Chiếm 1/3 thị phần nguồn vốn của ngành Ngân hàng đầu tư cho khu vực Tây Nguyên, 87% nguồn vốn tại khu vực này được Agribank dành đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tính đến 31/12/2016, dư nợ cho vay đối với cây cà phê đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Riêng cho vay tái canh cà phê, đến 31/12/2016, Agribank đã cho vay khu vực này đạt 746 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015.
Dòng vốn Ngân hàng đưa chính sách tái canh cà phê vào cuộc sống
Được coi là thủ phủ của cây cà phê, cao su, hồ tiêu… nhưng đến nay, những thế mạnh này vẫn chưa thật sự được tận dụng hết để đưa Tây Nguyên phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế vùng, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh cung ứng vốn vào khu vực này với tốc độ tăng trưởng cao hơn so mức bình quân của cả nước.
Có thể nói, từ nhiều năm nay, nguồn vốn Ngân hàng đang tập trung và tạo ra nhiều chuyển biến cho kinh tế khu vực Tây Nguyên. Liên tiếp những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên nhằm kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư tới vùng đất này. Và cũng trong nhiều năm, Hội nghị luôn có sự tham gia, đồng hành của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Thông qua đó, nguồn tín dụng từ hệ thống Ngân hàng cũng được chuyển tải mạnh mẽ hơn tới các doanh nghiệp, dự án đầu tư, phát triển vùng.
[caption id="attachment_161839" align="aligncenter" width="567"]
Dư nợ cho vay đối với cây cà phê của Agribank đạt 13.397 tỷ đồng,
chiếm 30% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn[/caption]
Cụ thể số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2016, tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Nguyên, ngành Ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn với số tiền gần 44.000 tỷ đồng để thực hiện 53 dự án đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh của vùng như: cà phê, cao su, giao thông, thủy điện… góp phần quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.
Vừa qua, tại buổi họp báo về việc tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, đồng bào dân tộc thiểu số... có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực như: phát triển các loại hình cây công nghiệp ngắn ngày (cà phê, cao su, hồ tiêu...), phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 120.605 tỷ đồng, tăng 24% so với 31/12/2015, cao hơn mức tăng trưởng huy động toàn nền kinh tế (17,85%). Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2015, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn quốc (18,39%).
Ngành Ngân hàng rất quan tâm đầu tư nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, điển hình như chương trình cho vay đối với cây cà phê. Đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên đạt trên 45.000 tỷ đồng, chiếm 92,4% dư nợ cho vay đối với ngành cà phê toàn quốc và tăng 13,53% so với 31/12/2015. Về chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3227/NHNN-TD, ngày 11/5/2015 chỉ đạo Agribank triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 với diện tích tái canh khoảng 120.000 ha. Ngân hàng Nhà nước dành khoảng 12.000 - 15.000 tỷ đồng tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với Agribank.
[caption id="attachment_161837" align="aligncenter" width="519"]
Sự vào cuộc tích cực của Agribank, chính sách cho vay
tái canh cà phê đã đi vào cuộc sống[/caption]
Nhìn lại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013, trước thực trạng báo động về diện tích cà phê già cỗi của khu vực, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra gói tín dụng tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên; sáng kiến này tăng thêm sức nặng khi Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, xây dựng phương án cho vay tái canh cây cà phê theo hướng có thể triển khai ngay tại từng tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê thông qua Agribank. Để rồi chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 ra đời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1685/VPCP-KTTH, ngày 12/3/2015.
Đã gần 2 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về cho vay tái canh cây cà phê, với sự chỉ đạo sát sao của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của Agribank, chính sách cho vay tái canh cà phê đã đi vào cuộc sống len đến từng buôn làng xa xôi, giúp các hộ dân tái canh cây cà phê, đảm bảo sinh kế lâu bền.
Cần sự vào cuộc đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc
Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, với các chính sách của ngành Ngân hàng đang đồng hành cùng Đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, qua đó, giúp Việt Nam không chỉ giữ vững vị thế xuất khẩu cà phê số 1 thế giới mà còn nâng cao giá trị gia tăng, hỗ trợ người dân Tây Nguyên xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hàng hoá.
Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát tại địa bàn Tây Nguyên cho thấy việc triển khai tín dụng cho tái canh 120.000 ha cà phê theo quy hoạch vẫn còn gặp khó khăn. Bởi dù cà phê là cây công nghiệp có lợi thế của khu vực, nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với việc tái canh thay thế vườn cà phê già cỗi mà có xu hướng chặt bỏ cà phê để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như hồ tiêu, bơ, sầu riêng… Mặt khác, do việc tái canh toàn bộ vườn cà phê sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hiện tại của người dân cũng như phải đầu tư thêm chi phí, nên nhiều hộ dân lựa chọn phương pháp chỉ chặt bỏ cây cà phê già cỗi để trồng lại. Bên cạnh đó, giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao nhưng khi xác định giá thế chấp thì tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hằng năm, dẫn đến hệ luỵ là người nông dân không thể huy động được nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện tái canh. Ngoài ra có các nguyên nhân khác như: tâm lý người dân không thích việc nhận vốn giải ngân từng lần thực hiện tiến độ dự án đúng theo quy trình tái canh được ban hành mà muốn giải ngân một lần; hầu hết các hộ dân có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều đang có dư nợ và thế chấp tài sản bằng vườn cây cà phê tại ngân hàng, chưa có khả năng trả hết nợ cũ để thực hiện vay gói tái canh; cung cấp hóa đơn chứng từ đối với hộ nông dân cũng là một khó khăn lớn vì hầu hết hộ nông dân giao dịch mua bán tại các đại lý quen đều không lấy hóa đơn; một số hộ vay vốn tái canh cà phê nhưng cây cà phê đã trồng mới được một đến hai năm, điều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xác định hộ này có tái canh cà phê theo đúng quy trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay không và nếu hộ vay này tái canh đúng theo quy trình thì ngân hàng có được cho vay và giải ngân từ nguồn vốn cho vay tái canh cà phê hay không; các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không có khả năng tài chính hoặc tài sản không đáp ứng được đủ các điều kiện vay vốn, khó triển khai thực hiện tái canh…
Các doanh nghiệp có nhu cầu tái canh cà phê rất lớn nhưng khó tiếp cận nhu cầu vốn vay do vốn tự có đối với các doanh nghiệp nhà nước thấp, không đủ tham gia thực hiện dự án theo quy định. Các công ty cà phê vay vốn để trả lại phần tiền cho các hộ nông trường viên liên kết đã thực hiện tái canh cà phê thì không được hưởng chính sách cho vay tái canh cà phê (chỉ được áp dụng đối tượng cho vay bù đắp tài chính) nên không thể triển khai. Khó khăn khác liên quan đến việc tài sản bảo đảm chưa được cấp quyền sở hữu...
Ngoài ra, quy trình tái canh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn những bất cập, chưa sát với thực tế, như vướng mắc về thời gian luân canh, về phân tích mầm bệnh, tuyến trùng trong đất và quy định về giống cây cà phê. Việc xác định diện tích tái canh cà phê, diện tích xen ghép cải tạo; xác định diện tích tái canh ở các mức độ khác nhau (diện tích không phải luân canh, luân canh 1 năm, 2 năm) để lập cơ sở dữ liệu cho tái canh còn lúng túng ở các địa phương…
[caption id="attachment_161838" align="aligncenter" width="593"] Để giữ vững vị thế xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, cần sự tham gia
đồng bộ để giải quyết những nút thắt vướng mắc[/caption]
Vì vậy, để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả sự vào cuộc của ngành Ngân hàng chưa đủ nếu thiếu sự hỗ trợ của địa phương cũng như các ngành các cấp trong việc hỗ trợ người dân các sinh kế ngắn hạn tạo nguồn thu trong giai đoạn tái canh cà phê. Thêm vào đó, trong bối cảnh tình hình hạn hán tại Tây Nguyên rất nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần cân nhắc đưa nội dung cho vay đầu tư tưới nước tiết kiệm khi sửa đổi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2017 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 3 này, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tại khu vực này, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện gói tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực này và các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn đặc biệt khó khăn như Tây Nguyên sẽ được đặc biệt ưu tiên xem xét hỗ trợ. Các dự án hỗ trợ tín dụng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ được xem xét hỗ trợ từ gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay nông nghiêp sạch, sản xuất thực phẩm sạch của Agribank và gói hỗ trợ 10 nghìn tỷ đồng của LienVietPostBank với chính sách ưu đãi giảm 0,5-1% lãi suất cho vay và với điều kiện cũng như thời hạn tín dụng rất cởi mở. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉnh sửa cơ chế chính sách cả về hỗ trợ vốn cũng như cơ chế chính sách phê duyệt dự án theo loại hình này nhanh và gọn hơn, cùng chính sách tích tụ ruộng đất theo chủ trương của Chính phủ để tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, ngành Ngân hàng đang tích cực trong việc điều chuyển nguồn vốn cho khu vực Tây Nguyên khi huy động tại chỗ chỉ đáp ứng chưa đầy 50% nhu cầu tín dụng. Các doanh cũng cần phải gia tăng tính chủ động hơn nữa về nguồn vốn. Về phía ngành Ngân hàng, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các tổ chức tín dụng cởi mở, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn được nhanh hơn, gia tăng thêm sức cạnh tranh góp phần đưa cà phê thực sự trở thành một đòn bẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên trong dài hạn - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Chánh - Giám đốc Agribank chi nhánh Đắk Lắk cho biết, chi nhánh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay tái canh cà phê. Nhất là với các hộ dân, việc giải ngân chỉ trong ngày. Dư nợ cho vay tái canh cà phê của chi nhánh đã đạt 54 tỷ đồng với 555 ha cà phê trên tổng cam kết giải ngân 800 ha.
Những nỗ lực của từng người dân và doanh nghiệp cùng ngành Ngân hàng đã và đang ươm mầm 10.436 ha cà phê tái canh (tăng 1.928 ha so với cuối năm 2015) với 5.716 khách hàng đã được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi, dư nợ cho vay là 738,2 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015. Agribank đã cam kết cho vay tái canh cà phê tại khu vực Tây Nguyên với số tiền đạt 1.086 tỷ đồng.
Theo Agribank
Link nội dung: https://phaply.net.vn/cho-vay-nganh-ca-phe-tai-tay-nguyen-agribank-chiem-30-tong-du-no-a161836.html