50 năm trước, Australia đã tiến hành án xử tử hình cuối cùng trong bối cảnh của dòng xoáy các cuộc biểu tình và áp lực chính trị. Nhưng theo phóng viên Jamie Duncan, án tử hình vẫn còn bám trụ khá vững chắc trong tâm thức của người dân xứ này bất chấp sự bãi bỏ nó.
Tử tội cuối cùng
Ronald Joseph Ryan là một tên cướp có tiền án dài hơi. Ngày 3/2/1967, Ryan bị treo cổ vì tội đã sát hại viên cai ngục George Hodson trong lúc tìm cách “độn thổ” khỏi nhà tù Pentridge ở Coburg, ngoại ô thành phố Melbourne.
Khi các lính gác nhà tù này đang trực thay phiên nhau nhân nhà tù tổ chức tiệc giáng sinh vào ngày 19/12/1965, Ryan và kẻ đồng lõa Peter John Walker đã dùng cái mền gắn vào một cái móc lên bờ tường cao 5m.
Hai tên đã khống chế một lính gác, cướp súng và buộc người lính này mở cửa phòng giam. Cai ngục George Hodson bị bắn vào ngực và chết trong lúc đang tìm cách tóm cổ John Walker. Bộ đôi Ryan và Walker trốn thoát nhưng sau đó bị bắt lại ở Sydney vào ngày 6/1/1966.
11 nhân chứng nói rằng đã nhìn thấy cảnh Ryan bắn súng làm chết cai ngục, nhưng có một cai ngục nói rằng ông ta đã nghe duy nhất 1 tiếng súng bắn ra từ thủ phạm Ryan. Người này nói rằng đã bắn sượt qua đầu Ryan để tránh thương vong cho một phụ nữ tình cờ đi vào đó.
Sau 12 ngày nghị án, bồi thẩm đoàn đã khép cho Ronald Ryan tội đã mưu sát cai ngục Hodson, riêng thẩm phán John Starke lại lên tiếng phản đối án tử hình. Riêng kẻ đồng lõa bị buộc 2 tội danh ngộ sát là gây nên cái chết cho cai ngục Hodson và nạn nhân Arthur Henderson bị dính đạn lạc.
Cùng thời điểm ở tiểu bang Victoria, chính quyền nơi đây đã quyết định số phận cho các phạm nhân. Án xử giảo cuối cùng ở Victoria đã diễn ra vào năm 1951, khi đó Jean Lee – nữ phạm nhân cuối cùng chịu án xử giảo ở Australia – và 2 kẻ đồng lõa của ả đều bị xử tử hình vì tội đã tra tấn và giết hại một thầu cá ngựa phi pháp tròn 73 tuổi.
Giảm bớt
Giữa các năm 1951 và 1967, án tử hình đã giảm xuống nhưng 1 trong số 35 án tử hình đã nhận án tù chung thân. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ đó là phạm nhân Robert Tait, hắn đã sát hại một lão bà 82 tuổi. Lời đề nghị khoan hồng cho kẻ thủ ác đã bị bỏ ngoài tai bởi Tòa án tối cao quốc gia.
Các thành viên của Nội các thủ tướng Victoria-Sir Henry Bolte đã khăng khăng giữ lại án tử hình, nhưng Sir Henry cũng tuyên bố rằng nội các của ông sẽ không thi hành án tử cho Ronald Ryan.
Nhiều năm sau đó, bồi thẩm Tom Gildea nói rằng trong lúc thẩm phán bị thuyết phục về tội trạng của Ronald Ryan, nhưng không ai tin rằng hắn ta sẽ bị treo cổ, thậm chí có 7 người tìm kiếm sự khoan hồng cho Ryan. Tờ Melbourne Herald đã phát động một chiến dịch vận động nhằm giảm án tử cho Ryan.
Trong một bài báo vào tháng Giêng năm 1967, tờ này viết rằng: “Chính quyền bang Victoria đối với giải pháp cuối cùng này là một nỗi khiếp sợ sâu sắc nhất. Một sự trừng phạt theo hình thức dã man nhất của nó. Nó sẽ thực sự là nỗi ô nhục cho cả cộng đồng vì đã gây ra bản án đó”. Nhiều cuộc biểu tình với quy mô khổng lồ chưa từng có ở Melbourne vẫn không làm lung lay tới Sir Henry.
Ở tuổi 42, tử tội Ronald Ryan bị treo cổ tại nhà tù Pentridge lúc 08 giờ sáng trong khi hàng trăm người biểu tình la ó ầm ĩ bên ngoài nhà tù. Queensland là bang đầu tiên ở Australia ra lệnh cấm tiến hành án tử hình, đó là năm 1922. Tiếp sau đó là bang Victoria nối gót vào năm 1975, bang New South Wales thực hiện cuối cùng vào năm 1985.
Nhưng mỗi khi có các vụ án làm “chấn động” người Australia, thì án tử hình lại được tái đề xuất, như sau khi xảy ra vụ hung thủ Martin Bryant bắn chết 35 người tại Port Arthur ở Tasmania vào năm 1996; hay vụ đánh bom hộp đêm Whiskey Au Go Go ở Brisbane bởi 2 hung thủ James Finch và John Stuart vào năm 1973, làm chết 15 người; và vụ hãm hiếp và siết cổ nạn nhân Jill Meagher, 29 tuổi vào năm 2012 bởi kẻ thủ ác Adrian Ernest Bailey.
Án tử hình đã được dấy lên vào năm 2003 khi xảy ra vụ bắt cóc và mưu sát nạn nhân Daniel Morcombe, 13 tuổi sống ở Sunshine Coast (Queensland) bởi bàn tay tên sát nhân Brett Peter Cowan; vụ thảm sát trên phố Hoddle (Melbourne) của hung thủ Julian Knight vào năm 1987.
Thậm chí đến năm 2017 này, cũng đã dấy lên việc tái thiết lập án tử hình sau khi xảy ra vụ một chiếc xe “khủng bố” tại một khu chợ ở Melbourne làm chết 6 người và làm bị thương hàng tá người khác. Hung thủ Dimitrious “Jimmy” Gargasoulas, 26 tuổi, đối mặt với hàng tá tội danh mưu sát và buộc tội.
Bãi bỏ vĩnh viễn
Chính trị gia Derryn Hinch từng phản đối việc bỏ án tử hình trong suốt hàng thập niên trước khi xảy ra vụ hãm hiếp và giết người kinh hoàng mà nạn nhân là một y tá người Sydney tên là Anita Cobby, 5 hung thủ bao gồm 3 anh em ruột, vào năm 1986.
Năm 2012, ông Hinch lại phải viết: “Nếu Australia có án tử hình, nhiều phụ nữ trẻ có thể sống đến ngày hôm nay. Nạn nhân Mersina Halvagis (bị đâm đến chết và xác được chôn tại Melbourne vào năm 1997) sẽ sống đến hôm nay.
Kẻ ra tay sát hại cô là Peter Dupas. Nếu những kẻ bị tội cưỡng dâm đều bóc lịch sau song sắt, thì nạn nhân Jill Meagher có thể sống đến hôm nay. Nếu bọn giết người hàng loạt, tội phạm vũ lực vắng sạch bóng trên đường phố thì thế giới này sẽ an toàn hơn. Và nếu chính quyền liên bang có đủ can đảm hay nhà nước có sự độc lập và xương sống nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu về tái thiết lập án tử hình cho một số loại tội phạm, thì tỷ lệ các vụ mưu sát sẽ giảm từ 75% xuống 25%”.
Những cuộc thăm dò từ Roy Morgan Research giữa thời điểm 1947 và 2009 cho thấy những người ủng hộ án tử hình là những giọng nói lẻ loi. Trong các năm 1947, 1953 và 1962, qua thăm dò 1.000 người từ độ tuổi trung bình là 21, cho thấy mức độ ủng hộ tử hình là 24%. Không có cuộc thăm dò nào vào thời điểm năm 1967, năm tử tội Ryan lên đoạn đầu đài.
Từ các cuộc nghiên cứu từ năm 1975, số người ủng hộ tử hình đã tụt lại phía sau, khoảng 43% chống đối. Khoảng cách ngày càng nở rộng, năm 1993, những người ủng hộ án tử hình đã đạt đỉnh 54%. Tháng 11/2005, tức 7 tháng sau vụ bắt giữ 2 nghi can vụ buôn lậu heroin ở Bali (Indonesia), chỉ có 27% người ủng hộ án tử hình, 66% chống đối.
TS Amy Maguire, một giảng viên luật tại Đại học Newcastle (Australia) và là một người chống đối án tử hình, nói rằng việc xử tử hình 2 tên buôn lậu ma túy Myuran Sukumaran và Andrew Chan đã làm thay đổi thái độ của người Australia. Hãng tin BBC dẫn lời nữ TS Amy Maguire cho biết:
“Theo cảm quan của tôi thì vụ án của hai bị cáo Andrew Chan và Myuran Sukumaran đã làm tỉnh ngộ một số người Australia khi mà trước đó họ không mảy may nghi ngờ việc sử dụng án tử hình đối với những người nước ngoài, nhất là đối với những người bị kết án liên quan tới ma túy.
Và đã chứng minh được rằng bản án tử hình là đòn tra tấn hiệu quả không chỉ cho người chịu án mà còn cho người thân yêu của họ. Và có ý tưởng rằng hai bị cáo Sukumaran và Chan phải cải tạo chăm chỉ để được giảm thành án tù chung thân hay nhiều năm ngồi tù, xem ra là khá thuyết phục đối với nhiều người”.
Trong khi vẫn còn một số lượng đáng kể người Australia ủng hộ tái thiết bản án tử hình, thì TS Maguire tin rằng chính phủ nước bà sẽ không thực hiện nó, chưa kể vẫn còn đó nhiều rào cản pháp lý.
Năm 2010, chính quyền liên bang đã thông qua lệnh cấm tái đề xuất án tử hình nhằm phù hợp với một hiệp ước quốc tế tự nguyện. Nhưng trong suốt 50 năm qua, vụ xử giảo tử tội Ronald đã gây nên những tiếng vang trong hệ thống tư pháp Australia...
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/australia-50-nam-bai-bo-vinh-vien-an-tu-hinh-a161433.html