Trong số 3 bị cáo bị buộc tội Tham ô tài sản, tòa ghi nhận trường hợp Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines - đã nộp một phần tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc vì sao bị cáo này vẫn bị tòa tuyên mức án cao nhất?
Trong vụ án tham nhũng ở Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viên dương Vinashin (Vinashinlines), ngoài 2 bản án tử hình dành cho Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, một án chung thân dành cho Trần Văn Khương, 12 năm tù cho Giang Văn Hiển, Hội đồng xét xử (HĐXX) còn tuyên bị cáo Liêm, Đạt và Khương phải liên đới bồi thường số tiền hơn 260 tỷ đồng chiếm đoạt cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin).
Trong đó, Giang Kim Đạt phải bồi thường hơn 255 tỷ đồng, Trần Văn Liêm phải bồi thường hơn 3,1 tỷ đồng, Trần Văn Khương phải bồi thường gần 1,8 tỷ đồng.
Tòa cũng xác nhận bị cáo Trần Văn Liêm đã bồi thường khắc phục hậu quả số tiền hơn 640 triệu đồng. Mặc dù đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả, nhưng vì sao Trần Văn Liêm vẫn bị tuyên án tử hình?
Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) giải thích: Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn:
Khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội Tham ô tài sản, người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người đó đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu: Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt; đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).
Qua đối chiếu có thể thấy, số tiền Trần Văn Liêm nộp khắc phục hơn 640 triệu đồng chỉ khoảng hơn 1/5 số tiền bị cáo đã chiếm đoạt (hơn 3,1 tỷ đồng). Bên cạnh đó bị cáo Liêm còn bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng định khung thuộc điểm b khoản 4 Điều 278 “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Chính vì thế tòa đã áp dụng mức án tử hình đối với bị cáo.
Cần tiếp tục khắc phục
Bản án của TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Trần Văn Liêm và đồng phạm mới là án sơ thẩm. Các bị cáo có quyền kháng cáo lên cấp phúc thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án sơ thẩm được tuyên.
Theo các chuyên gia pháp luật, nếu Trần Văn Liêm kháng cáo trong thời gian xử chờ xử phúc thẩm nếu tiếp tục khắc phục tốt hậu quả thì khi ra tòa sẽ có thêm căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Theo quy định mới, trường hợp người bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản, án có hiệu lực pháp luật, họ vẫn có cơ hội thoát án tử.
Theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13.9.2016 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo Nghị quyết số 144/2016/QH13, Nghị quyết 109/2015 QH 13 của Quốc hội, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trường hợp bị cáo Liêm, sau khi trừ đi khoản tiền hơn 640 triệu đồng đã nộp, bị cáo này còn phải bồi thường tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Nếu bị cáo Liêm và gia đình tiếp tục nộp khắc phục gần hết số tiền trên cùng với việc hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án tử hình.
Theo Danviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-sao-sep-cua-giang-kim-dat-da-nop-tien-khac-phuc-van-bi-tu-hinh-a161238.html