Từ ngày 30-3-2017: Cơ quan hành chính cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định mới

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Theo Nghị định 09/2017/NĐ-CP, có 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, gồm: Tổ chức họp báo; Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước; Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu; Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.

Nghị định 09/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể, người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; UBND cấp tỉnh, gồm: Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được người đứng đầu giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (người phát ngôn); người được ủy quyền phát ngôn hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet))

Với các cục, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các tổ chức cấp tỉnh thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương, gồm, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí gồm: Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Cũng theo Nghị định, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã sẽ trực tiếp phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trường hợp Chủ tịch UBND không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì uỷ quyền cho cấp phó của mình thực hiện.
Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật, nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Đáng chú ý, Nghị định 09/2017/NĐ-CP nêu rõ, họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, Nghị định 09/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về cung cấp thông tin định kỳ và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường cho báo chí.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 30-3-2017, Nghị định 09/2017/NĐ-CP bãi bỏ các quy định của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí hiện hành ban hành kèm theo theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg.

Theo PL&XH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-ngay-30-3-2017-co-quan-hanh-chinh-cung-cap-thong-tin-cho-bao-chi-theo-quy-dinh-moi-a160721.html