Nghịch lý cuộc chiến chống nạn 'kim cương máu' ở châu Phi

Hàng nghìn dân thường ở các quốc gia châu Phi như Sierra Leone bị biến thành nô lệ khai thác "kim cương máu", trong khi biện pháp ngăn chặn vấn nạn này đi ngược tôn chỉ ban đầu.

Cách đây ít ngày, một mục sư tìm thấy viên kim cương 706 carat tại vùng Kono ở phía đông Sierra Leone. Quốc gia nghèo ở Tây Phi là tâm điểm của nạn "kim cương máu" từng dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài cả thập kỷ.

Những viên kim cương thường ở dạng "thô", nghĩa là chúng vừa mới được khai thác và chưa trải qua cắt giũa. Vào thời kỳ đỉnh cao của nội chiến Sierra Leone (1991 - 2002), ước tính lượng "kim cương máu" chiếm khoảng 4% sản lượng kim cương của thế giới.

Các nhóm nổi dậy tại Sierra Leone đổi kim cương lấy vũ khí, từ đó dẫn đến những cuộc tranh giành ác liệt. Cuộc xung đột này từng được khắc họa trong bộ phim "Kim cương máu" (Blood Diamond) với sự góp mặt của tài tử Leonardo DiCaprio.

Ai là nạn nhân của 'kim cương máu'?

Liên Hợp Quốc định nghĩa "kim cương máu" là "kim cương có nguồn gốc từ các khu vực bị kiểm soát bởi các lực lượng hoặc phe phái phản đối các chính phủ hợp pháp và được quốc tế thừa nhận, đồng thời được sử dụng để nuôi dưỡng hoạt động quân sự chống lại các chính phủ đó hoặc để đối nghịch với các quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ".

Theo định nghĩa này, kim cương được khai thác trong các cuộc nội chiến gần đây tại Angola, Bờ Biển Ngà, Sierra Leone và một số quốc gia khác ở châu Phi được gọi là "kim cương máu".

 Công nhân khai thác kim cương tại một mỏ do nhà nước kiểm soát ở Sierra Leone năm 2001. Ảnh: Getty.
Công nhân khai thác kim cương tại một mỏ do nhà nước kiểm soát ở Sierra Leone năm 2001. Ảnh: Getty.)

Năm 2012, tòa quốc tế ở The Hague, Hà Lan, tuyên cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor 50 năm tù vì các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Ông bị cáo buộc trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy trong cuộc nội chiến tại nước láng giềng Sierra Leone để đổi lấy những viên kim cương thô giấu trong những chiếc bình mayonnaise rỗng.

Trong phiên tòa, siêu mẫu người Anh Naomi Campbell được triệu tập làm nhân chứng. Cô trình bày trước tòa rằng cô đã được hai người đàn ông tặng “những viên đá bẩn” sau một bữa tiệc hồi năm 1997.

Công tố viên cho rằng các viên đá là "kim cương máu", một món quà cá nhân từ ông Taylor. Lời tuyên bố đó mâu thuẫn với lời khai của cựu tổng thống Liberia rằng ông không hề liên quan đến những viên đá quý dùng để tài trợ xung đột.

Cuộc nội chiến tại Sierra Leone gây ra cái chết của khoảng 50.000 người. Ngoài những người vô tội bị cuốn vào các xung đột được duy trì nhờ việc buôn bán "kim cương máu", hàng nghìn nam giới, phụ nữ và trẻ em ở các nước như Sierra Leone bị biến thành nô lệ để tìm kiếm kim cương.

Họ thường bị buộc phải sử dụng các phương pháp thô sơ, nặng nhọc như đào bùn hoặc sỏi dọc bờ sông bằng tay không. Các vật liệu thu được sau đó được lọc ra bằng sàng cầm tay.

Thế giới làm gì để ngăn chặn?

Tháng 5/2000, các quốc gia sản xuất kim cương khu vực phía nam của châu Phi họp mặt tại Kimberley, Nam Phi để thảo luận cách ngăn chặn việc mua bán kim cương làm phát sinh xung đột và đảm bảo rằng ngành thương mại kim cương sẽ không tài trợ cho bạo lực.

Họ lập ra Quy trình Kimberley. Các thành viên phải xác nhận rằng tất cả kim cương thô xuất khẩu được sản xuất thông qua các hoạt động khai thác và buôn bán hợp pháp và "không xung đột".

Mỗi lô hàng đều có giấy chứng nhận chi tiết nguồn gốc kim cương, cách chúng được khai thác, nơi chúng được cắt và đánh bóng, các bên liên quan và điểm đến cuối cùng của chúng. Nguyên tắc là các thành viên của Quy trình Kimberley không thể giao dịch với người ngoài.

Theo chuyên gia Amy Barry từ tổ chức Global Witness (Nhân chứng Toàn cầu), Quy trình Kimberley vẫn chưa thể hiện được khả năng ngăn chặn thương mại do thiếu ý chí chính trị giữa các quốc gia thành viên.

"Ví dụ, Zimbabwe là một trường hợp thử nghiệm đối với Quy trình Kimberley," cô Barry nói với CNN vào năm 2010, cáo buộc rằng chế độ của Tổng thống Robert Mugabe đã được lợi từ việc bán kim cương máu mặc dù nước này là thành viên của Quy trình Kimberley.

 Hoạt động khai thác tại mỏ kim cương Marange, Zimbabwe. Ảnh: CNN.
Hoạt động khai thác tại mỏ kim cương Marange, Zimbabwe. Ảnh: CNN.)

Cô cho biết các mỏ kim cương Marange khổng lồ ở miền đông Zimbabwe được vận hành bởi các tập đoàn quân đội thường đánh đập hoặc giết các thợ mỏ không khai thác cho họ hoặc không trả tiền hối lộ. Bạo động cực đoan do quân đội gây ra bao gồm cả những vụ giết người hàng loạt bằng súng máy trực thăng, khiến hàng trăm thợ mỏ tử vong.

Thế nhưng, trong khi chỉ có một hoặc hai quốc gia thành viên có thể phủ quyết bất kỳ hành động trừng phạt nào đối với việc lạm dụng hoặc vi phạm Quy trình Kimberley, vẫn không có hành động quyết định nào được thi hành với Zimbabwe.

"Việc ra quyết định đồng thuận này có nghĩa là những quyết định khó khăn sẽ không được thực hiện", Barry nói. "Một số quốc gia đang đặt lợi ích kinh tế và chính trị lên trước việc bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của kế hoạch".

Nghịch lý Kimberley: Ngăn chặn hay cho phép?

Bên cạnh đó, bản thân Quy trình Kimberley cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề khiến các quốc gia thành viên bất mãn. Theo Quy trình Kimberly, nếu một viên kim cương không dùng để duy trì nội chiến, nó không phải là kim cương xung đột.

Định nghĩa hạn hẹp này cho thấy một viên kim cương có liên quan đến việc giết chóc, đánh đập, cưỡng bức và tra tấn bởi quân đội vẫn có thể đạt chuẩn. Thậm chí những viên kim cương này có thể được sản xuất nhờ sức lao động trẻ em, thợ mỏ với thù lao rẻ mạt hay phá hoại môi trường nơi nó được khai thác.

Bằng việc cung cấp chứng nhận cho các viên kim cương được khai thác vô đạo đức, Quy trình Kimberley che chắn cho các kẻ lạm dụng nhân quyền. Chuyên gia trong ngành, Martin Rapaport nhận xét: “Thay vì xóa bỏ kim cương máu, Quy trình Kimberley đã trở thành quy trình hợp pháp và hợp thức hóa cho kim cương máu".

Cuối 2011, một nhóm môi trường quốc tế lớn đã rút khỏi Quy trình Kimberley. Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu cho biết hệ thống này đã từ chối "phát triển và giải quyết mối liên hệ rõ ràng giữa kim cương, bạo lực và chuyên chế".

“Chúng tôi không ra quyết định một cách hời hợt, mà là chúng tôi cảm thấy đã đến thời điểm mà nếu chúng tôi tiếp tục tham gia,chúng tôi sẽ vô tình cho phép hợp pháp hóa một kế hoạch lừa dối người trong ngành kim cương", ông Mike Davids, đại diện của tổ chức Nhân chứng Toàn cầu, cho biết.

Bên cạnh đó, hệ thống chứng nhận Quy trình Kimberley không yêu cầu nhà cung cấp có khả năng dò ngược về mỏ gốc của từng viên kim cương. Chính vì điều này, các chính phủ đã giao cho Quy trình Kimberley những viên kim cương không rõ nguồn gốc, khiến việc buôn lậu kim cương xung đột vào quy trình chứng nhận trở nên dễ dàng.

“Chính phủ Congo không biết nguồn gốc của 40% kim cương trong nước” theo Ian Smillie, một người ủng hộ hàng đầu trong việc khai thác kim cương có đạo đức. “Chúng có thể đến từ Angola, hay Zimbabwe hay thậm chí là Sao Hỏa".

Theo Zing

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nghich-ly-cuoc-chien-chong-nan-kim-cuong-mau-o-chau-phi-a162265.html