Có dấu hiệu móc nối trong bồi thường oan sai để lấy tiền ngân sách

Theo TS Nguyễn Đình Quyền, có đến 70 -80% số vụ bồi thường oan sai bị giải quyết chậm bởi vì chính cơ quan tiến hành tố tụng-nơi đã làm oan sai đứng ra bồi thường, họ dây dưa, trì hoãn, đủ mọi thứ với người được bồi thường.

TS Nguyễn Đình Quyền.
TS Nguyễn Đình Quyền.)

Chiều ngày 4.4, phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), TS Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Theo giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII (lúc đó ông Quyền là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) có đến 70 -80% số vụ bồi thường oan sai bị giải quyết chậm bởi vì chính cơ quan tiến hành tố tụng-nơi đã làm oan sai đứng ra bồi thường, họ dây dưa, trì hoãn, đủ mọi thứ với người được bồi thường.

"Bồi thường được giải quyết chậm vì một bên là cơ quan tiến hành tố tụng, một bên là công dân "đơn thương độc mã". Có những vụ kéo dài rất nhiều năm" - TS Quyền nói.

Theo TS Quyền, thời gian ông tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XIII về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” thấy có hai trạng thái.

"Hầu hết là việc giải quyết bồi thường oan sai chậm, kéo dài nhiều năm. Đối với những vụ giải quyết bồi thường nhanh lại có dấu hiệu móc nối giữa người của cơ quan tiến hành tố tụng và người được bồi thường, nâng giá bồi thường lên rất cao. Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) cần phải chú ý thực trạng này. Thực trạng là giữa cơ quan phải bồi thường và anh được bồi thường có sự thỏa thuận với nhau để nâng giá bồi thường lên rất cao nhằm lấy ngân sách Nhà nước một cách rất dễ dàng. Đó là thực tế trong quá trình giải quyết bồi thường oan sai khi đi giám sát chúng tôi phát hiện ra. Có vụ số tiền bồi thường oan sai được nâng lên 20 tỷ đồng, sau đó thỏa thuận thế nào lại hạ xuống 10 tỷ đồng, nhưng cuối cùng chỉ xác định bồi thường còn vài tỷ đồng, đây là trạng thái cần phải hết sức lưu ý" - TS Quyền bày tỏ.

Trao đổi thêm với phóng viên Dân Việt, TS Nguyễn Đình Quyền nói, những vụ như ông nêu ra không nhiều nhưng rõ ràng có dấu hiệu của sự lợi dụng để tư túi. "Tôi đặt vấn đề, ở nhiều nơi việc bồi thường oan sai rất khó khăn nhưng có nơi người bị oan sai vừa yêu cầu bồi thường, cơ quan chức năng làm luôn, mà lại bồi thường số tiền rất cao, như vậy có vấn đề không?" - TS Quyền nói.

Theo TS Quyền, Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) lần này phải làm sao siết lại để tránh tình trạng giải quyết bồi thường oan sai kéo dài, tránh quy định sơ hở để lợi dụng. "Bồi thường cho người dân khi họ bị oan sai là đúng, nhưng đừng để lợi dụng rồi tiền từ ngân sách Nhà nước lại để chính người của cơ quan đã làm sai tư túi với người được bồi thường" - TS Quyền nhấn mạnh.

Theo Bizlive

Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-dau-hieu-moc-noi-trong-boi-thuong-oan-sai-de-lay-tien-ngan-sach-a163034.html