Romania: Thách thức với tân Bộ trưởng Tư pháp

Trong số 4 bộ trưởng vừa được Tổng thống Klaus Iohannis ký bổ nhiệm (23-2), dư luận đặc biệt quan tâm tới ông Tudorel Toader, người thay thế ông Florin Iordache làm Bộ trưởng Tư pháp.

 Ông Tudorel Toader giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Romania
Ông Tudorel Toader giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Romania)

Việc thay tới 4 thành viên chính phủ cho thấy, Tổng thống Klaus Iohannis muốn thể hiện quyền uy, cũng như khả năng của mình đối với Thủ tướng Sorin Grindeanu.

Không thuộc đảng nào

Bởi trong số 4 người vừa được bổ nhiệm (Bộ trưởng Kinh tế Mihai Tudose, Bộ trưởng Thương mại Alehandru Petrescu, Bộ trưởng phụ trách các quỹ châu Âu Rovana Plumb và Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader), ông Tudorel Toader là thành viên đầu tiên trong nội các của Thủ tướng Sorin Grindeanu không theo đảng phái nào, trong khi 3 người còn lại đều do đảng Dân chủ-Xã hội (PSD) cầm quyền đề xuất.

Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, ông Tudorel Toader từng giữ chức Thẩm phán Tòa án Hiến pháp trong 10 năm. "Tôi đã nộp đơn từ chức. Tuy nhiên, tôi khẳng định tất cả những gì đã làm đều hợp pháp", ông Florin Iordache đã nhấn mạnh như vậy khi nói với báo giới sau khi quyết định từ chức hôm 9-2. Ông Florin Iordache phải từ chức vì sức ép liên quan tới sắc lệnh gây tranh cãi của chính phủ.

Bởi ông Florin Iordache là người đứng đầu nhóm soạn thảo sắc lệnh liên quan đến việc miễn truy tố và trả tự do cho những chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước. Quyết định từ chức của ông Florin Iordache diễn ra sau khi Chính phủ của đảng cầm quyền vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập trung hữu đề xuất.

Dư luận cho rằng, việc chính phủ của Thủ tướng Sorin Grindeanu vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập trung hữu đề xuất tại Quốc hội hôm 8-2 được coi là thắng lợi của đảng PSD cầm quyền. Bởi để lật đổ chính phủ, phe đối lập phải đạt được 233 phiếu thuận, tương đương với 50% số nghị sỹ trong Quốc hội.

Cuộc cải tổ nội các diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ khi chính phủ mới được thành lập (4-1) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Và việc này xuất phát từ sắc lệnh tối 31-1 của Thủ tướng Sorin Grindeanu.

Gần 1 tuần trước (21-2), lưỡng viện Quốc hội Romania đã thông qua quyết định hủy bỏ sắc lệnh gây tranh cãi liên quan tới tham nhũng của người đứng đầu chính phủ, và kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng.

Với 291 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 3 phiếu trắng, Hạ viện đã thông qua quyết định hủy bỏ sắc lệnh của Thủ tướng Sorin Grindeanu. Thượng viện cũng bỏ phiếu thông qua quyết định tương tự. Trước đó (13-2), Quốc hội thông qua kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng, do Tổng thống Klaus Iohannis đề xuất.

Tổng thống Klaus Iohannis cũng đề xuất những câu hỏi và thời gian tiến hành trưng cầu. Ông Klaus Iohannis từng chỉ trích chính phủ chưa nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Romania, liên quan tới sắc lệnh gây tranh cãi của Thủ tướng Sorin Grindeanu.

Tổng thống Klaus Iohannis
Tổng thống Klaus Iohannis)

Gánh nặng tham nhũng

Theo giới truyền thông, động thái của Tổng thống Klaus Iohannis và lưỡng viện diễn ra sau khi Tổng cục chống tham nhũng (DNA) trực thuộc Bộ Nội vụ cung cấp đầy đủ thông tin về bê bối, tham nhũng của “những người đáng quan tâm”.

Theo giới truyền thông, DNA được thành lập năm 2005 với nhiệm vụ truy quét quan tham. Chỉ trong năm 2015, DNA đã kết tội 1.250 quan chức vì liên quan đến tham nhũng - trung bình mỗi ngày có hơn 3 quan tham bị DNA “sờ gáy”.

Và trong số những quan chức bị truy tố có cựu Thủ tướng Victor Ponta, 5 bộ trưởng, 21 nghị sỹ và Thị trưởng Bucharest Sorin Oprescu. Mấy ngày trước (21-2), một tòa phúc thẩm đã tuyên phạt 8 năm tù giam đối với cựu trùm truyền thông Sorin Ovidiu Vantu do vụ đổ vỡ quỹ đầu tư FNI, đồng thời ra lệnh tịch thu số tài sản trị giá 13 triệu USD của ông này.

Trước đó (năm 2012), ông Sorin Ovidiu Vantu bị kết án vì tội tống tiền Giám đốc đài truyền hình Realitatea và hỗ trợ người khác trốn ra nước ngoài. Ông Sorin Ovidiu Vantu từng là một trong những người giàu nhất Romania, là cựu sở hữu Tập đoàn Realitatea Media, và đã 4 lần bị thẩm vấn với cáo buộc hoạt động trái pháp luật.

Việc kết án đối với ông Sorin Ovidiu Vantu diễn ra khi các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại thủ đô Bucharest nhằm yêu cầu chính phủ thu hồi sắc lệnh gây tranh cãi về giảm nhẹ tội tham nhũng.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/romania-thach-thuc-voi-tan-bo-truong-tu-phap-a161514.html