Tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai phải tạm ngừng thi công do chủ trương cắt giảm đầu tư công, dù nhiều lần kiến nghị nhưng dự án này vẫn chưa được bố trí vốn trong khi Bộ KH-ĐT lại dự kiến bố trí vốn cho 2 dự án khác.
Ngày 10/1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà có văn bản gửi Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các Bộ KH-ĐT, Tài chính đề nghị đưa dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thực hiện ý kiến của Thủ tướng ngày 2/10/2016 về việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 đối với dự án dở dang Tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai, UBND tỉnh đã có báo cáo ngày 21/10/2016 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHĐT và các Bộ ngành Trung ương đăng ký dự án nâng cấp Tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai, đoạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020.
Đến ngày 21/11/2016, Bộ KHĐT có công văn 9736/BKHĐT-TH về rà soát danh mục dự án, dự kiến vốn và hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2016-2020; trong đó dự kiến danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 tỉnh Phú Yên được bố trí là 900 tỷ đồng, gồm 2 dự án: Sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông (700 tỷ đồng) và Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo, tiểu học (200 tỷ đồng).
Qua rà soát, tỉnh Phú Yên nhận thấy dự án Sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông là công trình cấp bách quan trọng, tỉnh đã cân đối ngân sách của tỉnh giai đoạn 2016-2020 để đầu tư với kinh phí 200 tỷ đồng; đồng thời dự án Tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai là dự án chuyển tiếp, đã được bố trí 55 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP phủ giai đoạn 2011-2015, hiện đang triển khai thi công nền đường và một số công trình cầu, cống thiết yếu.
Ngày 1/12/2016, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ KHĐT và Bộ Ngành Trung ương xem xét, đưa dự án trên vào các danh mục các dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2017-2020 thay cho danh mục dự án Sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông.Với những lý do nêu trên, lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng thuận việc đưa dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với Gia Lai vào danh mục các dự án được bố trí vốn trái phiếu.
Theo ông Hoàng Văn Trà, dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai đã được bố trí 55 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015. UBND tỉnh đã rà soát, phân kỳ đầu tư và thực hiện giai đoạn 1 dự án với chiều dài tuyến là 31,54 km trên tổng số 61,3 km toàn tuyến và triển khai 8 cầu trên tổng số 15 cầu trên tuyến để phục vụ nhân dân đi lại trong mùa mưa lũ với mức đầu tư 1.547 tỷ đồng.
Điều lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên lo ngại chính là việc nếu dự án trọng điểm của tỉnh đang triển khai dở dang bị Bộ KH-ĐT “gạt ra” sẽ dẫn đến việc tỉnh phải đơn phương chấm dứt hợp đồng và sẽ phải chịu phạt 12% giá trị hợp đồng, tương ứng hơn 435,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh sẽ phải thanh toán hợp đồng với những khối lượng các nhà đầu tư đã thực hiện như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, tư vấn khảo sát thiết kế, các khối lượng đã thi công trên tuyến... Dự án dừng thi công về lâu dài cũng sẽ gây bức xúc cho nhân dân trong vùng.
Đây cũng là dự án đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo rõ về việc phải bố trí vốn để hoàn thiện các dự án dùng vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh tại cuộc việc với tỉnh Phú Yên hồi tháng 10/2016.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của dự án vào danh mục dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để trình Thủ tướng theo quy định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trí - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cho hay, nếu đầu tư xong dự án này sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế của các xã vùng căn cứ cách mạng và nó gắn liền với vấn đề an ninh quốc phòng giữa miền Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, kết nối đường quốc lộ 1 với đường 19 và đường Hồ Chí Minh. Chậm tiến độ thì dân cư sẽ bị chia cắt mùa mưa lũ, đi lại rất khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi là rất khó khăn.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Dự án BT mà vẫn xin vốn trái phiếu thì không có cơ sở để Bộ KH-ĐT bố trí. Để kịp giờ, kịp ngày trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT đưa 2 dự án Phú Yên đề nghị ban đầu (Dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông và Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mẫu giáo tiểu học - PV) vào danh sách bố trí vốn”.
Một lý do khác cũng được Bộ KH-ĐT “vin” vào đó theo các quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, có hiệu lực từ ngày 10/4/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT chỉ được thanh toán bằng quỹ đất, không quy định việc thanh toán bằng tiền.Tuy nhiên, tại khoản 6 điều 72 Quy định chuyển tiếp của Nghị định 15/2015/NĐ-CP nêu rất rõ: “Dự án đã có cam kết hoặc chấp thuận bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ưu đãi, bảo đảm đầu tư và các nội dung khác liên quan đến thực hiện dự án trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các văn bản đó”.
Trong khi Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên hiện đang thực hiện theo văn bản chấp thuận số 2490/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ký từ ngày 15/12/2009.
Theo VTC
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khong-duoc-bo-tri-von-duong-noi-phu-yen-gia-lai-lai-co-nguy-co-dang-do-a160500.html