Chủ tịch QH: Còn 35 tòa án đi thuê để xử là không chấp nhận được

Theo Chánh án TAND Tối cao, một năm toà án các cấp thụ lý khoảng 200.000 vụ án ly hôn (chiếm 40%). Các vụ ly hôn không được xử trong các phòng truyền thống vì ly hôn là nỗi đau của gia đình, xã hội, đưa ra xử như những phiên toà hình sự là không đúng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: Báo Nhân dân).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: Báo Nhân dân).)

Chiều 21.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã nhắc tới chủ trương đầu tư cho toà án cấp huyện được Chính phủ đồng ý từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

“Những gì mà luật đưa ra chúng ta phải chấp hành. Ví dụ, Luật yêu cầu toà công khai các bản án trên mạng, tiếp nhận đơn và trả lời đơn qua công nghệ thông tin, triển khai phòng xét xử thân thiện…" - Chánh án nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng, một năm toà án các cấp thụ lý khoảng 200.000 vụ án ly hôn (chiếm 40%). Các vụ ly hôn không được xử trong các phòng truyền thống vì ly hôn nỗi đau của gia đình, xã hội, đưa ra xử như những phiên toà hình sự là không đúng. Do đó đặt ra vấn đề toà phải triển khai xây dựng các phòng xét xử thân thiện.

"Nếu công khai 400.000 bản án/năm trên mạng thì máy chủ của TAND Tối cao chỉ trong một năm rưỡi là đầy. Luật quy định thì chúng ta phải làm, nếu ta không tập trung đầu tư thì sẽ vi phạm pháp luật” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Ông Bình cho rằng, việc bố trí vốn theo kiểu đi xin từng việc không phải là bài toán tổng thể. Ông đề nghị phương án, trong vòng 1 - 2 năm có thể là lấy số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng do các cơ quan tư pháp thu từ các hoạt động tư pháp mỗi năm để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, theo đánh giá và ý kiến của các cán bộ ở các cơ quan tư pháp, họ cho rằng Quốc hội giám sát nhiều nhưng chủ yếu là giám sát hoạt động, còn giám sát về đầu tư cơ sở trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp là khâu rất hạn chế.

"Tôi thấy các cơ quan tư pháp có tâm tư nhiều về việc này" - bà Nga cho hay.

Phát biểu góp ý, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề cập đầu tư cho ngành tư pháp.

Bà Ngân cho rằng, hiện nay nước ta vẫn còn 35 tòa án phải đi thuê nhà để xét xử là không thể chấp nhận được.

"Chúng ta phải dành cho chương trình cải cách tư pháp, nếu là công trình mới thì phải ưu tiên cho lĩnh vực tư pháp để hài hòa với các lĩnh vực khác. Còn các công trình trọng điểm quốc gia đề nghị Chính phủ chuẩn bị để báo cáo ra kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV..." - Chủ tịch Quốc hội nói.

Sau nội dung họp trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu bế mạc phiên họp thứ 7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Plo

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chu-tich-qh-con-35-toa-an-di-thue-de-xu-la-khong-chap-nhan-duoc-a161046.html