Bị che mờ bởi dòng thác thông tin về Tổng thống Trump, khủng hoảng nợ Hy Lạp như cơn sóng ngầm âm thầm đe dọa châu Âu.
Đại diện cho hai chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp - Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) bà Christine Lagarde - đã chính thức gặp mặt ngày 22-2 tại Berlin. Tờ The Guardian nhận định cuộc gặp gỡ có thể quyết định số mệnh tương lai của Hy Lạp và cả châu Âu.
Bế tắc tìm lối ra
Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã bất đồng với nhau suốt nhiều tháng qua về khả năng trả nợ của Hy Lạp. Những hoài nghi về nền kinh tế Hy Lạp đã khiến IMF chùn chân, không chịu phê duyệt gói giải cứu tài chính trị giá gần 86 tỉ euro (hơn 90 tỉ USD), được chấp bút bởi các lãnh đạo EU vào tháng 7-2015. Khi mùa bầu cử đang đến gần tại một loạt nước châu Âu, bà Merkel và lãnh đạo các nước trụ cột của EU càng đứng ngồi không yên khi IMF chưa chịu lên chiếc thuyền Hy Lạp.
Athens đứng trước nguy cơ không đủ khả năng chi trả đợt nợ gần 7,4 tỉ USD đáo hạn vào tháng 7 sắp đến. Thế nhưng IMF chỉ chấp nhận giải phóng số tiền trong chương trình giải cứu nếu như các nước châu Âu đồng ý xóa một số khoản nợ của Athens, điều mà chủ nợ khổng lồ của Hy Lạp là Berlin không hề muốn. IMF cũng cần EU thừa nhận và tìm cách giải quyết rủi ro Hy Lạp không đủ khả năng đạt mục tiêu dư ngân sách ròng 3,5% vào năm 2018, theo Financial Times.
Tất cả điều kiện mà Đức và EU đặt ra đã bị Hy Lạp và IMF chỉ trích là quá khắt khe, kể cả khi thực hiện các chính sách kham khổ nhất. Trả lời tờ Foreign Policy, Ian Lesser - giám đốc điều hành Trung tâm Xuyên Đại Tây Dương thuộc Quỹ Marshall (Đức) cảnh báo Athens đã quay trở lại “vùng nguy hiểm”.
Ánh sáng cuối đường hầm
Tuy nhiên, sau khi “nhóm euro” gồm bộ trưởng tài chính các nước EU gặp nhau tại Brussels ngày 20-2 vừa qua, Hy Lạp và cả châu Âu đã có thể nhìn thấy lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Các bên đã bắt đầu có dấu hiệu chấp nhận thỏa hiệp, theo tờ The Guardian. Pierre Moscovici, ủy viên kinh tế châu Âu, cho biết 19 bộ trưởng trong nhóm đều đồng ý rằng người dân Hy Lạp cần nhìn thấy “chút ánh sáng cuối đường hầm” đối với các chính sách thắt lưng buộc bụng. Các chủ nợ châu Âu cũng tiến gần hơn đến quan điểm của IMF rằng cần nhiều nỗ lực hơn cho quá trình cải cách kinh tế Hy Lạp thay vì cứ chăm chăm vào việc thắt lưng buộc bụng.
Một nhóm chuyên gia đặc trách của cả EU và IMF sẽ sớm đến làm việc, thảo luận về hệ thống thuế và hưu trí của chính phủ Athens. Việc huy động thêm nhiều người tầng lớp trung lưu đóng thuế hơn sẽ giúp chính phủ Athens tăng thu ngân sách mà vẫn hạn chế làm tổn thương nền kinh tế. Đồng thời, các kế hoạch về cải cách thị trường lao động Hy Lạp cũng sẽ giúp tiến tới giảm thất nghiệp và tạo động lực phát triển.
Tờ The New York Times bình luận những động thái trên cho thấy hy vọng châu Âu sẽ giảm các mục tiêu “không tưởng” đặt ra cho Athens. Những chủ nợ châu Âu chỉ có thể thu lại tiền nếu nền kinh tế Hy Lạp được tạo điều kiện để phát triển chứ không phải bóp nghẹt Hy Lạp bằng mọi giá.
Hơn 50% những người lao động có lương tại Hy Lạp không đóng thuế thu nhập. Con số này tại các nước còn lại của khối eurozone là trung bình 8%. Tuy nhiên, hiện tượng phần lớn người lao động không đóng thuế lại là hệ quả chính sách sau khi nền kinh tế Hy Lạp khủng hoảng và mức lương bị giảm mạnh.
Chế độ tiền hưu trí tại Hy Lạp cũng đã bị cắt giảm mạnh kể từ năm 2010 với 43% người về hưu được nhận trung bình 660 euro/tháng. Nhiều người về hưu tại Hy Lạp cũng đang gánh vác miếng ăn cho gia đình do con cháu thất nghiệp.
_____________________________
Cuối cùng thì vẫn sẽ có giải pháp, vì mục tiêu chính của Thủ tướng Tsipras là giữ được vị trí, còn châu Âu không thể chấp nhận thêm một cuộc tranh luận mới nữa về lối ra cho Hy Lạp.
Jan Kallmorgen, đồng chủ tịch chương trình "
Sáng kiến Đại Tây Dương (Berlin)
Theo Plo
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hy-lap-cho-doi-anh-sang-cuoi-duong-ham-a161171.html