Không ai kê khai không trung thực: ĐBQH nói nguyên nhân

Muốn có thay đổi vấn đề kê khai tài sản cần tích cực, gắn với trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan quản lý việc kê khai.

Chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực

PV:- Mới đây, tại Hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng chống tham nhũng đã đưa ra thông tin, không phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực. Vị quan chức thẳng thắn, mục tiêu của việc kê khai tài sản không đạt được yêu cầu do công tác xác minh chưa được chú trọng.

Ông bình luận ra sao về kết quả trên và nhận định của vị lãnh đạo phòng chống tham nhũng? Nhận định đó phản ánh điểm thiếu sót gì trong việc kê khai tài sản cán bộ công chức hiện nay?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: - Tôi thấy nhận định của ông Phạm Trọng Đạt rất là chính xác, vì thực tế hiện nay việc kê khai tài sản không đúng với tính xác thực của nó, nhiều người có rất nhiều nhà, nhưng khi kê khai thì chỉ kê khai có một, hoặc cũng có nhiều người kê khai đúng tài sản của mình hiện có, còn nhiều tài sản khác thì đứng tên người này, người khác.

Trong khi, giải pháp để kiểm soát việc kê khai tài sản chúng ta cũng chưa có, nên thực tế mới xảy ra hiện trạng như vậy, vậy thì có gì lạ.

Mặt khác, hiện nay vấn đề kê khai tài sản chủ yếu người kê khai tài sản tự kê khai và các cơ quan quản lý chấp nhận các kê khai đó, chứ chưa xác minh được vấn đề kê khai đó đúng hay sai. Tinh thần thì phải xác minh, nhưng không ai xác minh được. Đó là nguyên nhân cơ bản không phát hiện được người kê khai không đúng.

Tài sản thì chỉ có tài sản hiện có, còn các tài sản nằm trong tài khoản, dự án không ai kiểm soát được. Tôi nhớ từng có ĐBQH kể câu chuyện trong tài khoản của ông tự nhiên có vài trăm triệu đồng nhưng cũng không ai quản lý, giám sát, thế nên làm sao kiểm soát được.

 Kê khai tài sản nhưng chưa có xác minh
Kê khai tài sản nhưng chưa có xác minh)

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai.

Bên cạnh đó, việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực.

PV:- Vừa qua, đã nhiều lần dư luận đặt dấu hỏi về tài sản lớn của các cán bộ công chức nhà nước. Điều đáng nói, sau khi có các thông tin phản ánh từ dư luận thì mới các cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra và trong một vài trường hợp phát hiện ra sai phạm.

Như vậy, công tác xác minh không được chú trọng như lời vị lãnh đạo phòng chống tham nhũng có thể gây nên những hệ quả gì? Thưa ông, liệu công tác xác minh chưa được chú trọng có phải là nguyên nhân khiến việc công khai tài sản cán bộ công chức khó thực hiện như hiện nay hay không? Xin ông phân tích cụ thể.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: - Cũng chính vì còn nhiều bất cập trong công tác kê khai và xác minh tài sản của cán bộ công chức như vậy nên mỗi khi có trường hợp nào đó sở hữu khối tài sản lớn, dư luận lại không khỏi xôn xao, đồn đoán về nguồn gốc của khối tài sản này.

Đặc biệt, chất lượng kê khai tài sản chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, cũng như thực tiễn vẫn đề kê khai, đầu tiên, vấn đề kê khai tài sản là vấn đề được các văn bản chỉ thị chú trọng, đặt vấn đề quan trọng, nhưng làm lại chưa đến nơi đến chốn.

Tất cả chỉ mới dừng lại ở mức độ, người cán bộ tự kê khai, cơ quan quản lý chấp nhận bản kê khai đó, còn chưa xác định được kê khai đúng hay sai, thậm chí rất khó xác định.

Mà việc xác minh nguồn gốc tài sản không được chú trọng thì có nghĩa việc kê khai chỉ làm hình thức, làm cho có chứ không kiểm soát được tình trạng tham nhũng xảy ra hiện nay, không phát hiện được.

Đáng lẽ ra sau khi kê khai phải điều tra, phát hiện ra khối tài sản đó để lý giải vì sao có mà không kê khai, tài sản mờ ám, có khuất tất, làm rõ bản chất không thật thà, có dấu hiệu mờ ám trong quá trình tham nhũng. Vấn đề quan trọng nhất ở đây phải là tài sản ở đâu, làm gì để có, chứ không phải có bao nhiêu tài sản?.

Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu

PV:- Theo quan sát và kinh nghiệm của ông, các cán bộ công chức của chúng ta có ngại công khai tài sản hay không? Trên thực tế, xã hội hiện tại rất ủng hộ người giàu, và cả công chức giàu có, vậy thì có gì phải ngại, đúng không thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: - Những người khối tài sản không đáng kể thì họ sẵn sàng kê khai. Còn những người có khuất tất, nằm ở vị trí lớn, thì họ giấu đi những cái gì mà họ đã tham nhũng được, chiếm dụng được.

Có 2 trường phái, người không tham nhũng thì họ sẵn sàng công khai, còn người ở vị trí có thu nhập lớn thì không muốn công khai, tìm cách che giấu, san sang cho người khác, lấy tên người khác, cuối cùng họ không có gì.

Lâu nay, có nhiều người rất sợ đánh giá, có những người họ lại không có suy nghĩ như vậy. Nhiều người tham gia kê khai rất rõ ràng, kể cả đất bao nhiêu nghìn m2 họ vẫn khai, tài khoản ngân hàng cũng vậy, nhưng có những người lại không tin.

Họ ngại người khác đánh giá, yêu cầu giải thích làm gì mà có khối tài sản lớn như vậy, nghĩa là ở đây họ kê khai có mục đích.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, tham nhũng có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và tất cả các đối tượng miễn là có cơ hội tham nhũng, như giữ xe đạp, bảo vệ, làm công việc nhỏ mà có cơ hội vẫn có thể tham nhũng. Tất nhiên những người có chức có quyền, có vị thế, thì sẽ là tham nhũng lớn.

PV:- Là một ĐBQH, trong kỳ họp tới, ông có đưa vấn đề này ra tại diễn đàn quốc hội hay không? Ông có kỳ vọng một sự thay đổi về chất trong việc kê khai tài sản cán bộ công chức hay không? Nếu muốn như vậy thì phải làm như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: - Vấn đề tham nhũng thì tôi đã từng có những lần phát biểu về vấn đề này, tiêu biểu nhất là nhận biết dấu hiệu tham nhũng, còn về kê khai tài sản nếu có điều kiện tôi sẽ vẫn phát biểu thêm, đồng thời giám sát sự thay đổi của việc này.

Tất nhiên chuyện kê khai tài sản được chú trọng hơn là cần thiết. Gần đây có rất nhiều ý kiến kiến nghị về vấn đề kê khai tài sản theo tinh thần Nghị quyết TƯ4 về phòng chống tham nhũng. Tất cả các vấn đề này cần thực hiện tốt chứ không phải dừng lại việc này.

Để làm được, muốn có thay đổi vấn đề kê khai tài sản cần tích cực, gắn với trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan quản lý việc kê khai, làm sao: một là, kê khai phải chuẩn xác; hai là, phải điều tra, giám sát, kiểm tra việc kê khai; ba là, phải nêu gương những người kê khai đúng, kê khai thật, có giải pháp tích cực với người kê khai chưa đúng, xử nghiêm.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!

Theo Bao Datviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/khong-ai-ke-khai-khong-trung-thuc-dbqh-noi-nguyen-nhan-a162385.html