Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Lo “bị lợi dụng”
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH 13 do TANDTC tổ chức mới đây, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến, có ý kiến đề nghị người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về 3 tội danh nêu trên kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về 3 tội danh nêu trên khi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Chỉ xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Tiền cho rằng, hình phạt của BLHS hiện đã giảm nhẹ khá nhiều và đã xây dựng theo hướng khoan hồng, có tính giáo dục cao nên cùng với sự phát triển của xã hội thì thể chất, thể trạng của người Việt cũng nâng cao rõ rệt, vì lý do này, ông Tiền đề nghị xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về 3 tội danh nêu trên kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thì cho rằng, cả hai phương án đều chưa phù hợp; căn cứ giảm trách nhiệm hình sự trong một số tội chưa chính xác, thiếu thuyết phục, đặc biệt trong một số tội về an ninh quốc gia khiến ông Chính lo ngại đối tượng này dễ bị thế lực thù địch lợi dụng. Sau khi phân tích, ông Chính đề nghị giữ nguyên quy định như của BLHS năm 1999.
Phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng: Có nên xử lý hình sự?
Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, so với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã hình sự hóa theo hướng nặng hơn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về 03 tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, theo đó, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng thì những người này còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng ở 03 tội danh nêu trên. Quy định này là chưa phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta từ trước đến nay và xu hướng chung của quốc tế. Vì vậy, trong quá trình thẩm tra cũng như trong quá trình chỉnh lý, Ủy ban Tư pháp thống nhất ý kiến của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc không xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, có 266/397 Đại biểu Quốc hội lại đồng ý với phương án vẫn cần thiết xử lý người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về cả trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng ở 03 tội danh trên. Do đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã trình hai phương án: Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2: Giữ như dự thảo Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng đối với 03 tội danh trên.
Nội dung nói trên sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và quyết định vào kỳ họp tới đây.
Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo BLHS còn khắt khe. Đơn cử, dù quy định tha tù trước hạn là quy định được đánh giá có nhiều điểm nhân đạo nhưng theo Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên, quy định về điều kiện quá khắt khe. Điển hình, quy định phải đã chấp hành xong phạt tiền, án phí, bồi thường dân sự mới được xem xét. Ông Tuyên dẫn chứng có những vụ trách nhiệm bồi thường dân sự rất lớn. Ở Bắc Ninh, có bị cáo đi làm thuê gây hỏa hoạn, phải bồi thường đến 10 tỷ đồng. Nếu áp vào quy định nói trên, bị án là một người nghèo, không có tài sản, không thể thi hành phần bồi thường dân sự thì dù họ có cải tạo tốt đến mấy cũng không được tha tù trước hạn, do đó ông Tuyên đề nghị bỏ quy định này.
Hay quy định về xóa án tích. Theo quy định hiện hành, người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn: 03 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án... Nhiều ý kiến cho rằng quy định này dẫn đến có người “đến chết cũng không được xóa án tích” vì có nhiều vụ trách nhiệm bồi thường quá lớn, mà theo quy định nếu họ chưa thực hiện xong thì đương nhiên chưa được xóa án tích. Do đó, ý kiến này đề nghị chỉ cần chấp hành xong quyết định về phần hình sự của bản án thì được xóa án tích để tạo điều kiện cho công dân tái hòa nhập cộng đồng. |
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/con-nhieu-tranh-luan-ve-pham-vi-chiu-trach-nhiem-hinh-su-cua-nguoi-tu-du-14-tuoi-den-duoi-16-tuoi-a162923.html