Nhà văn G.I. Uspensky từng nhận định về V.M.Garshin: “Những truyện rất ngắn đôi khi chỉ có vài trang nhỏ của ông đã khai thác triệt để toàn bộ nội dung cuộc sống của chúng ta”.
Tập truyện Bông hoa đỏ gồm 10 truyện ngắn hay nhất tập hợp trong những khoảng thời gian sáng tác khác nhau của nhà văn Garshin. Tập truyện thể hiện phong cách truyện ngắn đặc sắc của tác giả.
Chiến tranh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm lý cũng như trong sáng tác của Garshin. Những truyện ngắn có cốt truyện và cấu trúc giản dị đã hấp dẫn độc giả, bởi mở ra trước mắt họ là thế giới cảm xúc đầy phức tạp của các nhân vật, phơi bày những mâu thuẫn rất con người của thế hệ tri thức khi đối diện với chiến tranh.
Ở truyện ngắn Bốn ngày, người đọc đã được chứng kiến những giây phút khắc nghiệt nhất của một con người trong chiến tranh, khi nhân vật xưng Tôi bị thương nặng, và đối diện với cái chết, cảm thấy cái chết đang tiến rất nhanh về phía mình. Khi đó anh ta sợ hãi, đau đớn, tự dày vò mình bằng những kí ức, những ham muốn, và cả những suy tư rất đau đớn.
Câu chuyện Bốn ngày, tác giả lấy chất liệu từ chính lần bị thương trong khi tham gia chiến tranh của mình.
Dấu vết chiến tranh còn thể hiện trong những truyện ngắn như Một cuộc tình rất chóng vánh, Kẻ hèn nhát... Dù không viết trực diện về chiến tranh, nhưng mỗi nhân vật trong truyện ngắn của Garshin đều luôn nằm giữa những lằn ranh chật hẹp giằn vặt giữa sợ hãi, lý tưởng, đối diện và lẩn trốn. Dù viết theo cách nào, những câu chuyện của ông đều bao phủ lên ấy một không khí buồn bã, suy tư, và đầy tuyệt vọng.
Bản thân tác giả dù là người luôn phản đối chiến tranh, nhưng ông cũng chấp nhận ra chiến trường, bởi ông muốn được ở cạnh nhân dân. Tư tưởng đó của Garshin được thể hiện rất rõ qua truyện ngắn Kẻ hèn nhát. ở đó những tình thế của con người trong chiến tranh lần lượt được hiện ra, rất cụ thể, và tạo được nhiều sức gợi.
Garshin cũng đặc biệt quan tâm đến tư tưởng của những người nghệ sĩ giống như ông. Khi viết Những người họa sĩ (1879), nhà văn đặt ra vấn đề về vai trò của nghệ thuật trong xã hội, suy tư về sự không cần thiết của nghệ thuật đương thời. Nhân vật trong truyện, họa sĩ trẻ tài năng Ryabinin chuyên vẽ phong cảnh, đã từ bỏ hội họa để theo học trường sư phạm. Sự mâu thuẫn giữa lối tư duy “nghệ thuật vị nghệ thuật”, và “nghệ thuật vị nhân sinh” đã được biểu hiện rõ qua sự khác biệt của hai nhân vật họa sĩ tài năng Ryabinin và Devod mà tác giả đã bày tỏ qua cách kể truyện tự sự hấp dẫn.
Tác giả cũng là một nhà văn thường sử dụng hình ảnh cây cối và loài vật để làm nhân vật biểu tượng trong các truyện ngắn của mình, như cây cọ trong truyện Attalea princeps (1880), hay con ếch trong Một chuyến du hành (1887)... nhằm thể hiện những ý tưởng, suy tư về đời sống của mình.
Garshin đã dồn nhiều tâm huyết để viết truyện ngắn nổi tiếng nhất của mình, Bông hoa đỏ (1883). Đó là một tác phẩm đậm đặc cảm xúc, ý nghĩa triết lý và đầy kịch tính. Tri giác quả kịch liệt về cái ác của thế giới nơi nhân vật đã khiến cả những hiện tượng đời thường, như những bông hoa anh túc đỏ, cũng biến thành những hình ảnh biểu tượng.
Bông hoa đỏ được xem là truyện ngắn hay nhất của ông, là câu chuyện về một người điên bị nhốt trong nhà thương điên, và hành trình tự hủy diệt của anh ta. Mọi suy nghĩ của anh đều được trần thuật bằng giọng tự sự u uẩn, bi thương, buồn bã.
Bệnh nhân đặc biệt này đã không ngủ trong mười ngày với những lời nói mê sảng và tiếng hét vô nghĩa. Đối với toàn bộ câu chuyện (ngoài những nhận thức tạm thời của anh ta), anh ta đã phát hiện ra những điều vô nghĩa, diễn tả những điều tưởng như vô nghĩa một cách rất uyển chuyển, theo lý lẽ riêng của anh. Anh ta liên tục đi lại trong ngôi nhà, không ngủ, trừ những khi được tiêm thuốc.
Một ngày nọ, anh chú ý đến bông hoa đỏ đặc biệt trong khu vườn của trại thương điên. Anh coi bông hoa đỏ như là những biểu hiện của cái ác và cảm thấy cần phải lập tức ngắt bỏ nó, để thoát khỏi thế giới.. Anh cảm thấy những bông hoa ấy khủng bố, áp đảo mình và đẩy mình đến casic hết. Sau những lần tỉnh giấc anh chỉ chuyên tâm vào việc lên kế hoạch làm sao để ngắt đi hết ba bông hoa đỏ kia.
Bằng cách ngắt đi những bông hoa và giữ nó ở trong ngực mình, bệnh nhân tin rằng anh ta đã loại bỏ những điều ác, và đã hi sinh thân mình để chết như một chiến binh trung thực, không tiếp tục để điều ác lan rộng trên khắp thế giới. Câu chuyện có thể xem như một loại tự truyện của tác giả, bởi nó rất giống với cuộc đời của Garshin, trong cuộc đấu tranh với bệnh tâm thần và rồi tự tử ở tuổi 33 tại Petersburg (năm 1888). Nó thể hiện một cuộc đấu tranh dai dẳng và bế tắc của tác giả với những điều xấu xa trong đời sống, nhưng rồi chính ông cũng không thể tìm được lối thoát nào khác ngoài cái chết.
Cái chết của Garshin gây một tiếng vang lớn trong giới độc giả Nga thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Danh hoạ I.E. Repin trong niềm thương tiếc đã xúc động vẽ bức chân dung cuối cùng của nhà văn khi nằm giữa những bông hoa đỏ trước khi về với đất.
Đương thời tác phẩm của ông không được lòng giới phê bình. Người ta phê phán Garshin do giọng điệu u ám và bi quan trong truyện của ông. Các nhà dân tuý đem truyện của ông làm ví dụ về sự đau khổ dằn vặt lương tri của giới trí thức lúc bấy giờ. Tuy nhiên, hiện nay, những tác phẩm ít ỏi ông để lại được xem như là những tác phẩm truyện ngắn xuất sắc, và Garshin được ghi nhận là một trong những nhà văn tiên phong trong tiến trình phát triển truyện ngắn Nga, trước cả A.P.Chekhov.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bong-hoa-do-tinh-hoa-truyen-ngan-cua-v-m-garshin-a162833.html