3 tội danh chính được áp dụng trong 6 đại án kinh tế gần đây: Nhận diện, phân biệt và kiến nghị

(Pháp lý) - Thời gian qua, theo đúng đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, 6 đại án kinh tế, tham nhũng lần lượt được đưa ra xét xử. Theo đó, các bị cáo trong các đại án được đưa ra xét xử với các tội danh như: Tham ô tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…

Cùng với quá trình tố tụng các đại án này, cũng không ít lần diễn ra sự tranh luận về vấn đề định tội danh với từng bị cáo sao cho đúng pháp luật và đúng bản chất phạm tội của các bị cáo. Nhận diện và phân biệt các tội danh này ra sao để xử lý, trừng trị đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không nương tay với tội phạm tham nhũng? Bài viết sau đây của Pháp lý hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những vấn đề trên, đồng thời đề xuất kiến nghị sửa đổi một số quy định của pháp luật hình sự.

3 tội danh chính được áp dụng trong 6 đại án kinh tế gần đây

Chúng ta hẳn còn nhớ cách đây 3 năm, Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên) là hai cái tên được nhắc đến rất nhiều gắn với hai vụ án nghiêm trọng xảy ra tại Vinashin và Ngân hàng ACB. Trong đó: Dương Chí Dũng bị kết án về tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Nguyễn Đức Kiên một mình phạm 4 tội: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng trong khoảng thời gian này, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng xảy ra tại VietinBank đã được đưa ra xét xử lần đầu. Huỳnh Thị Huyền Như bị tuyên án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 3826 tỷ đồng. Tuy nhiên phần bản án liên quan đến 1.085 tỷ đồng của một số khách hàng đã mở tài khoản tại Vietinbank bị Huyền Như chiếm đoạt đã bị hủy để điều tra lại, do thấy có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản.

Huỳnh Thị Huyền Như (người đeo kính) không bị truy cứu về tội Tham ô tài sản liệu có thuyết phục ???
Huỳnh Thị Huyền Như (người đeo kính) không bị truy cứu về tội Tham ô tài sản liệu có thuyết phục ???)

Đến năm 2016 và đầu 2017, tội phạm Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xuất hiện thêm nhiều lần nữa trong các đại án: Phạm Công Danh và đồng bọn làm thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dưng Việt Nam; Hà Văn Thắm cùng 47 bị cáo gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ tại OceanBank. Cũng trong giai đoạn này, không thể không nhắc tới vụ án tham ô, rửa tiền diễn ra tại Vinashin Lines với ba bị cáo (Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương), cùng bị kết án về tội Tham ô tài sản.

Mặc dù 6 đại án kinh tế, tham nhũng chưa được đưa ra xét xử hết hoặc có những đại án chưa kết thúc xét xử, nhưng có thể thấy các bị cáo trong các đại án thường bị truy tố bởi 3 tội danh: Tham ô tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trên thực tế, vấn đề nhầm lẫn, “cạnh tranh” quy phạm pháp luật hình sự rất dễ xảy ra trong quá trình chứng minh ba loại tội kể trên, nhất là khi các hành vi phạm tội liên quan đến tài sản chung của cơ quan, tổ chức và của Nhà nước. Do đó, nắm bắt được dấu hiệu đặc trưng của những tội này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội và phân biệt rạch ròi các tội danh với nhau, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Các dấu hiệu định tội đặc trưng nhất

Trong BLHS, nếu như Tham ô tài sản được liệt vào các tội phạm về tham nhũng và nằm trong nhóm các tội phạm về chức vụ, thì Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng lại thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Mặc dù được xếp vào các nhóm tội khác nhau nhưng xét cho cùng, các hành vi này đều vì mục đích kinh tế, đều có đối tượng tác động là tiền, tài sản…Do đó, cũng dễ hiểu khi giữa các đại án kinh tế, tham nhũng ta luôn thấy sự hiện diện của ba tội danh trên.

Đầu tiên, xin phép được bàn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 BLHS.

Trong cuốn Bình luận khoa học BLHS phần các Tội xâm phạm sở hữu, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao có mô tả ngắn gọn như sau: Chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối – là điểm đặc trưng và nổi bật của loại tội quy định tại Điều 139. Theo đó, để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản, người phạm tội dùng nhiều cách thức nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Cần lưu ý rằng, mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội xuất hiện ngay từ đầu, sau đó họ mới dùng thủ đoạn gian dối để “hiện thực hóa” mục đích này. Cuối cùng, việc chiếm đoạt tài sản xảy ra trên cơ sở tự nguyện của người bị hại bởi họ không biết rằng mình đang bị lừa.

Đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 165 BLHS về cơ bản đã định nghĩa cho chúng ta hiểu đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây ra những thiệt hại nhất định.

Từ đây có ba điểm cần lưu ý để định tội danh này: Chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này và họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để phạm tội. Thứ hai là khi xác định hành vi cố ý làm trái trong trường hợp này, cần phải căn cứ vào một văn bản cụ thể của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem hành vi cố ý làm trái là trái với quy định nào, ở văn bản nào của Nhà nước (như Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định, Thông tư của các Bộ, Ngành…). Thứ ba, người phạm tội đã gây ra hậu quả nghiêm trọng – đó là dấu hiệu bắt buộc. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là thiệt hại về vật chất như làm cho tài sản bị thất thoát, lãng phí, bị người khác chiếm đoạt…

TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng bộ môn pháp luật hình sự -Viện Nhà nước & Pháp luật)  trao đổi với Phóng viên Pháp lý
TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng bộ môn pháp luật hình sự -Viện Nhà nước & Pháp luật) trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

Một ví dụ điển hình minh họa cho tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, chính là hành vi chi trả lãi ngoài huy động vốn và chi trả lãi vượt trần của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn. Cựu Chủ tịch HĐQT và cựu TGĐ Ocean Bank đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định về lãi suất huy động vốn tối đa quy định tại Thông tư 02/2011 của NHNNVN (đang có hiệu lực thi hành vào thời điểm đó), gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng cho Ocean Bank. Số tiền này đã bị thất thoát sang các đối tượng khác và không thu hồi lại được.

Trong các đại án kinh tế, tham nhũng, đáng bàn hơn cả có lẽ là tội Tham ô tài sản. Với dấu hiệu định tội đặc biệt: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý”, BLHS thu hút hết mọi hành vi có đặc điểm này về tội Tham ô tài sản quy định tại Điều 278.

Chủ thể của tội Tham ô tài sản cũng là người có chức vụ, quyền hạn nhưng có thêm một dấu hiệu đặc trưng nữa, đó là: Người có trách nhiệm quản lý tài sản – trách nhiệm này có được từ chức vụ, quyền hạn được giao. Theo phân tích của TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng bộ môn Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước & Pháp luật), có ba nhóm người được coi là có trách nhiệm quản lý tài sản trong tội Tham ô: Người trực tiếp quản lý tài sản thông qua thực hiện chức năng, nghề nghiệp của họ như thủ quỹ, kế toán, thủ kho; Người được giao quản lý trực tiếp tài sản và phải chiếm giữ tài sản để thực hiện nhiệm vụ như lái xe, bảo vệ; Người tuy không trực tiếp quản lý tài sản nhưng có trách nhiệm quản lý chung trong việc quyết định thu chi, xuất nhập, quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức như Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Giám đốc…).

Một dấu hiệu rất quan trọng và dễ gây tranh cãi trong tội Tham ô tài sản, đó là đặc điểm của tài sản bị chiếm đoạt (thuộc về khách thể của tội phạm). Theo tinh thần của BLHS hiện hành, tài sản bị chiếm đoạt trong tội Tham ô phải thuộc sở hữu Nhà nước và theo hướng dẫn của TAND Tối cao thì chỉ đối với doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm tỷ lệ góp vốn trên 50% và giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó thì ở đó mới có tội Tham ô tài sản, các trường hợp doanh nghiệp không có vốn góp của Nhà nước hoặc vốn góp của Nhà nước dưới 50% trở xuống thì ở đó không có tội tham ô tài sản.

Đây là quan điểm chính thống và được các cơ quan TTHS áp dụng khi giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên Điều 353 BLHS 2015 (đang tạm hoãn hiệu lực thi hành) đã mở rộng phạm vi khách thể của tội Tham ô tài sản. Theo đó “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Như vậy, tới đây khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành, tài sản bị chiếm đoạt trong tội Tham ô tài sản không chỉ bó hẹp trong phạm vi thuộc sở hữu Nhà nước nữa, mà còn bao gồm cả tài sản chung của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức ngoài Nhà nước.

Trên đây là những phân tích của các chuyên gia pháp luật hình sự mà chúng ta cần lưu ý để nhận diện các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản. Tuy nhiên trên thực tế, trường hợp một hành vi phạm tội thỏa mãn dấu hiệu của nhiều cấu thành tội phạm rất hay xảy ra, nhất là giữa ba tội danh trên. Do đó, nhận biết được mỗi tội danh riêng biệt trên cơ sở quy phạm pháp luật đôi khi chỉ là vấn đề lý luận, phân biệt được chúng trên thực tế mới là điều chúng ta cần đạt tới. Và thực tế cho thấy, nếu không cẩn trọng, thậm chí nếu bị tác động, những người bảo vệ pháp luật rất dễ xử nặng hoặc xử nhẹ bị cáo “nhờ” vào ranh giới không hoàn toàn rõ ràng của điều luật.

Từ nhận diện đi đến phân biệt và kiến nghị

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay Tham ô tài sản? Tham ô tài sản hay Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng?... là 2 trường hợp gây nhiều tranh cãi nhất mà chúng ta hay gặp trong các đại án kinh tế, tham nhũng.

Ở trường hợp thứ nhất: Bất kỳ ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng phải là người có chức vụ, quyền hạn mới có thể là chủ thể của Tham ô tài sản. Vậy nếu người có chức vụ, quyền hạn dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác (chính là dấu hiệu giao nhau của hai tội này), thì phạm vào tội gì? Cách giải quyết là trả lời câu hỏi: Tài sản bị chiếm đoạt có phải tài sản thuộc trách nhiệm quản lý mà người phạm tội có được từ chức vụ, quyền hạn của mình hay không? Nếu câu trả lời là có, người này phạm vào tội Tham ô tài sản. Còn nếu không, nhất định là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có thể nói đây là cách duy nhất để phân biệt giữa 2 tội Tham ô tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên ví dụ ngay sau đây của chúng tôi sẽ cho bạn đọc thấy rằng, cách duy nhất này cũng khó có thể áp dụng:

Trong giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Vietin Bank, đối với 1.085 tỷ mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt của 5 khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng. Cơ quan điều tra xác định Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các khách hàng này ngay từ khi họ chưa gửi tiền vào VietinBank. Bằng cách thỏa thuận cho hưởng lãi suất vượt trần, Huyền Như đã “dụ” được 5 công ty gửi tiền vào VietinBank. Sau đó, cô ta lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản và dùng quyền trưởng phòng giao dịch để chuyển tiền sang tài khoản của mình, chiếm đoạt số tiền trên.

Trong trường hợp này, nếu xét riêng về hành vi chiếm đoạt, rõ ràng thỏa mãn tội Tham ô tài sản. Nhưng xét cả quá trình cũng có thể nói có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chỉ có điều, tài sản trước khi “về tay” người phạm tội thì lại qua một chu trình chuyển tiếp thành tài sản chung của cơ quan, tổ chức. Đây quả là bài toán khó đối với các chuyên gia pháp lý.

Hiện tại, VKSND Tối cao đã đưa ra kết luận sau khi điều tra lại: Xét cả quá trình từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như vẫn chỉ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với số tiền trên và không đủ căn cứ truy tố Huyền Như về tội Tham ô tài sản. Kết luận này của VKSND Tối cao có lẽ sẽ gây nhiều tranh cãi.

Cũng từ đây, chúng tôi cho rằng, cần có câu trả lời thật nhanh chóng từ phía các cơ quan lập pháp để có đường lối xử lý đúng đắn nếu xảy ra các trường hợp tương tự trong thực tế: Dùng thủ đoạn gian dối để biến tài sản của nạn nhân thành tài sản của cơ quan, tổ chức mà người phạm tội biết chắc chắn mình sẽ có trách nhiệm quản lý, sau đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản đó, thì cần xử lý về tội gì mới thỏa đáng?

Xin được chuyển sang nội dung tiếp theo: Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Thật ra, rất dễ để giải quyết vấn đề “cạnh tranh” quy phạm pháp luật giữa hai tội này. Bởi vì, như đã phân tích, Tham ô tài sản thu hút hết mọi hành vi có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” về cấu thành tội phạm của nó. Cho nên, một người có chức vụ, quyền hạn “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” (hay bất kỳ cách nào khác) để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, thì nhất định phạm vào tội Tham ô tài sản. “Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tuyệt đối không có hành vi chiếm đoạt tài sản mà chỉ gây thiệt hại như làm cho tài sản bị thất thoát, lãng phí, bị người khác chiếm đoạt…”, Ts. Đinh Thế Hưng bình luận. Cũng theo ông Hưng “Hai tội này chỉ có một dấu hiệu dễ bị giao nhau mà thôi, đó là dấu hiệu cố ý làm trái”.

Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng dễ phân biệt như vậy, nhưng trên thực tế, có khá nhiều trường hợp cơ quan tố tụng phân định không đúng hai tội danh này. Dẫn đến nhiều ý kiến tranh luận, bất bình, bởi hình phạt đối với tội “Tham ô tài sản” được xem là nghiêm khắc hơn với hình phạt cao nhất là Tử hình, còn tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, hình phạt cao nhất chỉ bị xử phạt là Tù chung thân.

Tới đây, trong BLHS 2015 sẽ không còn tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nữa mà thay vào đó là 6 tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Nhiều người đồng ý với thay đổi này bởi họ cho rằng thực tế có nhiều vụ có dấu hiệu tham ô nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được nên vận dụng tội Cố ý làm trái. Mặt khác, một bộ phận các chuyên gia pháp luật cũng tỏ ra lo ngại vì việc cụ thể hóa tội Cố ý làm trái này thành các tội danh nhỏ trong BLHS có thể chưa bao quát được hết mọi hoạt động kinh tế, dễ tạo ra một khoảng trống pháp luật giúp người có chức vụ, quyền hạn sẽ lợi dụng và khi họ phạm tội sẽ khó mà truy cứu họ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Thiết nghĩ, những phân tích rất thực tế trên đây sớm được cơ quan xây dựng pháp luật, bảo vệ pháp luật nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cụ thể trong BLHS.

Lan Hương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/3-toi-danh-chinh-duoc-ap-dung-trong-6-dai-an-kinh-te-gan-day-nhan-dien-phan-biet-va-kien-nghi-a162840.html