(Pháp lý) - Tổng thống Mỹ Donal Trump mới lên nắm quyền một tháng đã vấp phải những đối đầu với cơ quan tư pháp nước này. Từ việc Sắc lệnh cấm nhập cư của ông bị Tòa án tạm thời đình chỉ cho đến sự kiện cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức chưa đầy một tháng sau khi được bổ nhiệm. Từ hai sự kiện này, Pháp lý xin hé lộ “bức tranh” sống động về nền hành pháp và tư pháp Hoa Kỳ thông qua hai khía cạnh: sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ trong mối quan hệ với hệ thống Tòa án liên bang và vai trò, vị trí cố vấn an ninh quốc gia Mỹ trong mối quan hệ với Tổng thống Mỹ.
Hệ thống Tòa án liên bang – nơi kìm chế đối trọng mạnh mẽ các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ
Ban hành sắc lệnh hành pháp để giải quyết các sự vụ quốc nội là quyền của Tổng thống được ghi rõ trong Điều 2 Hiến Pháp Mỹ. Đây là một công cụ hữu hiệu để Tổng thống Mỹ mở rộng quyền hành pháp của mình bởi nó không cần sự thông qua của Quốc hội. Tuy nhiên, có một nhánh giữ vai trò “kìm” lại quyền hành rộng rãi này của Tổng thống, đó chính là hệ thống Tòa án liên bang Hoa Kỳ.
Với việc phân cấp thẩm quyền từ thấp đến cao, Hệ thống tòa án liên bang Hoa Kỳ được chia ra làm 3 lớp: Tòa án sơ thẩm liên bang (hay còn gọi là Tòa án địa phương, Tòa án cấp quận), Tòa án phúc thẩm liên bang (còn gọi là Tòa án kháng cáo, Tòa án cấp khu vực) và trên cùng là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Có quyền đảo ngược hoặc hủy bỏ các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ nhưng Tòa án liên bang không ngẫu nhiên đưa các sắc lệnh này ra xem xét. Vậy điều kiện nào để cho Tòa án liên bang xem xét tính hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh nói trên? Đó chính là phải có đơn kiện. Giả sử sắc lệnh hành pháp của Tổng thống bị kiện, thì tất cả các đơn kiện liên quan đều phải được nộp cho Tòa án liên bang và cấp xét xử đầu tiên là Tòa án sơ thẩm.
Tại Hoa Kỳ, có 94 Tòa án sơ thẩm liên bang trên toàn lãnh thổ và có ít nhất một tòa án sơ thẩm liên bang đặt ở mỗi tiểu bang. Các thẩm phán của Tòa án sơ thẩm liên bang xét xử theo nguyên tắc cá nhân và có quyền vô hiệu hóa tạm thời các sắc lệnh của Tổng thống ngay khi có đơn kiện được gửi đến. Tại phiên tòa sơ thẩm, hai bên nguyên đơn và bị đơn có thể trình bày rõ luận điểm của mình trước khi thẩm phán đưa ra phán quyết và phán quyết này có hiệu lực tạm thời trên phạm vi toàn quốc. Nếu sắc lệnh của Tổng thống vẫn bị thẩm phán cấp quận xác nhận vô hiệu hóa thì phía đại diện Tổng thống có thể đệ đơn kháng cáo lên Tòa án phúc thẩm liên bang.
Có 12 Tòa án phúc thẩm liên bang được phân bổ trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ theo khu vực địa lý. Hội đồng xét xử ở cấp này bao gồm ba thẩm phán. Đối với sắc lệnh hành pháp của Tổng thống, thẩm phán Tòa án phúc thẩm liên bang có thể phê chuẩn hay không phê chuẩn phán quyết của Tòa án sơ thẩm. Khi đó, chu trình tố tụng tiếp theo lại diễn ra, hai bên nguyên đơn và bị đơn có thể kháng cáo lần cuối lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Là Tòa án liên bang cao nhất đồng thời là cấp phúc thẩm cuối cùng, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bao gồm 9 thẩm phán, có quyền xem xét lại tính hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh của Tổng thống. Phán quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Tối cao là phán quyết cuối cùng. Dù phán quyết này được đưa ra là sắc lệnh của Tổng thống phải bị vô hiệu hóa hay phải được thi hành thì cuộc kiện tụng, đối đầu vẫn phải khép lại.
Như vậy, mối quan hệ giữa các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ với Hệ thống Tòa án liên bang đã khắc họa rõ nét một phần của nguyên tắc tam quyền phân lập với cơ chế kìm chế đối trọng trong nền chính trị Hoa Kỳ. Có thể thấy rằng, nhờ cơ chế này mà quyền hành pháp của Tổng thống Mỹ được kiểm soát chặt chẽ hơn, hạn chế sự lạm quyền và mở rộng quyền một cách thái quá.
Đã có nhiều tiền lệ trong việc Tòa án ngăn chặn các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ
Trong diễn biến vụ Sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Donal Trump, hiện nay (tính đến ngày 20/02/2017) Tổng thống Trump và Chính phủ Mỹ đang là bị đơn và thua kiện liên tiếp tại 2 cấp Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ. Ông Trump cùng Chính phủ của mình còn cơ hội cuối cùng tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ sau khi đã đệ đơn kháng cáo. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ xảy ra xung đột pháp lý giữa Hệ thống tư pháp và các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống.
Năm 1952, trong bối cảnh chiến tranh Triều Tiên mà Hoa Kỳ đang tham chiến, lực lượng công nhân Hoa Kỳ đình công trên diện rộng, Tổng thống Harry Truman đã ban hành Sắc lệnh kiểm soát tiến đến tịch thu các nhà máy thép trên toàn nước Mỹ. Sắc lệnh này của Tổng thống Truman đã bị kiện bởi một công ty thép và Tòa án Tối cao Mỹ cuối cùng phán quyết rằng sắc lệnh do ông Truman đưa ra là vi hiến, yêu cầu ông Truman không được phép chiếm hữu tài sản tư nhân.
Sắc lệnh tiếp theo chịu số phận tương tự là của Tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1995 nhằm ngăn chính phủ ký hợp đồng với các công ty thuê người thay thế công nhân đình công. Sắc lệnh này mâu thuẫn với Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia nên cũng bị Tòa án liên bang hủy bỏ hiệu lực.
Tổng thống George Bush và Obama cũng không ít lần vấp phải cuộc chiến pháp lý với Tòa án liên bang vì các sắc lệnh hành pháp của mình. Nếu như George Bush bị phản đối gay gắt khi ban hành các sắc lệnh về chống khủng bố và cuộc chiến tại Irắc thì người kế nhiệm ông – Tổng thống Obama phải chịu thua quyết định của Tòa án liên bang khi chương trình “DAPA – chính sách hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp đã sống tại Mỹ từ năm 2010 và có con là công dân Mỹ hoặc người thường trú hợp pháp” của ông bị Tòa án Tối cao Mỹ ra lệnh chặn vào tháng 6/2016.
Như vậy, sắc lệnh nhập cảnh của Donal Trump không phải trường hợp cá biệt bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên trong vấn đề này, khác biệt giữa Donal Trump và các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm là gì? Trong khi các Tổng thống cũ của Hoa Kỳ ban hành các sắc lệnh hành pháp trên cơ sở pháp lý cẩn thận và chặt chẽ nhưng cũng không phải được tòa án chấp nhận tất cả, thì sắc lệnh nhập cảnh mới của Tổng thống Trump được truyền thông Mỹ mô tả là “không khôn khéo, lỏng lẻo và vượt quyền” kèm theo cảnh báo rằng “sự nguy hiểm của việc hành động quá nhanh mà không có sự chuẩn bị và thực thi quyền cẩn thận là tổng thống đang tạo nên lực lượng chính trị đối lập đáng gờm”.
Cố vấn an ninh quốc gia - cánh tay nối dài quyền lực của Tổng thống Mỹ
Hội đồng an ninh quốc gia (HĐANQG) – trung tâm quản lý các giải pháp an ninh của Tổng thống Mỹ, được thành lập vào năm 1947 nhưng phải đến năm 1953, vị trí điều hành cơ quan này mới xuất hiện – đó chính là Cố vấn an ninh quốc gia (CVANQG), còn gọi là Trợ lý Tổng thống trong các vấn đề an ninh quốc gia.
Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Quốc phòng và CVANQG chính là các thành viên trong HĐANQG. Tuy nhiên CVANQG lại đóng vai trò thân cận nhất với Tổng thống. Trong HĐANQG, Tổng thống giữ vị trí Chủ tịch còn CVANQG giữ vị trí điều hành. Nếu như HĐANQG được coi là cánh tay phải của Tổng thống phối hợp với các cơ quan chính phủ khác, thì cá nhân CVANQG lại là “cánh tay nối dài” quyền lực của Tổng thống Mỹ.
Theo đó, CVANQG là cố vấn cấp cao của Tổng thống, đóng vai trò tham mưu chủ lực cho Tổng thống trong các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia và cả chính sách đối ngoại.
Với vị trí đặc biệt thân cận như CVANQG, Tổng thống được toàn quyền bổ nhiệm mà không cần sự thông qua của Quốc hội. Chính vì lý do này mà vai trò và tầm ảnh hưởng của CVANQG không giống nhau ở mỗi đời Tổng thống Mỹ.
Không bị ràng buộc với bộ máy hành chính của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, CVANQG do đó có thể đưa ra những lời khuyên độc lập cho Tổng thống
Bên cạnh việc tham mưu cho Tổng thống, CVANQG còn thay mặt Tổng thống chủ trì các cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao.
Trong lúc có khủng hoảng, CVANQG điều hành phòng theo dõi tình hình, cập nhật cho Tổng thống các tin tức mới nhất về cuộc khủng hoảng.
Có thể thấy, CVANQG là một vị trí đặc biệt trong bộ máy hành pháp Hoa Kỳ, là quân sư, là người hỗ trợ đắc lực nhất cho Tổng thống Mỹ trong các vấn đề an ninh quốc gia.
Khi Cố vấn an ninh quốc gia từ chức
Với vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn của CVANQG trong việc điều hành HĐANQG và trợ giúp, tham mưu cho Tổng thống giải quyết các vấn đề quan trọng về an ninh quốc gia. Việc một CVANQG từ chức chắc chắn sẽ gây ra một “cú sốc” lớn đối với nền chính trị Hoa Kỳ và trước hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nội bộ HĐANQG Mỹ. Vừa phải chấn chỉnh hoạt động của Hội đồng, vừa phải gấp rút tìm người thay thế vị trí CVANQG cũ, đó là những việc làm không hề dễ đối với Tổng thống và Chính phủ Mỹ.
Tại Hoa Kỳ, khi xảy ra biến động nhân sự cấp cao, bất kỳ bộ máy Hội đồng an ninh quốc gia mới nào cũng phải trải qua một giai đoạn chấn chỉnh. Trước đây, Tổng thống Obama đã phải thay CVANQG đầu tiên của mình sau khi nhận thấy ông không phù hợp. Thời Tổng thống Bush cũng chứng kiến không ít xung đột giữa Phó tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng cùng Bộ trưởng Ngoại giao.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra dưới thời Tổng thống Trump lại hoàn toàn khác, việc từ chức quá sớm của ông MiChael Flynn là điều chưa từng có tiền lệ, diễn ra chỉ 3 tuần sau khi được bổ nhiệm. Nhiều chuyên gia đánh giá quyết định từ chức của Flynn có thể sẽ kéo theo bất ổn trong nội bộ HĐANQG.
Trong diễn biến mới nhất, truyền thông Mỹ đưa tin rằng ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố lựa chọn Tướng về hưu H.R McMaster làm Cố vấn An ninh Quốc gia mới của nước này để thay thế cho ông Michael Flynn và Phó CVANQG Mỹ cho hay những cuộc họp gần đây của HĐANQG đã chặt chẽ, nhanh gọn và dứt khoát hơn trước nhưng không thể phủ nhận các quan chức trong HĐANQG đang rơi vào trạng thái căng thẳng hơn bao giờ hết.
Lan Hương
Link nội dung: https://phaply.net.vn/he-lo-buc-tranh-song-dong-ve-nen-hanh-phap-va-tu-phap-hoa-ky-thong-qua-hai-khia-canh-a162269.html