Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc kiểm soát xung đột lợi ích được xem là ưu tiên hàng đầu trong việc tăng cường liêm chính và hiệu quả trong khu vực công. Nhưng ở Việt Nam, có doanh nghiệp cổ phần hóa không tặng quà đã bị người nhà cán bộ gọi điện để đăng ký mua cổ phần nhưng không đóng tiền. Theo các chuyên gia, việc này còn nguy hiểm hơn nhận quà vì nếu doanh nghiệp không ghi cổ phần thì việc cổ phần hóa cũng khó thành công.
Trước thực trạng trên, mới đây, tại Nghiên cứu “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”, Thanh tra Chính phủ và nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị cần luật hóa “xung đột lợi ích” để nâng cao liêm chính, tăng hiệu quả quản trị công.
Việt Nam tồn tại 6 lĩnh vực có xung đột lợi ích
“Xung đột lợi ích” là thuật ngữ quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cụm từ này được truyền thông các nước đặc biệt nói đến nhiều sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Bởi, trước khi trở thành người đứng đầu của đất nước hùng mạnh nhất thế giới, ông góp vốn trong hơn 500 pháp nhân kinh doanh và là chủ của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động trên khắp nước Mỹ và thế giới. Mối quan hệ như vậy đã khiến nhiều người lo ngại về khả năng có sự xung đột lợi ích giữa việc điều hành các tập đoàn kinh doanh của ông Trump với công việc điều hành chính quyền của ông.
Lường trước những vấn đề này, ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã thông báo sẽ chuyển quyền quản lý các khoản đầu tư cho các con. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển như vậy vẫn không thể ngăn cản được nguy cơ xung đột lợi ích vì lợi ích của gia đình, con cái ông tồn tại song hành với lợi ích của chính ông.
Ở Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mới đây đã công bố kết quả khảo sát có tên “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam” lần đầu đề cập khá toàn diện về vấn đề này.
Dựa trên việc phỏng vấn 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 đại diện doanh nghiệp và hơn 1.400 cán bộ công chức, khảo sát cho thấy 6 lĩnh vực hoạt động của khu vực công có xung đột lợi ích ở Việt Nam bao gồm: cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép, phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trong đó, các tình huống xung đột lợi ích xuất hiện phổ biến nhất là trong quản lý đấu thầu, cấp phép và phê duyệt dự án, bổ nhiệm và tuyển dụng. Còn các hình thức xung đột lợi ích phổ biến nhất là tặng quà/nhận quà bằng tiền và hiện vật; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi và ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân.
Vẫn theo khảo sát, gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ, công chức có biết việc tặng/nhận quà có mục đích chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Đặc biệt, báo cáo cho hay, cán bộ công chức và doanh nghiệp đều cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành “trào lưu”, “thông lệ”, thậm chí “luật chơi”.
Trong hoạt động đấu thầu, có tới 38% doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc thắng thầu trong một dự án là do chạy chọt, 50% doanh nghiệp cho rằng do ưu ái cho người thân.
Đối với việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, có khoảng 20% cán bộ công chức cho rằng yếu tố “con cháu và có quan hệ với lãnh đạo” là quan trọng; 35% cán bộ công chức biết rõ trường hợp lãnh đạo tuyển dụng người thân.
“Có cán bộ công chức còn khẳng định tại cơ quan mình chỉ tuyển 10 người nhưng đã có tới 100 người con em trong ngành “gửi gắm” từ cấp vụ trở lên, chưa kể ngoài ngành đã tạo nên sức ép kinh khủng” - báo cáo trích dẫn lời một cán bộ được hỏi tiết lộ.
Những kết quả được nêu trong báo cáo nói trên được đưa ra dựa trên định nghĩa nói rằng xung đột hay mâu thuẫn lợi ích là tình huống, trong đó một cán bộ công chức trong thẩm quyền chính thức của mình đưa ra hoặc phải đưa ra những quyết định hoặc có những hành động có thể có tác động tới lợi ích cá nhân của họ.
Đâu là nguyên nhân?
Báo cáo kết quả khảo sát cũng đã chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng trên. Trong đó, về mặt pháp luật, nhóm nghiên cứu cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đưa ra một khái niệm chính thức về xung đột lợi ích dù Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; Luật Đấu thầu năm 2013; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Kiểm toán năm 2014; hay Bộ luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã ghi nhận một số các tình huống cụ thể và một số biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích như tặng, nhận quà, tham gia các hoạt động ngoài công vụ, sau khi nghỉ làm việc trong cơ quan nhà nước hay trong công tác đấu thầu.
Bên cạnh đó, một số quy định kiểm soát xung đột lợi ích chưa tương đồng hoặc chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác khiến cho việc thực thi kém hiệu quả. Sự thiếu tương đồng và đồng bộ này cũng nảy sinh từ việc chưa có một cách hiểu thống nhất về xung đột lợi ích và thực tế xung đột lợi ích chưa được coi là một vấn đề có thể ảnh hưởng đến trách nhiệm giải trình của khu vực công ở Việt Nam. Các quy định hiện mới chỉ nhắm đến đối tượng là cán bộ công chức mà chưa mở rộng đối tượng là người thân của cán bộ công chức.
Về mặt nhận thức, theo nghiên cứu, đa số các đối tượng được hỏi còn chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng, hiểu chưa đầy đủ về khái niệm xung đột lợi ích dù họ có thể nhận biết được các tình huống xung đột lợi ích. Quá trình thực thi các văn bản đã có nhiều biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của pháp luật cũng chưa được thực hiện. Có từ 25% đến 40% cán bộ công chức được hỏi cho rằng cơ quan họ không thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định. Trong vấn đề đấu thầu hay bổ nhiệm cán bộ có tình trạng lập doanh nghiệp “sân sau” để trúng thầu vì các tiêu chí nhà thầu đưa ra hoặc các quyết định bổ nhiệm chỉ là “gọt chân cho vừa giày”.
Đề cao vai trò giám sát của xã hội, doanh nghiệp và báo chí
Từ kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tế ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ luật hóa các khái niệm về xung đột lợi ích và cơ chế ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về xung đột lợi ích trong quản trị công Việt Nam.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay, ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore... luật quy định các cán bộ ngoài việc không được trực tiếp nhận quà còn phải ngăn không cho vợ/chồng, họ hàng thân thích được nhận quà như một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nguy cơ xung đột lợi ích.
Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng của các quy định về xung đột lợi ích, như nhận quà biếu, việc làm ngoài công vụ, kê khai thu nhập - tài sản cho các chủ thể có quan hệ mật thiết với công chức.
Bên cạnh đó, báo cáo của Thanh tra Chính phủ và nhóm Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam cũng khuyến nghị Chính phủ có các biện pháp để nâng cao nhận thức và hiểu biết về xung đột lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân cũng như doanh nghiệp. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị phân công đầu mối theo dõi, hỗ trợ và khuyến nghị giải pháp xử lý vi phạm và tình huống liên quan đến xung đột lợi ích, đồng thời khuyến khích vai trò giám sát của xã hội, doanh nghiệp và báo chí để kiểm soát xung đột lợi ích.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/lam-gi-de-giam-xung-dot-loi-ich-cong-a160677.html