Thụy Sĩ tăng cường điều tra hoạt động gián điệp nhằm vào cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ, gia tăng căng thẳng giữa EU và Tổng thống Erdogan.
Ngày 24/3, Văn phòng Trưởng công tố Thụy Sĩ cho hay đã triển khai một cuộc điều tra hình sự đối với các hoạt động gián điệp nhắm vào cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.
Trước đó 1 ngày, Ngoại trưởng Thụy Sĩ đã thông báo cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này sẽ điều tra kỹ lưỡng bất kỳ hoạt động gián điệp bất hợp pháp nào do Ankara tiến hành nhằm vào người gốc Thổ.
Thụy Sĩ khởi động điều tra sau khi xuất hiện các cáo buộc có sự thu thập tin tình báo chính trị từ các sự kiện tổ chức tại Đại học Zurich cuối năm 2016, đầu năm 2017.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tới thăm Thụy Sĩ sau khi chính phủ nước chủ nhà từ chối yêu cầu hủy chuyến thăm này của chính quyền Zurich do giới chức an ninh bang lo ngại ông Cavusoglu sẽ tham gia cuộc mít tinh nhằm vận động chính trị tại đây.
Thông tin về việc đối phó với tình hình thu thập tin tình báo ở Thụy Sĩ được tuyên bố vào lúc cuộc khẩu chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước EU gồm Hà Lan và Đức ngày càng căng thẳng.
Hôm 23/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thẳng thắn chỉ trích Đức và Hà Lan về việc gọi ông là nhà độc tài, trong khi lại cấm ông so sánh phát- xít và Đức Quốc xã với nền dân chủ của hai nước này.
"Làm thế nào mà họ có quyền gọi Erdogan là nhà độc tài nhưng Erdogan không được gọi họ là phát-xít và Đức Quốc xã? Họ buộc tội rồi sau đó nói về Erdogan như một nhà độc tài..." - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận giải thích sự mâu thuẫn của châu Âu.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, có thể sẽ mất một khoảng thời gian để xem xét lại toàn bộ mối quan hệ của Ankara với Liên minh châu Âu.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN phát bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan nhấn mạnh, mọi thứ "từ A đến Z" gồm cả các mối quan hệ chính trị và hành chính trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU sẽ được xem xét lại sau ngày 16/4 - thời điểm Ankara tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nhằm tăng thêm quyền lực cho Tổng thống.
Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế với EU nhưng sẽ xem xét lại thỏa thuận về người di cư với liên minh này.
Rõ ràng con bài thỏa thuận về người di cư là yêu sách chiến lược mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể dựa dẫm vào thời điểm nhạy cảm này.
Ngay trong 2 tuần gần đây, đã có ít nhất 2 cuộc tấn công có tính chất khủng bố ở trong lòng châu Âu. Cách thức các cuộc tấn công đều là từ một cá nhân thực hiện, có lý lịch minh bạch và đều được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm thực hiện. Nỗi lo sợ đã dường như thường trực và bất ngờ ở châu Âu.
EU hiện đang cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn khi nào hết. Khi không có sự hợp tác của chính quyền Ankara, EU không thể giải quyết được vấn đề người tị nạn.
EU cũng hiểu rõ sự đổ vỡ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy khu vực Biển Đen và vùng Balkan vào bất ổn. Hơn thế nữa, nếu để mất quốc gia có vị trí chiến lược này, phương Tây sẽ để mất một chỗ đứng quan trọng tại Trung Đông.
Giới phân tích cho rằng, những động thái gia tăng căng thẳng của các nước thành viên EU đang cho thấy cơn cuồng phong đang thổi về hướng Thổ Nhĩ Kỳ. Song cơn bão sẽ ngưng một khi các mối đe dọa an ninh ở châu Âu gia tăng thêm nữa.
Trong khi công kích với EU dù vẫn là một thành viên của khối tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đang có nền tảng là sự ảnh hưởng ngày càng lớn lên của Nga ở Trung Đông và trong các lĩnh vực kinh tế mà châu Âu phụ thuộc vào Moscow.
Khi những bất hòa tăng lên, liệu có một khả năng, Nga sẽ lại là người đứng ra làm trung gian hòa giải cho các thành viên đang lục đục của khối quân sự mạnh mẽ này?
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tho-nhi-ky-lai-bi-de-a162575.html