"Khó Bộ nào muốn cắt giảm bớt chức năng quyền hạn quản lý của mình. Chưa kể hiện nay, cơ chế quan liêu xin - cho vẫn còn sót lại".
Đó là khẳng định của TS Phạm Sanh với Đất Việt xung quanh việc dự thảo Luật Quy hoạch vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và băn khoăn từ phía Bộ Xây dựng (XD).
Không Bộ nào muốn mất quyền lợi riêng
PV: - Lại thêm những tranh cãi xung quanh dự thảo Luật Quy hoạch khiến dư luận băn khoăn. Cụ thể, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, quy hoạch xây dựng có tính đặc thù cao, nên việc tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch chung là cực kỳ khó khăn và việc xử lý trên thực tiễn sẽ mất 7 - 8 năm. Thêm nữa, dự luật sẽ bãi bỏ và điều chỉnh một số lượng lớn quy hoạch xây dựng đã và đang được thực hiện.
Ông bình luận như thế nào về ý kiến của người đứng đầu ngành xây dựng? Theo ông, những ý kiến nói trên có cơ sở hay không, khi chính tại phiên họp này, các vị ĐBQH đã bày tỏ phản ứng với ý kiến trên vì nghi ngại lợi ích cục bộ, ngược với tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ?
TS Phạm Sanh: - Có lẽ chưa có dự thảo đề án luật nào Chính phủ trình qua Quốc hội lại có nhiều ý kiến chưa đồng thuận cao ngay từ các Bộ trưởng cũng chính là thành viên Chính phủ, có 8 Bộ chưa thống nhất và 2 Bộ lên tiếng “phản ứng” mạnh mẽ là Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương.
Dù rằng dự thảo đã tiếp thu chỉnh lý đến lần thứ 6, hàng trăm cuộc họp hội thảo góp ý, Chính phủ đã cho ý kiến thống nhất lần cuối, UBTVQH đã nghe lần thứ ba, nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau, lại tiếp tục hoàn chỉnh Báo cáo giải trình tiếp thu để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và UBTVQH để cho ý kiến một lần nữa, trước khi xin ý kiến các đoàn ĐBQH và báo cáo ra Quốc hội.
Những tranh cãi xung quanh dự thảo Luật Quy hoạch từ các Bộ ngành Trung ương (chứ không phải từ các địa phương) cũng là điều dễ hiểu, vì mục tiêu cốt lõi của Luật Quy hoạch mới này làm thay đổi hẳn cách làm quy hoạch bao cấp loạn xạ cát cứ lãng phí, thậm chí trật lất, lợi ích nhóm và góp phần cản trở công cuộc đổi mới tái cơ cấu toàn diện trên cả nước hiện nay.
10 năm mất 8.000 tỷ để làm 16.000 đồ án quy hoạch, mỗi tỉnh trung bình hàng trăm quy hoạch lớn nhỏ. Cái gì cũng quy hoạch, sản phẩm dịch vụ ngành hàng món gì con gì cây gì cũng đưa ra con số như đinh đóng cột, nhưng quy hoạch xong rồi cũng được điều chỉnh như cơm bữa, thậm chí chỉ một ít người nhẹ nhàng bí mật điều chỉnh bổ sung.
Câu chuyện nâng đường biến nhà dân thành hầm do không có cốt xây dựng và đập phá tuốt luốt khi lập lại trật tự vỉa hè tại TP.HCM là một ví dụ về chất lượng quy hoạch từ nghiên cứu lập đồ án đến thẩm định phê duyệt. Nhưng dù đề án Luật Quy hoạch mới này có lợi cho đất nước, cho người dân, được Lãnh đạo quan tâm, thay đổi hẳn cung cách quản lý Nhà nước theo kinh nghiệm thành công thế giới, nó vẫn vấp phải suy nghĩ cách làm xin cho xơ cứng mệnh lệnh mấy chục năm nay.
Luật quy hoạch mới ảnh hưởng đến 32 Luật khác có liên quan đến nhiều Bộ ngành, chính là đụng chạm vào thẩm quyền quyết định chi tiết cho bao nhiêu sản phẩm ngành hàng, đúng trật không chịu trách nhiệm, như quy hoạch diện tích trồng cà phê, quy hoạch xe taxi... Chưa kể chuyện giải quyết công ăn việc làm, lương bổng cho biết bao đơn vị, Vụ, Viện Tư vấn, Hiệp hội, đang trông chờ vào dòng sữa ngân sách rót từ các Bộ về địa phương cho công tác quy hoạch.
Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nói lên tâm tư và tâm huyết của người đứng đầu ngành. Vì hiện nay đã có Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng, cùng khá nhiều văn bản pháp quy khác, liên quan đến hoạt động quy hoạch. Cả từ ngữ, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh, trình tự thủ tục, bộ máy con người... đã quy định khá rõ và tồn tại khá lâu. Không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều.
Tuy nhiên xét về lợi ích chung lâu dài, ngành Xây dựng cũng phải cùng Chính phủ vượt khó, không phải vì lợi ích của xã hội của người dân, mà cũng chính là lợi ích sát sườn của công tác quản lý ngành theo thông lệ thế giới. Đúng ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nên có tranh luận thẳng thắn, nhất trí cao trong Chính phủ trước khi Bộ KH-ĐT thay mặt Chính phủ báo cáo UBTVQH. Bộ trưởng cũng chỉ là thành viên và giúp cho Thủ tướng về quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Bộ Xây dựng lăn tăn Luật Quy hoạch: Động chạm điều gì?
PV: - Theo ông, lý do vì đâu mà hơn một lần, các đại diện từ Bộ Xây dựng không thống nhất với dự thảo Luật Quy hoạch mới? Liệu có phải có nguyên nhân từ những ích cục bộ hay không? Xin ông phân tích cụ thể.
TS Phạm Sanh: - Như tôi đã nói, Luật Xây dựng và các văn bản dưới Luật, điều chỉnh hoạt động xây dựng, trong đó có công tác quy hoạch, đã có từ lâu. Phần lớn hoạt động đầu tư là đầu tư xây dựng, và xây dựng phải hiểu là xây dựng chung, bao gồm cả hạ tầng giao thông, nông nghiệp phat triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, phát triển đô thị nông thôn, cả lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Trước giờ, mọi công tác đầu tư xây dựng đều làm theo trình tự thủ tục Luật Xây dựng, phải có quy hoạch trước tiên và làm gì cũng phải có quy hoạch được duyệt. Rồi, bộ máy tổ chức con người liên quan đến công tác nghiên cứu, lập, thẩm tra thẩm định quy hoạch không phải là nhỏ.
Không phải Bộ Xây dựng, có lẽ các Bộ khác cũng có tâm tư giống như Bộ Xây dựng mà thôi. Khó Bộ nào muốn cắt giảm bớt chức năng quyền hạn quản lý của mình.
Chưa kể hiện nay, cơ chế quan liêu xin-cho vẫn còn sót lại, đồ án quy hoạch nhiều khi trở thành giấy phép con hoặc thủ tục pháp lý hình thức “đầu tiên”, hành hạ doanh nghiệp người dân, cả chính quyền địa phương.
Cho rằng việc lãnh đạo Bộ Xây dựng nhiều lần không thống nhất với dự thảo Luật Quy hoạch, có nguyên nhân từ lợi ích cục bộ, có lẽ chưa chính xác. Theo tôi, đây là phản ứng dễ hiểu khi cảm giác mất quyền, phần nào mang tính cục bộ. Cách làm luật của Việt Nam, giao cho Bộ ngành dự thảo giúp cho Chính phủ, báo cáo trình Quốc hội thông qua; nếu không có quy chế phối hợp tốt và trách nhiệm cao, dễ dẫn đến cục bộ, lợi ích nhóm.
Ngay cùng một Bộ dự thảo, như Luật Xây dựng và Luật Nhà ở cũ trước đây, hai đơn vị của Bộ Xây dựng soạn thảo hai cách quy định thời gian bảo hành khác nhau, Quốc hội vẫn thông qua và sau này phải sửa lại. Tính cục bộ trong từng Bộ ngành địa phương, nếu không chấn chỉnh, sẽ rất nguy hiểm.
Tránh vội vàng thông qua
PV: - Cách đây không lâu, ngay sau buổi họp của UBTVQH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo các Bộ ngành, không giữ lợi ích cục bộ, đồng thời sẽ tiến hành kiểm điểm các bộ ngành liên quan về sự không thống nhất quan điểm trong việc thông qua dự án Luật quy hoạch.
Tuy nhiên, vẫn còn có những phản ứng như của Bộ Xây dựng vừa nêu. Thưa ông, có thể lý giải về điều này như thế nào? Ông có lo ngại những thái độ như trên sẽ là rào cản cho việc thông qua dự thảo luật này hay không?
TS Phạm Sanh: - Nếu Quốc hội và Chính phủ đã có chủ trương và mục tiêu cải cách rõ ràng, được sự đồng tình cao của người dân lẫn chuyên gia cả nước, thì vấn đề tìm sự đồng thuận của một số Bộ ngành trong đó có Bộ Xây dựng không phải là khó.
Theo tôi, riêng từng Bộ phải đánh giá và kiểm điểm sâu sắc các tồn tại cũng như hiệu quả cách làm và quản lý quy hoạch hiện nay của ngành mình, lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp và các địa phương, từ đó, Bộ ngành mới thấy trách nhiệm và ửng hộ cái mới.
Tôi không dám bàn về quy chế làm việc của Chính phủ và cách chỉ đạo điều hành của Thủ tướng. Chỉ nhận xét về thái độ nội dung phát ngôn của lãnh đạo Bộ Xây dựng trước UBTVQH về dự thảo Luật Quy hoạch là chưa phù hợp, làm lãng phí thời gian các lãnh đạo và dễ gây tiền lệ xấu cho công tác thông qua những dự thảo đề án luật sau này.
PV: - Bàn về giải pháp, có đại biểu đưa ra ý kiến, nếu các Bộ, ngành còn chưa thống nhất, thì chỉ có thể áp dụng hai phương án. Một là Chính phủ rút dự thảo luật về, tiếp tục thảo luận thật kỹ, có sự thống nhất cao rồi trình. Hai là nếu Chính phủ vẫn trình thì sẽ phải tiến hành biểu quyết theo hướng thiểu số phục tùng đa số.
Ông đánh giá như thế nào về 2 phương án trên. Theo ông trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải làm gì để tháo gỡ những vướng mắc trong dự thảo Luật Quy hoạch?
TS Phạm Sạnh: - Trong phiên làm việc của UBTVQH, đúng là có ĐBQH đã đưa ra 2 phương án trên. Nhưng cuối phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận, do còn nhiều ý kiến khác nhau, tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách và UBTVQH cho ý kiến một lần nữa, trước khi xin ý kiến các đoàn ĐBQH và báo cáo ra Quốc hội. Đây là một ý kiến chỉ đạo hết sức chính xác, vì ngay cả khi báo cáo lên UBTVQH lần thứ ba, vẫn còn ý kiến chưa thống nhất của các thành viên Chính phủ.
Luật Quy hoạch (mới) có rất nhiều thay đổi so với cách làm và thực hiện quản lý quy hoạch của các Bộ ngành và địa phương hiện nay. Sự cần thiết và mục tiêu ban hành Luật khá rõ, giải quyết rất nhiều tồn tại theo kiểu vận hành quản lý hoạt động quy hoạch trước đây, khẳng định tính định hướng và khả thi của công tác quy hoạch.
Tất nhiên để đồng thuận cao, phải làm rõ ý nghĩa và phải có lộ trình thực hiện chuyển tiếp khả thi cụ thể. Trước hết phải khẳng định các loại Quy hoạch nào phải bỏ, chẳng hạn như các Quy hoạch về sản phẩm dịch vụ ngành hàng thông dụng tại các địa phương, thay bằng các chương trình, đề án, kế hoạch, sơ đồ định hướng phát triển.
Ngay cả Quy hoạch Xây dựng cũng phải gọn nhẹ và thực tế như thế giới đang làm, quy hoạch chung chỉ là các sơ đồ định hướng phát triển không gian, quy hoạch phân khu và chi tiết nhập lại một, nặng về kế hoạch hoạch triển khai xây dựng hạ tầng và thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị. Vấn đề đặt ra là đất nước phát triển nhanh và bền vững, chất lượng sống của người dân và chất lượng các đồ án quy hoạch, chứ không phải ở chỗ công tác quy hoạch nằm ở luật nào, Bộ nào quản lý.
Theo tôi, dự thảo Luật Quy hoạch nên biên soạn rõ hơn, bao trùm các loại quy hoạch có trước đây cần giữ lại (như các nội dung Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị...), các loại Quy hoạch không còn nhưng được thay bằng hình thức tên gọi là gì, các loại Quy hoạch bỏ hẳn.
Khẳng định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ, từng Bộ ngành và địa phương trong công tác quy hoạch. Thành lập các Hội đồng tham mưu quy hoạch cấp Trung ương và địa phương. Điều chỉnh và hợp nhất các luật liên quan. Nên có Luật đô thị thay cho Luật Quy hoạch đô thị vì nội dung đã được đưa vào Luật Quy hoạch mới.
PV: - Xin cảm ơn TS Phạm Sanh!
Chia sẻ thêm, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, Đại học Xây dựng HN khẳng định, bất cứ quy hoạch Xây dựng nào cũng phải nằm trong quy hoạch chung, tổng thể của đất nước và không thể tách rời.
"Nếu đất nước muốn phát triển được và đúng hướng thì phải có chiến lược về quy hoạch. Bộ Xây dựng cũng phải trên tinh thần đó, tránh vì những quyền lợi riêng mà không đồng tình với chủ trương trên", ông Thám nhấn mạnh.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-xay-dung-lan-tan-luat-quy-hoach-so-giam-loi-rieng-a162827.html