Vị quan được người dân tôn vinh như Phật Bồ Tát

Trong thời kỳ đất nước phân tranh Trịnh – Nguyễn (khoảng từ năm 1600 – 1777), có một vị tướng tài danh được xem như “tam trụ” công thần của chúa Nguyễn, lập nên nhiều chiến tích hiển hách. Ông được người dân Đàng trong quý mến gọi bằng danh “Tướng phật”, “Phật Bồ Tát” thay bằng tên thật là Nguyễn Hữu Dật.

 Hình minh họa
Hình minh họa)

Quan văn đánh trận

Theo tư liệu chính sử ghi chép lại, Nguyễn Hữu Dật sinh năm Quý Mùi 1603, thân phụ là Nguyễn Triều Văn, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ngoài ra, căn cứ trên ghi chép phả hệ dòng họ Nguyễn Hữu thì Nguyễn Hữu Dật là cháu 18 đời của Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc, công thần mở nước thời trị vì của vua Đinh Tiên Hoàng. Và đặc biệt, Nguyễn Hữu Dật cũng là cháu 8 đời của công thần Nguyễn Trãi nhà Hậu Lê.

Ngoài ra, một số người khi đối chiếu phả hệ cũng chỉ ra rằng, phụ thân Nguyễn Triều Văn có cùng một ông tổ năm đời với chúa Nguyễn Hoàng. Nguyễn Triều Văn từng đảm nhiệm chức vụ quan Tham chiến, được phong tước hầu, thường gọi là Triều Văn Hầu dưới triều vua Lê Anh Tông (1557-1573).

Do bất mãn với chúa Trịnh, Nguyễn Triều Văn đã đem gia đình vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn. Thế nên, dù được sinh ra ở kinh thành Thăng Long nhưng khi 6 tuổi Nguyễn Hữu Dật đã sớm cùng cha theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá.

Năm 16 tuổi, Nguyễn Hữu Dật thi đỗ khóa thi Hoa văn do Chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức tại phủ Phước Yên, rồi được bổ làm quan Văn Chức. Thời các chúa Nguyễn không mở Đại khoa để lấy các học vị Tiến sĩ, Phó bảng mà chỉ có học vị Chính đồ và Hoa văn. Biết Nguyễn Hữu Dật là người có tài, nhưng tuổi còn trẻ, tính tình bộc trực nên chúa Sãi chỉ bổ một chức quan văn nhỏ trong phủ để tiện rèn giũa, chỉ bảo.

Mặc dù khởi nghiệp là một quan văn, nhưng cuộc đời Nguyễn Hữu Dật lại gắn với binh nghiệp. Hay nói cách khác, con đường binh nghiệp của Nguyễn Hữu Dật đến tình cờ, chính nó đã dẫn dắt ông trở thành một người cầm quân thao lược, bảo vệ vững chắc vùng đất phên dậu của chúa Nguyễn ở phía Bắc vào thế kỉ XVII.

Công lớn đầu tiên của Nguyễn Hữu Dật phải kể đến là việc hoàn thiện hệ thống phòng thủ, chống lại các cuộc xua quân chinh phạt của chúa Trịnh. Theo sử sách ghi lại, năm 1631 Nguyễn Hữu Dật theo Đào Duy Từ đắp chiến lũy Nhật Lệ hay còn gọi là lũy Thầy, dài 18km. Năm 1635, Đào Duy Từ mất, hệ thống chiến lũy sau này được Nguyễn Hữu Dật tiếp tục hoàn thiện. Trải qua nhiều cuộc thực chiến giao tranh, Nguyễn Hữu Dật còn cho đắp thêm lũy Trường Sa, An Náu, Trấn Ninh...

Chính trên chiến lũy Trấn Ninh này, trong cuộc chiến năm Nhâm Tý (1672), quân Trịnh đã cố gắng đánh chiếm trong suốt nhiều tháng ròng rã, binh lính tử thương rất nhiều nhưng vẫn không hạ được vì sự vững chãi của chiến lũy cùng sức chống trả quyết liệt của quân đội Nguyễn Hữu Dật. Cuối cùng quân Trịnh buộc phải lui binh, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 50 năm (1627-1672).

Cùng với việc hoàn chỉnh hệ thống lũy Đào Duy Từ, trong suốt các cuộc chiến, đầu tiên năm Đinh Mão (1627) cho đến cuộc chiến cuối cùng (1672), Nguyễn Hữu Dật luôn tỏ ra là vị tướng tiên phong, trí dũng song toàn. Trước, trong và sau các trận chiến Nguyễn Hữu Dật luôn hiến ra nhiều mưu kế, sách lược hay nhằm hạn chế tối đa thương vong cho binh sỹ nhưng hiệu quả đạt được lại cao nhất.

Ví dụ cho sự tài trí này là khoảng tháng 2 năm 1627 khi cuộc chiến với họ Trịnh đến hồi quyết định, Nguyễn Hữu Dật đã bàn với Phó tướng Trương Phúc Gia thi hành kế phản gián, sai người ra Bắc tung tin đồn rằng anh em của Trịnh Tráng là Trịnh Gia và Trịnh Nhạc âm mưu làm phản, dấy binh đoạt ngôi.

Lúc này, quân Trịnh đánh đã nhiều trận nhưng phía bên họ Nguyễn vẫn kiên cường cố thủ, Trịnh Tráng thấy không thắng được. Đang lúc rối ren, tin nội loạn mà Nguyễn Hữu Dật phao đến đã khiến chúa Trịnh thấp thỏm không yên, lo nội tình làm phản bèn cho rút quân về. Nhờ kế phản gián của Nguyễn Hữu Dật, quân Nguyễn đuổi được quân Trịnh mà cuộc chiến lại không mấy hao binh tổn tướng.

Nguyễn Hữu Dật cũng là vị tướng rất có tài xem thiên văn và chính biệt tài này đã khiến ông nhiều lần nổi danh trong thiên hạ. Sách Đại Nam thực lục, Tiền biên, quyển 4 chép cụ thể lại rằng: “Mùa thu, tháng 9 năm Đinh Dậu, 1657 Nguyễn Hữu Dật đánh phá được lũy Đồng Hôn (nay thuộc Hưng Nguyên, Nghệ An).

Lúc bấy giờ, Trịnh Căn sai tướng là Thắng Nham đóng quân ở lũy Đồng Hôn... Hữu Dật nói với Hữu Tiến (tức Nguyễn Hữu Tiến, người đang giữ chức Tiết chế quân đội của Đàng Trong đi đánh Nghệ An) rằng: Ngày 25 này là ngày Quý Hợi, ngày sao Chẩn chiếu, tất sẽ có mưa to gió lớn.

Đã thế, lại có vệt khí đen chạy băng qua khu vực sao Bắc Đẩu và mây trắng che kín cung Chấn, như vậy thì ở phía Tây Bắc nhất định sẽ có lụt lội. Ta nếu biết phân đó mà đánh đồn của Thắng Nham thì sẽ chắc thắng... quả đúng ngày ấy thì mưa to gió lớn, nước sông đầy tràn. Hữu Dật đưa quân đánh thẳng vào lũy Đồng Hôn nhờ nước lụt mà thắng lớn.

Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật ở Quảng Bình, được gọi Miếu Chiêu Vũ hầu
Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật ở Quảng Bình, được gọi Miếu Chiêu Vũ hầu)

Làm thơ kêu oan

Trong thời gian cầm quân chống Trịnh, hầu như Nguyễn Hữu Dật bất khả chiến bại. Ông làm tướng cho ba đời chúa Nguyễn, lập nhiều công lao to lớn. Ông cùng với Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến là những đại khai quốc công thần góp phần xây dựng thế lực Đàng Trong hùng mạnh.

Nguyễn Hữu Dật cũng là người có công lớn trong việc đem quân vượt sông Gianh chiếm đất Bố Chính, Nghệ An, Thanh Hoá... Chiến tích lẫy lừng, mưu trí đa tài thế nhưng trong chốn quan trường đầy rẫy mưu tính, không phải lúc nào Nguyễn Hữu Dật cũng “xuôi chèo mát mái”. Có không ít lần Nguyễn Hữu Dật bị các phe cánh nịnh thần xàm tấu lòng trung khiến ông lâm cảnh lao tù.

Chẳng hạn, sau chiến thắng năm Mậu Tý (1648), Nguyễn Hữu Dật được chúa Nguyễn để lại dinh Bố Chính coi việc phòng thủ phía Bắc. Hai năm sau (1650), quân Trịnh dồn lực lượng vào Bắc Bố Chính chuẩn bị cho cuộc chinh phạt mới. Nguyễn Hữu Dật nghĩ cách bày mưu trá hàng để đánh quân Trịnh từ phía trong của chúng.

Khi Nguyễn Hữu Dật chưa kịp tâu trình với chúa Nguyễn ý đồ của mình thì đã bị gian thần Tôn Thất Tráng mật báo với chúa Nguyễn rằng “Hữu Dật làm phản”. Ngay lập tức, Nguyễn Hữu Dật bị bắt, hạ ngục và đợi ngày xét xử.

Trong ngục, để giãi bày nỗi oan khuất của mình, Nguyễn Hữu Dật đã viết tập thơ nôm “Hoa Văn cảo thị”. Lời thơ thống thiết như bày tỏ từ gan ruột một tấm lòng trung nghĩa, chúa Nguyễn biết chuyện cho soát xét lại bản án, biết kẻ ganh tỵ, dèm pha nói xấu người trung thần bèn lệnh thả Nguyễn Hữu Dật phục hồi hàm chức cũ.

Ngoài ra, không ít giai thoại cũng đã nói về tấm lòng trung nghĩa của Nguyễn Hữu Dật. Chẳng hạn, khi Hữu Dật còn cầm quân ở Nghệ An, biết Dật là tướng tài, Trịnh Tạc đã sai người mang một gói trân châu, 5 khối vàng mã đề và mật đưa thư đến dụ hàng. Hữu Dật vờ trả lời “Tháng sau xin đem quân tiếp tôi ở trên sông”. Sứ Trịnh đi rồi, ông đem bức thư và lễ vật tấu trình chúa Nguyễn giữ tấm lòng trung.

Không chỉ là một vị tướng trí - dũng song toàn, Nguyễn Hữu Dật còn có một tấm lòng nhân hậu, vị tha, bác ái. Thời gian đưa quân ra Nghệ An, đi đến đâu ông cũng cho ra chiêu dụ an dân. Đối với binh sĩ, mỗi lần được chúa Nguyễn ban thưởng, ông thường chia cho cấp dưới, nhất là những người nghèo khó. Bởi vậy ông rất được lòng tướng sĩ và nhân dân.

Với tù binh cũng vậy, Nguyễn Hữu Dật đối xử rất nhân hậu. Trong cuộc chiến năm 1660, quân của Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật thu nạp nhiều binh sĩ quân Trịnh. Trong số đó, có ít binh sĩ biểu hiện chưa thực tâm phục. Nguyễn Hữu Tiến họp các tướng để bàn cách xử trí. Có người đề nghị: “Việc binh phải nghiêm, xin xét trong quân có kẻ mưu phản thì giết ngay để răn kẻ khác”.

Nguyễn Hữu Dật nói: “Điều các ông nói đó là phép hành binh, còn như việc dùng binh thì cốt yếu là phép nhân hòa, hễ lòng người hòa thuận thì đánh ắt thắng. Vậy chỉ nên lấy ân mà kết hợp, lấy tin mà cảm phục, thì người ta vui lòng mà dễ sai dùng, chứ chém giết làm gì”. Tấm lòng nhân hậu của Nguyễn Hữu Dật được binh lính và nhân dân trong vùng cảm phục gọi ông là Phật Bồ Tát.

Từ năm 1663, Nguyễn Hữu Dật được phong làm Chưởng Dinh Tiết Chế Đạo Lưu Đồn, Trấn thủ dinh Bố Chính cho đến khi qua đời vào 1681 ở Lưu Đồn (Ngày nay thuộc Quảng Bình) thọ 78 tuổi, được chúa Nguyễn Phúc Tần truy tặng: Tán Trị Tĩnh Y Vệ Tả Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sự Chiêu Quận Công.

Nhắc tới Nguyễn Hữu Dật, trong Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần cũng đã dành không ít bình luận tán dương nhân vật tài năng này. Cụ thể, Việt sử giai thoại có ghi: Nguyễn Hữu Dật lúc mới 15 tuổi đã được làm quan, thoạt nghe cứ ngỡ con ông cháu cha hẳn nhiên là vậy, chẳng dè chúa Nguyễn chọn người trao chức quả không nhầm.

Lúc này, Nguyễn Hữu Dật sắp bước vào tuổi ngũ tuần nhưng đã có đến hơn ba mươi năm làm quan, bận rộn đêm ngày không nghỉ, cái chết thì luôn cận kề, vậy mà ông vẫn không quên học hỏi. Tinh thông thiên văn như ông, thời ấy không dễ kiếm, sử phải trang trọng dành chỗ để ghi lời của Nguyễn Hữu Dật.

Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí cũng không ngớt ngợi khen: “Hữu Dật là người văn võ toàn tài, lúc làm tướng có nhiều công lớn, đánh đâu được đấy, được xem là chỗ dựa vững chắc; ví như Khổng Minh nhà Hán và Lưu Bá Ôn nhà Minh; dân Quảng Bình thương nhớ gọi là “Bồ Tát Phật” lập đền thờ ở Thạch Xá, năm Gia Long thứ tư liệt hạng Thượng đẳng khai quốc công thần, thờ phụ ở Thái Miếu”.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-quan-duoc-nguoi-dan-ton-vinh-nhu-phat-bo-tat-a160873.html