Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên bất chấp pháp luật, chuyển nhượng, xây dựng trái phép khiến hàng ngàn hộ dân khóc ròng vì căn hộ không được cấp sổ.
Đất lò gạch, đến năm 2020 phải trả lại cho Nhà nước
Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (gọi tắt là Dự án Đại Thanh) địa chỉ tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có nguồn gốc là đất do Sở Địa chính Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên Môi trường) ký 02 hợp đồng cho thuê đất với Công ty gốm xây dựng Đại Thanh (nay là Công ty CP Sản xuất và thương mại Đại Thanh) từ năm 2000.
Tổng diện tích đất thuê là gần 128 ngàn m2, thời hạn thuê là 20 năm tính từ năm 2000.
Ngày 15/1/2005, Công ty CP Đại Thanh Viglacera có Văn bản số 41/CV-CT gửi UBND Thành phố xin di chuyển cơ sở sản xuất hiện có của Công ty tại xã Tả Thanh Oai và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng đô thị mới.
Ngày 28/2/2005, UBND Thành phố có Văn bản số 655/UB-NNĐC giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng Sở Tài nguyên, UBND huyện Thanh Trì kiểm tra, thẩm định, đề xuất và báo cáo UBND Thành phố.
Ngày 22/3/2006, UBND Thành phố có Quyết định số 1401/QĐ-UB phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng công trình có chức năng khu đất hỗn hợp Đại Thanh, tỷ lệ 1/500 tại xã Tả Thanh Oai, quy mô nghiên cứ khoảng 12,8ha.
Ngày 26/12/2006, UBND Thành phố có Quyết định số 238/2006/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu đất Đại Thanh.
Trong đó, đất công cộng chức năng hỗn hợp là 18.500m2, đất công cộng đơn vị ở là 1.990m2, đất nhà trẻ, trường học 22.343m2, đất cây xanh là 11.277m2, đất ở là 38.747m2, đất bãi đỗ xe là 5.036m2, đất đường nhánh 23.788m2.
Năm 2009, Công ty CP Đầu tư Hải Phát chính thức nhảy vào dự án bằng việc ký kết Hợp đồng số 69/2009/HĐHTKT với Công ty CP sản xuất và thương mại Đại Thanh. Hợp đồng nêu rõ, tổng số vốn góp của 02 bên là 300 tỷ đồng, Công ty Hải Phát chiếm 90%, còn Công ty Đại Thanh góp 10%.
Đến ngày 26/7/2011, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 01 tỉnh Điện Biên chính thức “thâu tóm” dự án bằng việc ký Hợp đồng số 31/2011/HĐ-CNGVĐT với Công ty CP Đầu tư Hải Phát.
Nội dung hợp đồng này ghi rõ, Công ty Hải Phát chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư với giá trị 55% cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.
Sau khi nhận chuyển nhượng, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên là đơn vị đầu tư 100% vốn để triển khai dự án Đại Thanh, giá trị chuyển nhượng là 100 tỷ đồng.
Thế lực nào đứng sau doanh nghiệp?
Có thể khẳng định, dự án Đại Thanh được Công ty CP Đầu tư Hải Phát chuyển nhượng cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật.
Bởi, dự án chưa được UBND Thành phố phê duyệt, Công ty Hải Phát chưa có quyền sử dụng đất, chưa có quyết định giao đất của UBND Thành phố, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (thời điểm chuyển nhượng)…
Theo hồ sơ mà phóng viên có được, đối với dự án Đại Thanh, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên có nhiều vi phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, sau khi nhận chuyển nhượng dự án, doanh nghiệp này không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, không tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án.
Tuy nhiên, vào tháng 03/2012, doanh nghiệp này đã tiến hành khởi công xây dựng công trình, tháng 5/2012, mở bán các sản phẩm bất động sản.
Trong đó, có hơn 2.100 căn hộ chung cư, biệt thự và căn hộ liền kề nhưng không đăng ký qua sàn giao dịch bất động sản, với tổng doanh thu kê khai lên đến hơn 769 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng dự án, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên còn ngang nhiên xây dựng vượt tầng, sai phạm so với quy hoạch được duyệt.
Cụ thể, tại các khu đất có vị trí dọc tuyến đường Phan Trọng Tuệ được bố trí khối công trình hỗn hợp cao nhất là 29 tầng. Tuy nhiên, thực tế, chủ đầu tư đã cho xây 06 khối nhà cao 31 tầng (không kể tầng hầm).
Đối với đất nhóm nhà ở thấp tầng, theo Quyết định 1066/QĐ-UB và Quyết định số 1067/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội, tầng cao công trình là 03 tầng nhưng thực tế, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên cho xây dựng 23 căn nhà cao 05 tầng.
Do thủ tục dự án chưa đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật nên các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa doanh nghiệp với khách hàng không đủ cơ sở pháp lý, từ đó các khách hàng mua căn hộ chung cư, biệt thự không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, khi các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, cả Công ty Hải Phát và Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên không phối hợp, không cung cấp đầy đủ các hồ sơ. Đây cũng là biểu hiện của sự coi thường cơ quan quản lý, thách thức pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên.
Sai phạm đã rõ, mức độ cực kỳ nghiêm trọng, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội và Nhà nước, xảy ra trong một thời gian dài, giữa “thanh thiên bạch nhật”, vậy những lãnh đạo, Sở, ban ngành nào đã im lặng, làm ngơ, che chắn cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên? Họ phải chịu trách nhiệm những gì trước pháp luật? Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.
Theo Giaoduc.net
Link nội dung: https://phaply.net.vn/du-an-dai-thanh-la-dien-hinh-viec-coi-thuong-phap-luat-cua-doanh-nghiep-xay-dung-a161562.html