Đề nghị bỏ hẳn quy định luật sư phải tố giác thân chủ

Không nên quy định luật sư phải có nghĩa vụ tố giác tội phạm đối với thân chủ, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Sau bài viết “Khi nào luật sư (LS) bắt buộc phải tố giác thân chủ?”, chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến đồng tình với quan điểm của Thường trực Ủy ban Tư pháp là giữ nguyên quy định của BLHS 2015. Tức là LS chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đề nghị bỏ luôn quy định nghĩa vụ tố giác của LS với thân chủ về loại tội đặc biệt nghiêm trọng, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

LS Trương Xuân Tám (Ủy viên Hội đồng LS toàn quốc) cho rằng không nên quy định LS phải tố giác thân chủ. Bởi đặc thù nghề nghiệp của LS là phải giữ bí mật cho khách hàng. Đây là một nguyên tắc pháp lý và quy phạm đạo đức nghề nghiệp rất khắt khe. Nó xuất phát từ nguyên tắc phổ quát: Ở đâu có buộc tội thì ở đó cần có gỡ tội. Một nền pháp lý dân chủ thì phải tạo niềm tin cho khách hàng đối với người bào chữa. Nhiều nước trên thế giới không có quy định nghĩa vụ này của LS. Nếu có xung đột giữa nghĩa vụ bảo vệ thông tin cho khách hàng và nghĩa vụ tố giác tội phạm thì cũng không nên đẩy LS phải làm vế thứ hai. Vì khi bị can, bị cáo đã không còn tin tưởng ở LS nữa thì hoạt động bào chữa trong tố tụng sẽ bị phá sản.

 Thực tế chưa có vụ nào luật sư tố giác thân chủ của mình. Ảnh minh họa: T.TÙNG
Thực tế chưa có vụ nào luật sư tố giác thân chủ của mình. Ảnh minh họa: T.TÙNG)

Điều 9 của Luật LS nghiêm cấm LS tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Do đó không nên quy định nghĩa vụ của LS phải tố giác khách hàng. Mặc dù BLHS 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của LS nhưng nên bỏ luôn nghĩa vụ này để phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn cuộc sống. “Việc phát hiện hành vi phạm tội khác của bị can, bị cáo là nhiệm vụ của cơ quan điều tra, VKS và tòa án. Dù có quy định nghĩa vụ thì thực tế cũng chẳng có LS nào làm. Bằng chứng là mấy chục năm hành nghề, tôi chưa thấy LS tố giác thân chủ” - LS Tám nói.

“LS không thể một lúc mang hai nhiệm vụ trái ngược nhau, vừa bào chữa vừa tố cáo thân chủ. Thay vào đó họ có thể dùng kiến thức pháp luật, lý lẽ, kinh nghiệm để thuyết phục thân chủ thành khẩn, tôn trọng sự thật để được hưởng những tình tiết giảm nhẹ theo luật” - LS Lê Việt Hùng (Đoàn LS TP.HCM) phân tích. Theo LS Hùng, nội hàm của từ bào chữa là dùng lý lẽ biện hộ, bảo vệ để chống lại sự buộc tội, giúp làm giảm trách nhiệm hình sự cho thân chủ. Nhiệm vụ và sứ mệnh của LS là mang lại lợi ích tốt nhất cho thân chủ, để họ giãi bày, cung cấp các tình tiết vụ án. Thông tin mà LS có được là do thân chủ nói và họ cũng chỉ mở miệng khi nó không phương hại đến mình.

Do đó, LS phải được miễn trừ trách nhiệm hình sự trong việc giữ bí mật thông tin của thân chủ, nó cũng phù hợp với quy định tại Điều 9 Luật LS. Hơn nữa, thông tin mà thân chủ cung cấp cũng chưa thể khẳng định đó là căn cứ xác định họ đã phạm tội. Trong khi đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Vì vậy nên sửa quy định của BLHS 2015 theo hướng miễn trách nhiệm hình sự cho LS về hành vi không tố giác thân chủ, tất nhiên là trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Theo Plo.vn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-nghi-bo-han-quy-dinh-luat-su-phai-to-giac-than-chu-a161395.html