Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga: Luật Phòng, chống tham nhũng mở ra, Luật Tố cáo lại bó hẹp

"Trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng mở ra, thì Luật Tố cáo (sửa đổi) lại bó hẹp lại - điều này cần được xem xét để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ giữa hai luật", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn nêu quan điểm.

Ngay sau khai mạc, sáng nay (14/3), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật tố cáo (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tố cáo nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập như Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tố cáo nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến khác tán thành với quan điểm cần sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tố cáo để giải quyết những bất cập, hạn chế hiện nay, đi cùng với đó tên gọi của dự thảo sẽ là Luật Tố cáo (sửa đổi), chứ không như trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo. Dự thảo có số lượng điều khoản sửa đổi, bổ sung khá lớn: Luật hiện hành có 50 điều, nay sửa đổi 36 điều, bổ sung 14 điều mới, giữ lại 14 điều.

Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Hình thức tố cáo được nhiều ý kiến góp ý tại phiên thảo luận. Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm hình thức tố cáo khác như tố cáo qua fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử... để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Đây là các hình thức thông tin thông dụng, tiện lợi, phổ biến hiện nay. Tuy nhiên một số ý kiến khác cho rằng dự thảo Luật chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo như quy định của Luật tố cáo năm 2011 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Việc quy định này nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

 

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga)

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, Luật của Quốc hội phải bảo đảm tính thống nhất. Hiện nay, Tờ trình của Chính phủ mới thể hiện hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”. Trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng mở ra, thì Luật Tố cáo (sửa đổi) lại bó hẹp lại - điều này cần được xem xét để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ giữa hai luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn. Mặt khác, việc tố cáo qua hình thức này có địa chỉ, có nội dung, muốn giải quyết được thì cần qua thủ tục tiếp nhận, xác minh. Do vậy, phải cân nhắc để các quy định của Luật Tố cáo (sửa đổi) không làm “vô hiệu hóa” các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Còn trong trường hợp không công nhận thì phải lý giải rõ vì sao cùng là Luật do Quốc hội ban hành mà luật này quy định, luật kia lại không công nhận, bà Nga nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là dự luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, do vậy, luật cần cụ thể chặt chẽ. Đặc biệt, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định về các hình thức tố cáo qua điện thoại, mạng điện tử…, trong khi chúng ta đang hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử. Do vậy, nếu sửa đổi Luật Tố cáo lần này không mở ra hình thức tố cáo nêu trên thì không bảo đảm đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, nếu bổ sung những hình thức tố cáo này cũng phải quy định chặt chẽ, đúng luật; việc gửi tin nhắn, email phải đúng người, đúng cơ quan, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác với quan điểm này. Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu mở rộng hình thức tố cáo bằng điện thoại, tin nhắn thì quá rộng, khó xử lý, không đủ nhân lực để thực hiện, nên xem xét tố cáo có địa chỉ cụ thể, nên tập trung vào xem xét tố cáo “có danh”...

Quy định rõ hơn về việc bảo vệ người tố cáo

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quan tâm tới việc bảo vệ người tố cáo. Dự thảo đã có các quy định về bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong quá trình tiếp nhận giải quyết tố cáo; trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 42, Điều 43); bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo (từ Điều 44 đến Điều 46); bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo trong trường hợp họ là cán bộ, công chức, viên chức và trong trường hợp họ là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức (Điều 47, Điều 48).

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nội dung này trong dự thảo Luật còn chung chung; chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ; chưa quy định về các biện pháp bảo vệ, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ...

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ các nội dung này để đảm bảo tính khả thi...

Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03/7/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội) và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật du lịch (sửa đổi).

Theo Congly.vn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chu-nhiem-ub-tu-phap-le-thi-nga-luat-phong-chong-tham-nhung-mo-ra-luat-to-cao-lai-bo-hep-a162042.html