Lỗ hổng pháp luật

(Pháp lý) - Thời gian qua, cụm từ “lỗ hổng pháp luật” xuất hiện với tần suất cao theo diễn biến thời sự xung quanh những vụ việc thu hút sự quan tâm của cả xã hội như khối tài sản lớn của gia đình Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa hay vụ kiểm tra 9 địa phương bị chỉ trích vì “cả họ làm quan” hay trước đó là những vụ xử lý một số cá nhân có sai phạm ở Bộ Công thương...

[caption id="attachment_161579" align="aligncenter" width="532"]“Lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho kinh tế, xã hội (ảnh minh họa) “Lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho kinh tế, xã hội (ảnh minh họa)[/caption]

Hậu quả nghiêm trọng từ những “lỗ hổng” pháp luật

“Lỗ hổng” được hiểu như một khoảng trống không mong muốn ở chỗ cần phải kín, “lỗ hổng pháp luật” là những khoảng trống pháp luật, dẫn đến tình trạng có những quan hệ pháp luật, những sự kiện pháp lý không có đủ qui định của pháp luật để điều chỉnh. Đây là một thực tế diễn ra từ lâu, được nhận diện từ lâu nhưng chưa khắc phục được. Mỗi khi có một “sự cố” xảy ra mà các cơ quan pháp luật lúng túng, thậm chí thúc thủ để mặc cho hậu quả xảy ra thì nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra lại là “lỗ hổng pháp luật”.

Vụ cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn để tránh bị xử lý gây xôn xao dư luận nhưng rồi sau đó đến Vũ Đình Duy - Tổng Giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex) cũng diễn biến tương tự... cho thấy pháp luật dường như “đi sau” họ, chưa thể cấm họ xuất cảnh dù họ có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến họ tẩu thoát trước khi bị xử lý.

Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh có nhiều sai phạm vẫn được luân chuyển, được bổ nhiệm, được khen thưởng cho thấy lỗ hổng về những qui định trong công tác cán bộ hiện nay. Mới đây, Bộ Nội vụ kiểm tra tại 9 địa phương, cụ thể là tỉnh Bình Định; tỉnh Yên Bái; tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An); huyện A Lưới, (Thừa Thiên Huế); huyện Phong Điền (Cần Thơ); huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk); Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Trung tâm Pháp y (Sở Y tế Đà Nẵng) thấy có 58 người nhà được bổ nhiệm, trong đó có nhiều chức vụ quan trọng, với 18 người có quan hệ ruột thịt, số người quan hệ họ hàng là 22 người. Cơ quan Thanh tra phát hiện nhiều trường hợp tại thời điểm bổ nhiệm còn thiếu một số tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước, lý luận chính trị.

[caption id="attachment_161580" align="aligncenter" width="658"]Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh[/caption]

Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy có trường hợp nào sai phạm đến mức kỷ luật, dường như đều đúng qui trình, trừ một vài thiếu sót được chỉ ra. Như vậy cũng chưa có cách nào bịt hết lỗ hổng pháp luật để ngăn chặn tình trạng “cả nhà làm quan”.

Trường hợp nổi cộm nhất hiện nay, nhiều ngày qua báo chí đưa tin là khối tài sản quá lớn của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Cho đến nay, gia đình bà Thoa có 5 thành viên nắm giữ 34% cổ phần ở Công ty Bóng đèn Điện Quang, với giá cổ phiếu ngày 16/2 là 58.400 đồng/ cổ phiếu, thì trị giá cổ phiếu mà gia đình bà Thoa nắm giữ ước khoảng 670 tỷ đồng. Sau khi báo chí đưa tin về tài sản của gia đình vị Thứ trưởng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với các bên liên quan kiểm tra, thanh tra làm rõ.

Trường hợp này có thể xảy ra tranh cãi về nguồn gốc tài sản, bà Thoa và gia đình có thể có thu nhập chính đáng từ giá trị cổ phiếu nhưng số tiền mua cổ phiếu từ đâu ra, nếu nhìn vào thu nhập chính thức thì không dễ giải thích. Tuy thế, dù bà Thoa không giải thích được nguồn gốc hợp pháp của tài sản thì cũng không có nghĩa là những tài sản đó là bất hợp pháp. Thực tế một số quan chức hiện nay có rất nhiều tài sản, nhưng có mấy ai buộc phải giải thích, chứng minh thu nhập. Đó cũng là một lỗ hổng pháp luật khá lớn, khiến cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Những lỗ hổng pháp luật đó để lại hậu quả nặng nề, thậm chí rất nghiêm trọng làm giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, gây thất thoát tài sản công, gây suy kiệt lòng tin của nhân dân vào pháp luật.

Trở lại khối tài sản của gia đình bà Thứ trưởng Bộ Công Thương, dù có giải thích cách nào thì người dân cũng hiểu rằng không cương vị lãnh đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty rồi lên Thứ trưởng Bộ Công Thương thì bà Thoa và thân nhân khó có khối tài sản khổng lồ đó. Thực tế cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước những năm qua đã bộc lộ những lỗ hổng pháp luật làm thất thoát những tài sản lớn, từ tài sản công chảy vào túi tư nhân gần như công khai.

Chiêu thức thường xảy ra và được phanh phui trong các vụ cổ phần hóa tai tiếng là định giá thấp giá trị còn lại của tài sản, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất. Bí quyết của họ chỉ là mập mờ, thiếu minh bạch, nhằm mục đích không công khai định giá tài sản, không công khai đối tượng mua cổ phần để một số đối tượng nắm giữ thông tin đứng ra dàn cảnh mua bán với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều.

Chuyên gia Ngô Trí Long dẫn ngay trường hợp “có vấn đề” là Công ty Cổ phần Điện Quang và cho rằng, việc “thả” cho doanh nghiệp thua lỗ triền miên trước khi cổ phần hóa là thủ đoạn để hạ giá tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Chả thế, cũng vẫn những lãnh đạo đó, thị trường đó mà sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp đột nhiên có lợi nhuận cao.

Với cái cách đơn giản nhưng cũng rất tinh vi như thế, không biết bao nhiêu tài sản công đã thất thoát trong suốt hành trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước những năm qua?

Biện pháp nào?

Phát hiện ra “lỗ hổng” thì phải bịt những “lỗ hổng” đó, ví dụ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình mua bán cổ phần, có sự tham gia của các tổ chức tư vấn độc lập, chuyên gia độc lập và tăng cường thanh tra, kiểm toán, đặc biệt phải siết chặt khâu định giá, tính giá đất.

Trong công tác cán bộ, phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn; tiếp thu tinh hoa trong lịch sử đất nước (ví dụ chế định hồi tỵ); tiếp thu kinh nghiệm tổ chức từ các nước phát triển để hoàn chỉnh pháp luật về bổ nhiệm, thuyên chuyển, thăng giáng cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó là có cơ chế kịp thời, nhanh chóng phát hiện lỗ hổng pháp luật để bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những lỗ hổng mới phát hiện để hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra. Trong đó, phải giải quyết những xung đột pháp luật là một trong những nguyên nhân gây ra các lỗ hổng.

[caption id="attachment_161581" align="aligncenter" width="696"]Quang cảnh buổi họp báo tại Bộ Nội vụ công khai 9 địa phương, đơn vị có “cả họ làm quan” Quang cảnh buổi họp báo tại Bộ Nội vụ công khai 9 địa phương, đơn vị có “cả họ làm quan”[/caption]

Kinh tế thị trường vận hành theo qui luật cung cầu, khiến nhiều quan hệ mới phát sinh nhưng hệ thống pháp luật có những qui định lỗi thời không kịp thay đổi, có những qui định mới cần ban hành nhưng lại chậm trễ, dẫn đến thiếu hụt. Bên cạnh đó không loại trừ những nguyên nhân liên quan đến lợi ích nhóm, lợi ích ngành, lợi ích địa phương... dẫn đến việc họ cố tình giữ lại những bất cập, những lỗ hổng pháp luật đó để mưu lợi cho nhóm lợi ích, cho ngành mình, địa phương mình. Do đó, phải có cơ chế rà soát, kiểm tra hệ thống qui phạm để kịp thời khắc phục những bất cập đó.

Có ý kiến cho rằng, không loại trừ nguyên nhân tồn tại những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật có thể do sự cố tình im lặng của các nhà làm luật trong quá trình xây dựng luật. Khi soạn thảo văn bản, nhà làm luật bỏ quên vấn đề đã phơi bày rõ ràng trong thực tế mà đáng ra phải giải quyết nó theo đề xuất của những người thi hành pháp luật; hoặc trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, bổ sung luật, nhà làm luật đã cố ý đưa những quan hệ xã hội cần điều chỉnh ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật; hoặc nhà làm luật không thể bao quát được tất cả tình huống của cuộc sống cần phải được điều chỉnh bằng luật; do những thiếu sót trong kỹ thuật lập pháp; hoặc do hoàn cảnh thực tế khách quan mà nhà làm luật đã không thể nhận biết được sự phát triển của các quan hệ xã hội.

Báo chí, dư luận cũng là một kênh thông tin quan trọng để phát hiện những lỗ hổng pháp luật. Và nguyên tắc công khai, minh bạch để có sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước và của cộng đồng là nguyên tắc căn bản. Càng công khai, minh bạch thì những lỗ hổng pháp luật càng dễ được phát hiện để khắc phục.

NGUYỄN MINH KHÔI

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lo-hong-phap-luat-a161578.html