Quan hệ Moscow - Ankara dù có phát triển mạnh như thế nào đi nữa, có đồng điệu đến mức nào đi nữa thì cũng khó vượt ngưỡng: thăm dò lẫn nhau...
Sau hành động “chạy lại” của Tổng thống Erdogan với Tổng thống Putin khi kết thúc cuộc khủng hoảng Nga – Thổ do “sự kiện 17 giây” gây ra, quan hệ giữa Ankara với Moscow ngày càng khắng khít, thậm chí còn đang được xem là nâng lên tầm chiến lược. Sự đồng điệu giữa Ankara và Moscow đã được thể hiện ở nhiều tầng nấc, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sự thân thiện của quan hệ Nga – Thổ khiến cho việc Đại sứ Nga tại Thổ bị bắn chết cũng không gây nên sóng gió cho quan hệ song phương. Đặc biệt, cả Moscow và Ankara đều là đồng bảo trợ cho Hoà đàm Astana, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho ván cờ Syria. Khăng khít là thế, vậy nhưng Ankara vẫn luôn được xem là có thái độ hai mặt với Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là vẫn lén lút chuyển vũ khí cho lực lượng khủng bố, không hỗ trợ Quân đội Syria đánh IS, thậm chí Ankara còn bị cho là có âm mưu biến Quân đội Syria tự do (FSA) của lực lượng đối lập thành kẻ làm chủ cuộc chơi tại ván cờ Syria. Sự việc đến mức giới phân tích đã phải đặt câu hỏi Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng hay phá hoại hoà bình tại Syria – nơi mà Moscow đang đóng vai trò đạo diễn.
Nga – Thổ chỉ là đối tác, không thể liên minh
Điều đó không hẳn vì rào cản bởi tư cách “thành viên NATO” của Thổ Nhĩ Kỳ, mà trong ngay tính chất của mối quan hệ giữa Moscow với Ankara đã định hình cho điều đó. Trước thực tế Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên gánh nhiều trách nhiệm nhưng vị thế và quyền lợi không hề tương xứng, đã gây nên ức chế đối với Tổng thống Erdogan.
Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi không thể bỏ rơi liên minh, song Ankara cũng không có cách hữu hiệu nào có thể “nhắc nhở” các đồng minh lớn về việc này, Erdogan đã đi tìm sự hợp tác từ Nga để cân bằng quyền lợi và tạo vị thế mới cho mình.
Tuy nhiên, trong vị thế một thành viên NATO kết nối quan hệ với một đối thủ của NATO, ngay từ ban đầu quan hệ Nga – Thổ đã không thể có được nền tảng vững chắc, đó là niềm tin chiến lược. Quan hệ Moscow - Ankara dù có phát triển mạnh như thế nào đi chăng nữa, Moscow và Ankara có đồng điệu đến mức nào đi chăng nữa thì cũng khó vượt ngưỡng : thăm dò lẫn nhau.
Có thể nhận diện Nga chỉ xem việc tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là để giúp xây dựng bàn đạp vững chắc cho những nước đi tại Syria, bởi mục đích chính của Moscow là tối thiểu hoá vai trò của phe nổi dậy tại Syria, trong lực lượng này vốn được Ankara hậu thuẫn. Không những vậy, Moscow còn phá vỡ nhiều kế hoạch của Ankara với bàn cờ Syria.
“Ankara có kết nối quan hệ với các bộ tộc thiểu số người Turkmen gốc Thổ ở Syria và mối quan hệ này đã tạo nên vùng đệm an toàn chiền lược cho Thổ Nhĩ Kỳ trên biên giới với Syria. Tuy nhiên, phiến quân Turkmen – lực lượng chống đối chính quyền Assad - đã bị đánh tan tác bởi các cuộc không kích của Nga và phải bỏ chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ”, theo BBC.
Bên cạnh đó, việc Nga kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm ngoáy rộng lỗ hổng của NATO từ thành viên có “trách nhiệm thì lớn mà quyền lợi thì ít” này, từ đó tạo lợi thế cho mình trong cuộc đối trọng Nga – NATO đang ngày càng gia tăng sự căng thẳng.
Còn việc chọn dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ làm đột phá khẩu cho kinh tế đối ngoại thời cấm vận, thông qua dự án “Dòng chảy phương Nam” là lựa chọn bất đắc dĩ, khi dự án khổng lồ “Dòng chảy phương Nam” bị ách lại. Việc gia tăng nhanh chóng quan hệ kinh tế Nga – Thổ để có thể sớm đạt kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD, đều có lợi cho Nga hơn là cho Thổ, điều đó do Erdogan đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào thế cầu cạnh Nga, sau hành động “chạy lại” với Putin.
Về phía Ankara thì những gì hướng về Moscow cũng cho thấy một niềm tin chiến lược giữa hai bên rất khó có thể được xây dựng. Khi muốn nhắc nhở đồng minh NATO, Ankara chọn bắn rơi máy bay của Nga, điều đó đưa Moscow và Brussels vào nguy cơ đối diện với một cuộc chiến, nếu Moscow chọn trả đũa Ankara bằng biện pháp quân sự.
Khi thiếu không gian vùng vẫy trong NATO, Erdogan chọn liên minh với Ukraine, Gruzia và Azerbaijan – toàn là những đối thủ không đội trời chung với Nga – nhằm thách thức Moscow. Cho dù Erdogan đã xin lỗi Putin về “sự kiện 17 giây” và Liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine, Gruzia và Azerbaijan cũng gần như đã tan rã, song đó luôn là lời cảnh báo không thể nào quên với Moscow và từ đó tạo ra một rào cản vô hình không thể vượt qua với Ankara.
Lợi ích có được từ Nga nhỏ hơn nhiều so với quyền lợi mà Thổ Nhĩ Kỳ có được từ NATO và EU
Việc Erdogan đã tận dụng vị thế thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ để tung hoành ngang dọc, qua đó nâng cao vị thế cho Ankara, ngay cả với Moscow, là một trong những điều mà NATO mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên NATO thì việc gây ra “sự kiện 17 giây” sẽ không chỉ khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị Nga trừng phạt bằng cấm vận kinh tế.
Erdogan nâng tầm quan hệ Ankara – Moscow vì không hài lòng với vị thế “trách nhiệm lớn mà quyền lợi không nhiều” chỉ là thái độ nhất thời có tính toán. Thực ra Erdogan không quên những lợi ích có được từ việc “Ankara ăn ốc, NATO phải đổ vỏ”, sau khi gây hấn với Nga hay gây náo loạn phía Bắc Iraq cũng như lập liên minh với với Ukraine, Gruzia và Azerbaijan.
Dù có thất vọng với NATO đi thế nào đi chăng nữa thì Erdogan cũng sẽ không để Thổ Nhĩ Kỳ mất đi quy chế thành viên của tổ chức quân sự này. Bởi lẽ, có nhiều quyền lợi trong NATO – có thể thống kê và không thể liệt kê - mà quan hệ Nga – Thổ không thể mang lại được.
Chỉ là Ankara có quyền lợi chưa tương xứng với trách nhiệm, chứ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ khi nằm trong NATO là rất lớn. Cứ hình dung “ước vọng NATO” hàng chục năm qua của Ukraine và Gruzia là sẽ thấy điều đó. Chính vì vậy Ankara phải thể hiện vị thế thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ và đương nhiên sẽ không thể toàn tâm với Moscow.
Bên cạnh đó là quyền lợi mà Thổ Nhĩ Kỳ có được trong quan hệ với EU – anh em song sinh với NATO. Phải khẳng định rằng, để có được vị thế và vai trò như hôm nay là một thành viên G-20, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn nhờ vào quan hệ với Mỹ và các thành viên EU. Ước mơ EU của Thổ Nhĩ Kỳ 30 năm qua cũng đã phần nào cho thấy rõ điều đó.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ chưa được Liên minh Châu Âu tiếp nhận có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính những tuyên bố của Ankara và hành xử của Erdogan. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có quy mô lớn thứ 18 trong nền kinh tế toàn cầu là có ảnh hưởng quyết định từ quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU.
Khi Brussel chia sẻ vấn đề dân nhập cư với Ankara thì có thể nhận diện là EU mang đến cho người dân và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ những quyền lợi rất lớn, chứ không chỉ lượng hoá qua 3 tỷ USD. Động thái ấy được ví như một cây cầu vượt được xây dựng với tiến độ nhanh kết nối Ankara – Brussels mà vị thế thành viên EU cho Thổ Nhĩ Kỳ là đích đến cho cây cầu ấy.
Tuy nhiên, do hiểu được tầm quan trọng của vấn đề quá nhạy cảm này nên Erdogan “vừa ăn vừa chửi” EU. Chính thái độ ngông nghênh của Erdogan được xem là nguyên nhân quan trọng khiến Brussels phải xem lại việc có hoàn tất cây cầu vượt nữa hay không. Trước thực tế đó Erdoagan đã thể hiện thái độ quay ngoắt với đối tác lâu năm này.
Ankara nhanh chóng thúc đẩy quan hệ với Moscow, mở rộng kết nối quan hệ với Bắc Kinh để dằn mặt NATO và cảnh báo EU. Song có thể thấy rằng, lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ có được từ những người bạn mới không thể so sánh được với lợi ích từ người bạn cũ của mình.
Không những vậy, lợi ích từ những đối tác lâu năm là thực tế, còn lợi ích khổng lồ từ những người bạn mới vẫn còn đang tồn tại ở dạng kỳ vọng mà thôi. Chính vì vậy, Erdogan sẽ không mạo hiểm khi đánh đổi lợi thực tế mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ có được để lấy những lợi ích ở dạng mong chờ. Và có thể nhận diện đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Ankara “song hành nhưng không đồng hành” với Moscow.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-tho-nhi-ky-luon-the-hien-hai-mat-voi-nga-a161287.html