Cuộc đời tình báo của văn hào kiệt xuất Mỹ Ernest Hemingway

Ít ai biết rằng văn hào Ernest Hemingway, người đạt giải Nobel văn học năm 1954, từng có giai đoạn hoạt động tình báo sôi nổi.

Bài báo tuyên truyền về các cựu chiến binh Mỹ hy sinh trong trận bão tử thần ở Florida Keys năm 1935 khiến lực lượng tình báo Xô viết (KGB) chú ý tới Ernest Hemingway. Tác giả của tiểu thuyết đình đám “Mặt trời vẫn mọc” phát hiện xác của những chiến binh xây cầu cho chính quyền Roosevelt khi đang đi trên thuyền.

Nhà văn theo khuynh hướng thiên tả

Hemingway lấy làm thương hại khi chứng kiến cảnh những thi thể nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Ông đã viết một bài báo gây tranh cãi cho tạp chí theo chủ nghĩa Mác, New Masses. Tác phẩm lọt vào tầm ngắm của tình báo Xô viết khi họ đang tìm kiếm người nước ngoài có xu hướng ủng hộ chủ nghĩa Cộng sản.

 Chân dung nhà văn Ernest Hemingway . Ảnh: Getty Images.
Chân dung nhà văn Ernest Hemingway . Ảnh: Getty Images.)

Từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha đến cuối Thế chiến II, nhà văn Hemingway sử dụng danh tiếng của mình để chống lại chủ nghĩa phát xít. Điều này khiến ông trở thành một ứng viên triển vọng cho lực lượng tình báo của cả Liên Xô và Mỹ. Tuy nhiên, thời điểm ban đầu, Hemingway hoạt động như một đặc vụ tự do dưới con mắt “thèm thuồng” của cả 2 bên.

Cuối cùng, Hemingway nhận lời làm việc tại Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (NKVD), tiền thân của Cơ quan tình báo quốc gia KGB.

Năm 1937, Hemingway đến Tây Ban Nha để thông tin cuộc nội chiến ở đây cho Liên minh báo chí Bắc Mỹ. Ông đi cùng người tình mới của mình, nhà báo Martha Gellhorn. Nhà văn đã có cuộc gặp thân thiện với các nhà chỉ huy cộng sản Liên Xô, nhà báo và gián điệp tại khách sạn Gaylord ở thủ đô Madrid.

Cựu nhân viên CIA Nicholas Reynolds nói: “Hemingway được tiếp cận với những người mà một nhà báo bình thường không bao giờ có cơ hội. Họ đều là những tinh hoa của phong trào cộng sản quốc tế”.

Dần dần, Hemingway càng hoạt động sôi nổi chống chủ nghĩa phát xít. Ông còn tìm hiểu thêm về quân du kích cộng sản chống lại chủ nghĩa dân tộc của tướng Francois Franco.

Hemingway đã đến thăm trại du kích bí mật Benimamet trong khu vực của NKVD cùng Alexander Orlov, tướng của lực lượng Cảnh sát mật Liên Xô.

Chuyến thăm 4 ngày thành công đã giúp Hemingway mở mang về quân du kích cộng sản. Trong thời gian đó, ông được chứng kiến cuộc tấn công của họ vào một đoàn quân theo chủ nghĩa dân tộc. Sự kiện đã đem lại cảm hứng cho Hemingway có được kiệt tác “Chuông nguyện hồn ai” năm 1940.

Vào tháng 3, Hemingway đến Cuba cùng Gellhorn và hoàn thành cuốn tiểu thuyết này. Tháng 9, khi Hitler đang xâm chiếm Ba Lan cũng là lúc Hemingway hoàn thành thủ tục ly hôn với vợ cũ. Ông kết hôn với nhà báo Gellhorn vào tháng 11/1940.

"Argo" bí ẩn

Trong khoảng thời gian đó, Hemingway gặp cựu thành viên đảng Bolshevik Jacob Golos, người được Matxcova giao sứ mệnh chiêu mộ nhà văn vào NKVD. Văn hào lấy mật danh là Argo, theo tên nhóm anh hùng trong thần thoại Hy Lạp.

Năm 1941, KGB điều “Argo” sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Hemingway đã không được giao bất cứ một nhiệm vụ thực tế nào và ông cũng chưa kịp cung cấp cho KGB bất cứ thông tin nào giá trị.

Cựu nhân viên tình báo, Reynolds nói: “Bản thân là một nhà văn, nhà báo danh tiếng, làm thế nào Hemingway có thể trở thành một gián điệp hoạt động bí mật?”

Năm 1941, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov mở lời mời Hemingway đến thăm Matxcova với mục đích là thu thập “một khoản tiền rúp” dưới danh nghĩa tiền bản quyền từ việc bán sách của văn hào. Đây có lẽ là cái cớ để NKVD có thêm thời gian “đào tạo” ông.

Sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha, chính phủ Mỹ tỏ ra hài lòng với quan điểm của Hemingway. Ông thoải mái đưa ra các khuyến nghị về chính sách. Ông đặc biệt khuyên Mỹ không nên viện trợ cho cuộc nội chiến ở Trung Quốc.

 Làm thế nào để một nhà văn, nhà báo trở thành gián điệp bí mật. Ảnh: History Cooperative.
Làm thế nào để một nhà văn, nhà báo trở thành gián điệp bí mật. Ảnh: History Cooperative.)

Sau trận Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, Mỹ tuyên bố tham gia vào Thế chiến II. Với tình thế đó, văn hào đã xem xét việc làm việc cho Mỹ.

Hemingway đề nghị thành lập cơ quan phản gián ở Havana với nhà ngoại giao Mỹ, Robert Joyce. Ông đã thảo luận ý tưởng này với đại sứ Mỹ tại Cuba, Spruille Braden. Spruille Braden thấy Hemingway có tài trong việc huy động nhân lực, quyết định tài trợ kế hoạch của nhà văn.

Năm 1942, mạng lưới tình báo chống phát xít với chiến thuật dùng tàu đánh cá diệt tàu ngầm Đức, hoạt động dưới tên gọi là Crook Factory với ngân sách 500 USD/tháng. Thành viên trên chuyến tàu là những người từ nhân viên quầy bar, người chơi quần vợt, cựu chiến binh và cả các linh mục xứ Basque.

Ngày 9/12/1942, Hemingway báo cáo về sự xuất hiện con tàu “U” của Đức. Hải quân Mỹ đã dành cho ông và phi hành đoàn lời khen ngợi. Braden gửi lời cảm ơn nồng nhiệt tới người thủy thủ và cho rằng Hemingway đã có nỗ lực đóng góp cho chiến tranh.

Sau chiến tranh, Hemingway quay lại sống ở Cuba. Ông từng viết thư cho người bạn thân nhất của mình trong quân ngũ, đại tá Charles T. Lanham, nói rằng ông rất nhớ trung đoàn. Trong bức thư, ông nói trận chiến là trải nghiệm cuối cùng của ông. Ông sử dụng tất cả các giác quan, kỹ năng quân sự để mạo hiểm cuộc sống của mình, chống lại chủ nghĩa phát xít.

Thực tế, hoạt động tình báo của Hemingway đã gây sự chú ý đặc biệt của FBI vào thời điểm đó. Cục trưởng cục điều tra FBI Hoover ngờ vực Hemingway là đảng viên bí mật. Ông đã lập hẳn một hồ sơ điều tra Hemingway. Họ cho rằng hoạt động của ông và Crook Factory là vỏ bọc nhằm moi tiền chính phủ Mỹ.

Theo hồ sơ mật, Hoover ra lệnh cho đặc vụ FBI theo dõi nhà văn Hemingway từ năm 1945. Việc này kéo dài cho đến khi nhà văn qua đời năm 1961.

Theo Zing

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cuoc-doi-tinh-bao-cua-van-hao-kiet-xuat-my-ernest-hemingway-a162932.html