Vi phạm pháp luật trong quản lý công chức và những giải pháp phòng, ngừa

(Pháp lý) - Công chức (CC) là nguồn nhân lực chủ yếu, quyết định hiệu lực, hiệu quả và sự phát triển bền vững của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ CC phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động quản lý CC. Thời gian qua, công tác quản lý CC đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về hình thức và nội dung góp phần xây dựng đội ngũ CC có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng nhìn chung hoạt động quản lý CC chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đặt ra. Tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý CC vẫn còn tồn tại với nhiều biểu hiện phức tạp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi, làm rõ một số vấn đề về tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý CC ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp phòng, ngừa.

Vai trò của pháp luật trong quản lý công chức

[caption id="attachment_163289" align="alignleft" width="291"]Luật Cán bộ, công chức ra đời đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý cán bộ  công chức Luật Cán bộ, công chức ra đời đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý cán bộ
công chức[/caption]

Thực hiện pháp luật về quản lý CC có vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng CC đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: "Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức thực sự là công bộc của nhân dân" và đưa ra giải pháp: "Đổi mới chính sách cán bộ và công tác quản lý cán bộ, xây dựng chế độ công vụ rõ ràng, minh bạch, đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực gắn với chế độ hưởng thụ thỏa đáng và công bằng". Triển khai các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý CBCC nói chung và CC nói riêng góp phần xây dựng đội ngũ CC vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI cũng chỉ rõ: "Thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác cán bộ" nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Như vậy, thực hiện pháp luật về quản lý CC chính là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thực thi công vụ của CC, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý công chức

Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về quản lý CC trong những năm qua còn nhiều tồn tại, hạn chế với nhiều biểu hiện vi phạm phạm luật gây bất bình trong xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào bộ máy công quyền. Dưới đây, chúng tôi xin dẫn chứng những vi phạm pháp luật trong quản lý CC ở một số bộ, ngành, địa phương:

Theo thông báo số 76/TB-TTBNV ngày 6/2/2017 của Thanh tra Bộ Nội vụ về kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý CC của UBND tỉnh Cao Bằng. Trong đó, Thanh tra Bộ Nội vụ đã chỉ ra nhiều sai phạm như: Chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao, cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng CC có một số nội dung không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành; UBND tỉnh Cao Bằng cũng chưa ban hành văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng trực thuộc cấp Sở, cấp Huyện trở xuống để thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh.

Từ 1/1/2014 đến 30/9/2016, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức hai kỳ thi tuyển CC, qua đó tuyển dụng được 87 CC vào làm việc tại các cơ quan chuyên môn cấp Tỉnh, cấp Huyện. Tuy nhiên, trong quá trình thi tuyển CC còn tồn tại một số vi phạm. Cụ thể: kế hoạch tuyển dụng CC không nêu số lượng biên chế CC của từng cơ quan, đơn vị; không nêu số lượng vị trí việc làm cần tuyển dụng theo ngạch CC. Thanh tra Bộ Nội vụ cũng xác định, UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu thêm điều kiện dự tuyển công chức chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng công chức không phù hợp quy định. Thông báo tuyển dụng CC không nêu nội dung, thời gian, địa điểm, thi tuyển. Việc lập danh sách thí sinh có đủ điều kiện dự thi không đúng thẩm quyền. Thậm chí còn có việc Hội đồng tuyển dụng CC được thành lập trước thời điểm hết thời hạn nhận hồ sơ dự tuyển CC. Đề thi, đáp án thi và việc chấm thi còn nhiều sai sót và danh sách kết quả thi tuyển không dự kiến người trúng tuyển. Ngoài ra, UBND tỉnh Cao Bằng còn ra tiếp nhận 37 trường hợp không qua thi tuyển. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, một số CC được tiếp nhận không qua thi tuyển và được bổ nhiệm ngạch CC nhưng chưa có chứng chỉ về quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học theo quy định pháp luật. Đặc biệt, một số trường hợp được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định (thiếu trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học).

Một ví dụ khác về sai phạm trong quản lý CC ở tỉnh Hải Dương. Ngày 15/2, Thanh tra Bộ Nội vụ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc quản lý CC trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Hải Dương. Theo đó, về quản lý, sử dụng biên chế CC của UBND tỉnh Hải Dương trong ba năm: 2014, 2015, 2016 đã vượt chỉ tiêu so với Bộ Nội vụ giao, chưa điều chỉnh Đề án vị trí việc làm tại một số cơ quan để phù hợp quy định mới của pháp luật. 10 cơ quan sử dụng 79 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP để thực hiện công việc chuyên môn trong cơ quan hành chính; một cơ quan sử dụng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP vượt chỉ tiêu được giao; hai cơ quan sử dụng viên chức làm công việc của công chức. Thông báo nêu rõ, có 228 hồ sơ được bổ nhiệm thiếu một số văn bằng, chứng chỉ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn chức danh được bổ nhiệm, một số trường hợp không thực hiện đầy đủ trình tự; 6 cơ quan sử dụng vượt quá số lượng lãnh đạo cấp phó, nhiều trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm hoặc chưa hết thời gian giữ chức vụ, kéo dài thời gian giữ chức vụ không đúng quy định; một viên chức được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo của CC, hai CC xã được điều động, bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc huyện không đúng quy định; một trường hợp bổ nhiệm chức vụ được kiêm nhiệm chức vụ của cơ quan khác không thuộc thẩm quyền bổ nhiệm. Qua kiểm tra, Thanh tra Bộ Nội vụ còn phát hiện 282 hồ sơ thiếu một số văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch của CC lãnh đạo, quản lý; bốn trường hợp giữ ngạch CC không phù hợp vị trí việc làm.

Nổi cộm và bức xúc dư luận thời gian qua, có thể phải kể đến những sai phạm trong quản lý CC ở Bộ Công thương. Ngày 8/3/2017, Thanh tra Bộ Nội vụ đã có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý của Bộ Công thương (giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2016). Trong giai đoạn trên, Bộ trưởng Công thương (khi đó là ông Vũ Huy Hoàng) đã bổ nhiệm 97 trường hợp, gồm 55 cán bộ cấp vụ, 42 cán bộ cấp phòng; điều động, bổ nhiệm ngang cấp 10 cán bộ; bổ nhiệm lại 5 trường hợp và kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu một trường hợp (cấp vụ). Đa số công chức, viên chức được bổ nhiệm đã đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, thanh tra cũng chỉ ra nhiều sai sót trong công tác bổ nhiệm cán bộ của Bộ Công Thương. Có 2 trường hợp không đáp ứng về tuổi khi bổ nhiệm lần đầu. Tại thời điểm bổ nhiệm, 31 trường hợp không đáp ứng trình độ lý luận chính trị, 3 người không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, 3 người không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định pháp luật... Ngoài ra, có 2 trường hợp được tiếp nhận, tuyển dụng không qua kỳ thi tuyển CC là không đúng quy định của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, hồ sơ của một trường hợp được Bộ trưởng Công Thương tiếp nhận năm 2008 hiện không có đầy đủ tài liệu xác định việc tuyển dụng được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ Nội vụ cho hay, ngoài các trường hợp nêu trên, trong giai đoạn thanh tra, Bộ trưởng Công Thương còn bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban Cán sự, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Nhưng theo báo cáo của Bộ Công Thương, Bộ hiện không quản lý hồ sơ CC của ông Trịnh Xuân Thanh vì ông Thanh đã chuyển công tác về tỉnh Hậu Giang từ ngày 27/5/2015. Mặt khác nội dung liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét. (Vụ việc gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội). Cũng theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn thanh tra, Bộ trưởng Công Thương bổ nhiệm 7 trường hợp cấp phó vụ trưởng vượt quá số lượng cấp phó theo quy định.

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Bộ Nội vụ kiến nghị các bộ, ngành và địa phương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với những vi phạm đã được kết luận để xử lý theo quy định pháp luật. Có trách nhiệm thực hiện đúng số lượng cấp phó của người đứng đầu; thu hồi quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với những trường hợp không đủ tiểu chuẩn và đáp ứng quy trình. Bộ Nội vụ kiến nghị các bộ, ngành và địa phương cần kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tuyển dụng CC đối với một trường hợp được tiếp nhận không qua thi tuyển và thi tuyển để xử lý theo quy định đối với những trường hợp không được tuyển dụng đúng quy định (nếu có)...

Những tồn tại, hạn chế nêu trên cần sớm được xử lý, khắc phục có như thế chúng ta mới xây dựng được đội ngũ CC có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay; gây dựng lòng tin của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.

Giải pháp phòng, ngừa các vi phạm pháp luật trong quản lý công chức

Để quản lý CC đảm bảo mục tiêu đề ra cần nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý CC, nghiêm khắc xử lý các vi phạm pháp luật. Theo tôi, để phòng, ngừa các vi phạm pháp luật trong quản lý CC cần đảm bảo thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức về nền công vụ và phân cấp quản lý công chức trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong quá trình cải cách HCNN, cải cách chế độ công vụ, CC cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường với trình độ dân trí ngày càng cao, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đã làm cho phân cấp quản lý trở thành một yêu cầu cần thiết. Chúng ta phải nhận thức rõ, phân cấp quản lý CC là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý CC. Tuy nhiên phải nhận thức đúng đắn, thống nhất về nền công vụ nói chung và phân cấp quản lý CC nói riêng để quản lý CC vừa đảm bảo tính hiệu quả vừa phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

Thứ hai, đề cao và xác định rõ vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong quản lý CC. Ở Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền duy nhất. Tổ chức Đảng các cấp đều tham gia vào quá trình quản lý CB trong đó có đội ngũ CC lãnh đạo, quản lý. Do đó, quản lý CBCC nói chung và quản lý CC nói riêng chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các tổ chức Đảng. Do đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật trong quản lý CC bên cạnh việc đề cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng cần xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng để vừa tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo hoạt động quản lý nhà nước đồng thời tuân thủ nguyên tắc tôn trọng pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

[caption id="attachment_163290" align="aligncenter" width="577"]Những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công thương dưới thời ông Vũ Huy Hoàng gây bức xúc dư luận Những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công thương dưới thời ông Vũ Huy Hoàng gây bức xúc dư luận[/caption]

Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về phân cấp quản lý CC. Phải có quan điểm mới để xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng xác định rành mạch từng loại việc cho mỗi cấp chính quyền, từng cơ quan trong quản lý CC. Cần hiểu sâu sắc các nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý CC. Phải thừa nhận tính đặc thù của địa phương. Do đó, những văn bản pháp luật về CC do chính quyền địa phương ban hành phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của từng cấp chính quyền, từng cơ quan, đơn vị trong quản lý CC.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phân cấp quản lý công chức. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý CC có vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho CBCC cũng như các chủ thể có thẩm quyền trong quản lý CC từ đó góp phần tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với các nội dung quản lý CC.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện pháp luật về quản lý CC. Thực tiễn quản lý CB, CC cho thấy việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quản lý CC tại các bộ, ngành và địa phương có vai trò rất quan trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo tính nghiêm minh của quy định pháp luật. Từ đó, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý CC.

ThS. Vũ Thúy Hiền
(Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức – Bộ Nội vụ)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-pham-phap-luat-trong-quan-ly-cong-chuc-va-nhung-giai-phap-phong-ngua-a163288.html