Vì sao tòa án Hàn Quốc đồng thuận phế truất tổng thống Park?

Sự đồng thuận của cả 8 thẩm phán trong phán quyết buộc tội tổng thống được cho là xuất phát từ áp lực quá lớn từ công chúng Hàn Quốc.

Hết biểu tình, người Hàn mở nhạc hội mừng tổng thống bị phế truất Tối 10/3 tại Seoul, nhiều người tụ tập ca hát để mừng sự kiện Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất. Phóng viên Zing.vn ghi lại hình ảnh từ thủ đô của Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc Park Geun-hye đã trở thành tổng thống đầu tiên của nước này bị phế truất sau khi một ủy ban các thẩm phán hôm 10/3 đã tán thành quyết định cách chức bà.

Phán quyết này được truyền hình trực tiếp từ phòng xử án chính của Toà án Hiến pháp, cơ quan độc lập chuyên trách về các vấn đề của hiến pháp. Họ đã chấp thuận quyết định buộc tội được quốc hội thông qua cuối năm ngoái. Điều này có nghĩa là bà Park bị bãi nhiệm ngay lập tức.

"Bà ấy sẽ rời văn phòng trong ô nhục, đây là khoảnh khắc lịch sử chưa từng có trong lịch sử của nền dân chủ Hàn Quốc", ông Stephen Noerper, Phó chủ tịch Hiệp hội Triều Tiên, một tổ chức phi lợi nhuận tại New York, cho biết.

Tất cả 8 thẩm phán của tòa án đã biểu quyết tán thành quyết định buộc tội trong khi việc thông qua chỉ cần sự chấp thuận của ít nhất 6 thẩm phán.

"Sự đồng thuận này có thể là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ. Vì hầu hết thẩm phán được bà Park hoặc Tổng thống tiền nhiệm Lee Myung-bak lựa chọn, sự nhất trí của các thẩm phán có nghĩa họ không thể bị buộc tội hành động vì lợi ích chính trị", ông Justin Hastings, giảng viên cao cấp của Đại học Sydney, trả lời trên CNBC.

Áp lực từ công chúng

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc gần đây nhất bị luận tội là Tổng thống Roh Moo-hyun vào năm 2004, nhưng Toà án Hiến pháp đã bác bỏ quyết định này.

Không giống như trường hợp của ông Roh, dư luận đóng một vai trò quan trọng trong việc bãi nhiệm của bà Park.

Cuộc thăm dò của Gallup Korea tiến hành vào tuần trước cho thấy 77% số người trả lời ủng hộ việc buộc tội. Theo các chiến lược gia, điều này đã đặt gánh nặng lên Tòa án buộc họ phải đáp ứng nguyện vọng của công chúng.

Những người ủng hộ và phản đối nữ tổng thống đã tụ tập trong nhiều tháng trên đường phố Seoul. Ảnh: Reuters.
Những người ủng hộ và phản đối nữ tổng thống đã tụ tập trong nhiều tháng trên đường phố Seoul. Ảnh: Reuters.)

Kể từ khi tin tức về vụ bê bối nổi lên vào tháng 10/2016, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình trên đường phố do người dân yêu cầu bà Park phải từ chức.

Sean King, phó chủ tịch cao cấp của công ty tư vấn chiến lược Park Strategies, nói rằng không giống các trường hợp trước, lần này các thẩm phán được yêu cầu tiết lộ phiếu bầu của họ. Điều đó đã làm tăng áp lực lên mỗi thẩm phán.

Theo Yonhap, 8 thẩm phán của tòa án đã xem xét vụ việc gần như mỗi ngày kể từ phiên xử cuối cùng vào ngày 27/2. Một số nhà phân tích đã cảnh báo về bất ổn xã hội kéo dài nếu quyết định của quốc hội bị bác bỏ.

"Các thẩm phán bác bỏ phán quyết sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt và sự phẫn nộ của công chúng, và họ biết điều đó", Scott Seaman, Giám đốc châu Á của công ty tư vấn Eurasia, nhận định.

Thời điểm thay đổi

Nhiều người Hàn Quốc cảm thấy thất vọng với giới lãnh đạo sau những tai tiếng của chính phủ trong những năm qua.

Năm 2015, ông trùm ngành xây dựng Sung Wan-jong đã tự tử và để lại một ghi chép tiết lộ một số chính trị gia tham nhũng trong đảng cầm quyền Saenuri của tổng thống, trong đó có cựu Thủ tướng Lee Wan-koo và cựu Thủ tướng Lee Byung-kee.

Hàn Quốc xếp thứ 52 trong số 176 quốc gia về chỉ số tham nhũng năm 2016 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). Tổ chức này cũng cảnh báo sự móc ngoặc của chính phủ và doanh nghiệp vẫn tiếp tục là vấn đề bức xúc.

Giờ đây, người dân hy vọng việc buộc tội của bà Park sẽ mở đường cho một chính quyền minh bạch hơn trong tương lai và áp dụng những luật lệ nghiêm khắc hơn để chấm dứt sự thông đồng giữa chính phủ và doanh nghiệp.

Khi đất nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử, người Hàn Quốc cũng kỳ vọng chính quyền sắp tới sẽ thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Thị trường lao động sẽ được nới lỏng để giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, điều đã bị cản trở trong suốt những tháng bất ổn chính trị vừa qua.

"Chỉ có sự ủy thác từ người dân Hàn Quốc và sức mạnh của chính quyền mới được trao quyền để thực hiện ý muốn của mọi người mới có thể giúp Hàn Quốc vượt qua những vấn đề hiện tại", Scott Snyder, chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết.

Rủi ro chính trị

Phán quyết buộc tội hôm 10/3 là một cột mốc quan trọng đối với chính trị Hàn Quốc. Tuy nhiên, phán quyết này có thể mang lại sự mất ổn định nhãn tiền, đặc biệt là vào thời điểm rủi ro về địa chính trị khu vực.

"Hàn Quốc bước vào khoảng trống chính trị vào đúng thời điểm căng thẳng với Triều Tiên leo thang lên thành khủng hoảng và quan hệ với Trung Quốc đang trở nên gay gắt", ông Rajiv Biswas, kinh tế gia trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại IHS Markit, bình luận trên CNBC.

"Phán quyết buộc tội đã dọn đường cho thế hệ lãnh đạo mới nhưng chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong tương lai dưới thời tổng thống kế nhiệm có thể sẽ trở nên mơ hồ", Biswas nói.

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-toa-an-han-quoc-dong-thuan-phe-truat-tong-thong-park-a161921.html