Không ai kê khai không trung thực: Nhiều lỗ hổng

"Chúng ta đang bộc lộ rất nhiều lỗ hổng của hệ thống luật pháp, cho nên phải nhìn nhận tổng thể mà giải quyết chứ không trên một phương diện nào".

Mất lòng tin của dân

PV:- Mới đây, tại Hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, Cục phòng chống tham nhũng đã đưa ra thông tin, không phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực. Vị quan chức này thẳng thắn chỉ ra: mục tiêu của việc kê khai tài sản không đạt được yêu cầu do công tác xác minh chưa được chú trọng.

Ông bình luận ra sao về kết quả trên? Nhận định đó phản ánh điểm thiếu sót gì trong việc kê khai tài sản cán bộ công chức hiện nay?

ĐBQH Dương Trung Quốc: - Cách nhìn nhận và đánh giá của Cục chống tham nhũng không phải là sai. Cốt lõi là ở việc chúng ta không có thiết chế quản lý tài sản nói chung cho toàn xã hội. Mà xã hội là một mối quan hệ phức tạp, trong đó bao gồm mối quan hệ trong dòng tộc, mối quan hệ gia đình, mối quan hệ ngoài xã hội, nên rất khó xác định được khối tài sản đó là của ai.

Vì thế, nó cũng như việc chúng ta sử dụng tiền mặt một cách tràn lan, ngay khía cạnh tài chính cũng không quản lý được tài sản đó, nên rất khó xác định được sự vụ lợi kê khai tài sản có thật hay không thật. Đó là chưa kể đến một vấn đề khác là tính minh bạch, công khai lại liên quan đến quyền bảo vệ những vật riêng tư. Cho nên vai trò giám sát của xã hội, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước có những vấn đề không thể phối hợp với nhau được.

Tôi cho rằng, hiện tượng này có thể có cái sai, nhưng về bản chất xem trung thực hay không trung thực thì nó thể hiện rất rõ khi xảy ra sự việc này, sự việc kia ở từng cá nhân nào đó.

 Không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực
Không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực)

Ngay các bản khai trong Quốc hội vẫn chỉ chung chung, rất khó giám sát được việc này. Cần phải có bước đi căn bản, các quốc gia đã làm hết rồi, như vấn đề đối với bất động sản được sử dụng bao nhiêu ngôi nhà, có thuế đối với các tài sản không sử dụng.

Ở các nước họ đánh thuế vào bất động sản nhiều, khi đánh thuế như vậy mới xác định được chủ là ai, tài chính thì phải quản lý bằng tài khoản ngân hàng, giao dịch có kiểm soát, hiện nay giao dịch không kiểm soát được.

Thêm nữa, tình trạng tham nhũng đang thiên biến vạn hóa dưới rất nhiều các hình thức khác nhau mà chúng ta không có cơ sở pháp luật để phát hiện được hoặc biết nhưng không chấn chỉnh được.

Như chuyện hối lộ làm sao để bắt tận tay họ đưa tiền cho nhau, nên giữa bản chất và hiện tượng có vấn đề, vì thế bảo báo cáo sai cũng không đúng, bảo báo cáo đúng càng không đúng. Chỉ khi nào có hiện tượng vỡ ra rồi, đi vào điều tra mới thấy đúng.

Việc này quan trọng là phải xây dựng trên hệ thống luật pháp, kê khai tài sản không đúng thì chỉ phê phán ở tính gian dối, còn chế tài đối với vấn đề nếu tài sản đi theo phải nộp thuế vụ thì đi sang việc khác, nghĩa là ở đây một bên là đạo đức, một bên là pháp luật.

Tôi nghĩ tất nhiên phải có lộ trình, có bước đi, nhưng phải khẩn trương. Riêng việc quản lý tài chính bằng cách cấm dùng tiền mặt đã nói rất lâu rồi, nhưng chúng ta đang làm rất chậm, mà càng chậm bao nhiêu thì hiện tượng tham nhũng càng tinh tế, lách luật, càng khó bấy nhiêu.

PV:- Vừa qua, đã nhiều lần dư luận đặt dấu hỏi về tài sản lớn của các cán bộ công chức nhà nước. Điều đáng nói, sau khi có các thông tin phản ánh từ dư luận thì mới các cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra và trong một vài trường hợp phát hiện ra sai phạm.

Như vậy, công tác xác minh không được chú trọng như Cục phòng chống tham nhũng đã nhận xét, có thể gây nên những hệ quả gì? Thưa ông, liệu công tác xác minh chưa được chú trọng có phải là nguyên nhân khiến việc công khai tài sản cán bộ công chức khó thực hiện như hiện nay hay không? Xin ông vui lòng phân tích cụ thể.

ĐBQH Dương Trung Quốc: - Hệ quả lớn nhất của việc không công khai được tài sản của cán bộ công chức là mất lòng tin của người dân, cùng với đó hiện tượng tham nhũng tiếp tục hoành hành. Nhưng hệ quả trực tiếp là lòng tin của dân, mà khi đã mất thì thiệt hại vô kể.

Thực tế đây là một bài toán không dễ, ngay cả các quốc gia phát triển, có hệ thống pháp luật thỉnh thoảng cũng xuất hiện một vài hiện tượng, kể cả quan chức cao cấp gian lận về mặt tài sản, tham ô không riêng gì Việt Nam. Vấn đề ở đây, phải xây dựng hệ thống luật pháp mang tính thực thi, Luật pháp không chỉ phù hợp với đạo lý, mà còn phải có chế tài cụ thể mới xử lý được.

Đây là một khoa học quản lý xã hội, chúng ta nên học tập các nước. Họ đi trước chúng ta rất xa, cái gì phù hợp thì làm càng sớm, càng tốt.

Phải làm mạnh hơn

PV:- Theo quan sát và kinh nghiệm của ông, các cán bộ công chức của chúng ta có ngại công khai tài sản hay không? Trên thực tế, xã hội hiện tại rất ủng hộ người giàu, và cả công chức giàu có, vậy thì vì sao họ ngại như vậy?

ĐBQH Dương Trung Quốc: - Nếu một người tài sản không có vấn đề gì thì không có gì phải ngại, nhưng các tài sản có yếu tố bất thường thì ngại là đương nhiên, quan trọng nhất là tìm ra nguồn gốc tài sản chứ không phải tài sản nhiều hay ít, có minh bạch, hợp pháp hay không, chứ bây giờ một người trúng xổ số vài chục tỷ đồng giàu có là bình thường.

Hay những người được thừa kế một tài sản nào đó của gia đình dòng họ, mọi người cũng nhìn thấy ngay, còn khối tài sản tự nhiên lù lù xuất hiện, chỉ xuất hiện khi nào dính vào vụ nào đó, không ai giải thích được.

Ví dụ câu chuyện cổ phiếu của lãnh đạo tại công ty thì có phải chăng là kẽ hở của cổ phần hóa, tạo ra lợi thế cho một số người tận dụng quyền lực của mình để mang lại lợi ích cho cá nhân.

Qua đây có thể thấy nó đang bộc lộ rất nhiều lỗ hổng của hệ thống luật pháp, cho nên phải nhìn nhận tổng thể mà giải quyết chứ không trên một phương diện nào. Chống tham nhũng là phải chống toàn bộ đời sống, nguồn gốc xã hội của nó, chứ không phải chống tham nhũng là bịt lỗ hở.

Nếu làm giàu một cách hết sức đàng hoàng, hợp pháp chắc chắn không dễ, nhưng làm giàu mà không hợp pháp là rất dễ, bằng cách dùng quyền lực... Chúng ta phải giám sát nó thôi.

Có thể giám sát từ gốc, xây dựng hệ thống pháp chế, thể chế chặt chẽ, hoặc hậu giám sát, khi phát hiện ra phải xử lý thật nghiêm, có tính răn đe. Tôi cho việc này là việc phải làm, làm đến nơi đến chốn, chứ không thể nửa vời.

PV: - Là một ĐBQH, trong kỳ họp tới, ông có đưa vấn đề này ra tại diễn đàn quốc hội hay không? Ông có kỳ vọng một sự thay đổi về chất trong việc kê khai tài sản cán bộ công chức hay không? Nếu muốn như vậy thì phải làm như thế nào?

ĐBQH Dương Trung Quốc: - Câu chuyện tham nhũng không ai muốn dùng từ muôn thưở, vì ai cũng hy vọng có lúc nó khắc phục được, chắc chắn nó là vấn đề lâu dài, chứ không đơn giản. Lâu dài không có nghĩa là án binh bất động, lâu rồi tôi đã dùng từ ngữ miêu tả đó là đánh trận giả, cái gì cũng ồn ào, ra quân mạnh mẽ, nhưng đâu lại vào đó.

Tôi không tán thành nhận định chống tham nhũng là mình đánh vào mình, đã là tham nhũng thì là ta đánh vào địch, Bác Hồ đã gọi tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm.

Đây là câu chuyện tôi nói cách đây hơn 10 năm, khi thông qua Luật chống tham nhũng, tham nhũng là căn bệnh của quan chức chứ không phải của dân, có quyền lực mới tham nhũng được, chứ còn dân chỉ có thể ăn cắp.

Đây là việc của Đảng, Đảng mà làm chưa xong thì phải làm mạnh hơn nữa, cái căn bản mới giải quyết được, nó cũng giống như dịch bệnh, phải khoanh vùng khu trú của bệnh thì sẽ chống lây lan được.

Đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong dân cư, 100 triệu người chỉ là 1 phần rất nhỏ, nên nếu ta quyết tâm cao thực hiện cuộc đấu tranh sẽ được toàn dân ủng hộ, cái quan trọng là chúng ta có thực sự muốn chống hay không.

Tôi cho rằng, gần đây cách thể hiện quyết tâm cần sự bền bỉ, phát động được nhân dân ủng hộ, làm chỗ dựa thì quyết tâm mới thực hiện được.

Con người ta luôn có mong muốn, có kỳ vọng vào sự thay đổi, vì nếu chúng ta không thay đổi thì chúng ta sẽ chết, chế độ sẽ không còn nữa, đất nước vẫn còn, nếu ai tha thiết chế độ này thì phải đấu tranh chống tham nhũng.

Nếu muốn đấu tranh thì việc đầu tiên phải xây dựng hệ thống luật pháp tốt, nhưng trong hoàn cảnh này thì đành phải khi phát hiện ra vụ việc nào thì làm đến nơi, đến chốn, phạt thật nặng, có răn đe những người khác.

Sau đó, từng bước một xây dựng Luật pháp một cách chặt chẽ, ở đây có rất nhiều trường hợp ai cũng nhìn thấy, nhưng chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn.

Như vấn đề thanh toán tài chính, sử dụng tiền mặt, trôi nổi như vậy thì ai giám sát được có bao nhiêu tiền. Đây là chuyện liên quan đến tài sản lớn như bất động sản, phải giám sát chặt, tiến tới đánh thuế bất động sản, bên cạnh thuế thu nhập và thuế tài sản.

Ai có tài sản lớn kể cả nhà đất, bất động sản, vượt ra khỏi nhu cầu của đời sống thì phải có chế tài, mà khi có thuế thì mới thắt chặt được vì liên quan vượt thu ngân sách của nhà nước. Phải xây dựng hệ thống đó thì dần dần mới quản lý xã hội được.

Đây là vấn nạn của thế giới, cả thế giới suy nghĩ, có nơi xử lý thành công, có nơi chưa thành công. Vì thế chúng ta nên tìm những nơi thành công rồi học hỏi, đương nhiên phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam.

Tham nhũng tồn tại từ thời cổ đại, đến giờ vẫn tồn tại, nhưng mỗi thời đại một khác, ngay cả giữa các quốc gia, thể chế chính trị cũng khác nhau, nhưng cái chung là phải chống nó, vì nó xâm hại đến lợi ích quốc gia, sự bình đẳng của xã hội.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!

Theo Bao Datviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/khong-ai-ke-khai-khong-trung-thuc-nhieu-lo-hong-a162476.html