranh luận, lấy ý kiến đầu tiên tại các hội thảo, hội nghị, tọa đàm của các cơ quan hữu quan và các phiên họp của UBTVQH. Theo đó, có hai luồng ý kiến được đưa ra:
Thứ nhất, đề nghị giữ nguyên khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, tức là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu TNHS về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Lý giải cho quan điểm này, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, tội phạm ở độ tuổi này có thể giảm nhẹ hình phạt chứ không thể không xử lý, nếu không sẽ dung túng cho trẻ em. Đồng thời tội phạm gần đây đang trẻ hóa, tính chất ngày càng phức tạp, gây bức xúc lớn trong xã hội nên phải nghiêm trị răn đe.
Thứ hai, một số ý kiến tán thành với phương án không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên. Lý do, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nói trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự theo hướng thu hẹp phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đồng thời cũng chưa phù hợp với các nguyên tắc của Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
2. Về trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân
Việc bổ sung TNHS của pháp nhân là một bước tiến lớn trong BLHS 2015. Tuy nhiên, xung quanh chế định này, vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau.
Trước hết, về loại pháp nhân phải chịu TNHS: Có ý kiến đề nghị mở rộng TNHS đối với tất cả các pháp nhân mà không chỉ giới hạn trong pháp nhân thương mại. Ý kiến khác đề nghị chỉ quy định TNHS của pháp nhân thương mại như BLHS 2015 và không mở rộng TNHS đối với các pháp nhân khác.
Nội dung có ý kiến trái chiều tiếp theo là phạm vi các tội mà pháp nhân phải chịu TNHS: Quan điểm thứ nhất đề nghị mở rộng TNHS của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền để phù hợp với các công ước quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố mà Việt Nam đã tham gia (yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết phải hình sự hóa hành vi phạm tội rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với pháp nhân thương mại). Quan điểm thứ hai lại cho rằng, không nên mở rộng TNHS của pháp nhân thương mại đối với 02 tội trên. Vì TNHS đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới, có liên quan đến chính sách hình sự, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Vì vậy, chỉ nên quy định TNHS pháp nhân đối với 31 tội danh (như trong Dự thảo) là hợp lý.
3. Về vấn đề không tố giác tội phạm của người bào chữa
Có ý kiến đề nghị không quy định TNHS của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (trừ một số tội xâm phạm an ninh quốc gia) để bảo đảm phù hợp với hoạt động hành nghề của Luật sư. Những người theo quan điểm này cho rằng: Nếu bắt buộc người bào chữa phải tố giác cả những tội đặc biệt nghiêm trọng, sẽ không còn ai dám bào chữa hay bảo vệ cho thân chủ về các tội thiệt hại về tài sản từ 500 triệu trở lên, không ai còn dám bào chữa cho tội giết người…nữa. Ngược lại, nhiều ý kiến lại cho rằng, so với BLHS 1999 thì BLHS 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi chịu TNHS của người bào chữa khi quy định người bào chữa chỉ phải chịu TNHS về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. Do đó, cần giữ nguyên quy định tại Điều 19 BLHS 2015 để bảo đảm mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
4. Về vấn đề chuẩn bị phạm tội đối với Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị bỏ quy định về chuẩn bị phạm tội đối với Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân vì tội này quy định hành vi phạm tội được hoàn thành từ rất sớm (ngay từ khi có hành vi hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân). Ngược lại, luồng ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định của BLHS năm 2015, vì tội danh này vẫn có giai đoạn chuẩn bị phạm tội cho dù hành vi phạm tội được hoàn thành từ rất sớm. Giai đoạn chuẩn bị phạm tội đối với tội này được xác định từ khi có hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện, tài liệu có nội dung phản động, mặc dù chưa có hoạt động thành lập hoặc chưa tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng vẫn cần thiết phải xử lý hình sự.
5. Về quy định giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ định tội, định khung hình phạt
Nhiều ý kiến đưa ra quan điểm, đối với hàng phạm pháp là hàng cấm thì không có giá phổ biến trên thị trường và Nhà nước cũng không quy định giá nên không có căn cứ định giá để xử lý hình sự. Ngược lại, nhiều ý kiến khác lại đồng tình với quy định mới này của BLHS 2015 vì: việc quy định số lượng, khối lượng hàng cấm là rất khó thực hiện do có nhiều loại hàng cấm khác nhau nên không thể quy định chung cùng một số lượng hoặc khối lượng cho các loại hàng cấm, do đó quy định về giá trị là phù hợp, đồng thời cần có quy định bắt buộc các cơ quan chức năng phải tiến hành định giá để bảo đảm yêu cầu phòng, chống tội phạm.
6. Về Tội gây ô nhiễm môi trường
Nhiều ý kiến nhận định, nếu quy định như Điều 235 BLHS 2015 về mức độ xả thải ra môi trường (các điểm b, đ khoản 1, các điểm b, đ khoản 2 và các điểm c, đ khoản 3) thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc dư luận thời gian qua không thể xử lý hình sự. Do đó cần phải hạ các mức lưu lượng xả thải cũng như số lần vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa. Đồng thời cũng cần sửa đổi các quy định có liên quan đến thông số chất phóng xạ cho phù hợp với thuật ngữ khoa học và quy định về mức độ an toàn chất phóng xạ.
Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến e ngại việc sửa đổi như vậy là rất khó do chất thải khi được thải ra môi trường (cả ở trong nước, trong không khí hoặc chất thải rắn) có nhiều thông số nguy hại khác nhau, trong đó có những chất nguy hại chỉ cần vượt quá vài lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng cũng có chất nguy hại vượt quá 10 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhưng gây ô nhiễm môi trường không đáng kể. Theo đó, đề nghị chỉ nên quy định chung về gây ô nhiễm môi trường, còn cụ thể chất nào vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường bao nhiêu thì Bộ luật Hình sự nên giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.
7. Về việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS 2015
Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới vào dự thảo Luật và giao Chính phủ ban hành Danh mục các chất ma túy, cây, lá, quả... có chứa chất ma túy để đảm bảo tính dự liệu và kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Do đó, ngoài Điều 247 thì các Điều 249, 250, 251 và 252 BLHS 2015 cũng cần thiết phải được bổ sung quy định “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành”. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Tư pháp th́ vẫn tồn tại ý kiến đề nghị chỉ quy định những cây, lá, quả... có chứa chất ma túy mà chúng ta đã biết vào dự thảo Luật.
8. Về Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông
Khá nhiều ý kiến tán thành với việc bỏ tội danh này trong BLHS 2015. Song song với đó, có ý kiến đề nghị vẫn giữ quy định tại Điều 292 nhưng cần điều chỉnh lại theo hướng bỏ quy định về doanh thu, bỏ điểm e khoản 1 và thay tình tiết “không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép” bằng “chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Ý kiến khác lại cho rằng, hiện nay việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông trong một số trường hợp như quy định tại Điều 292 đang diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để kinh doanh vàng trái phép, kinh doanh đa cấp trái phép... thì cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, do khách thể bảo vệ có sự khác nhau nên cần thiết phải quy định ở các chương tương ứng cho phù hợp.
9. Về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung định lượng vào điểm a và điểm b khoản 1 Điều 317 nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Bởi vì, hiện tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 317 BLHS 2015 quy định cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả trên thực tế đã xử lý hình sự là quá nặng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang xảy ra phổ biến hiện nay.
Kết mở
Trên đây là những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau khi góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Trọng trách lớn đặt ra cần được Quốc hội xem xét thận trọng để đi đến quyết định cuối cùng vào các kỳ họp sắp tới (gần nhất là kỳ họp thứ 3 vào cuối tháng 5 tới đây). Kỳ vọng BLHS 2015 sửa đổi sớm được Quốc hội thông qua với chất lượng cao, phát huy tác dụng đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trong tình hình mới.
Lan Hương (tổng hợp)