Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ hàng loạt sai phạm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước.
Dự toán thu ngân sách “tùy tiện”
Theo đó, kết luận thanh tra khẳng định, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện việc huy động vốn cho đầu tư phát triển vượt quá quy định của Luật Ngân sách. Tại thời điểm 31/12/2015, ngân sách tỉnh Lạng Sơn đã huy động nguồn vốn để chi đầu tư phát triển là 937 tỷ đồng (vay Ngân hàng phát triển 787 tỷ đồng, vay vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước 150 tỷ đồng) bằng 62,4% tổng chi đầu tư phát triển ngân sách cấp tỉnh (1,5 nghìn tỷ đồng), trong khi đó, Luật Ngân sách năm 2002 quy định “mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh”.
Về việc giao dự toán thu ngân sách, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, việc HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn giao dự toán thu ngân sách năm 2015 đối với nguồn thu phí là chưa sát với thực tế. Theo quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015 đối với các khoản phí là 300 tỷ đồng, bằng 47% so với năm 2014. Tuy nhiên, thực tế thu lên đến 566 tỷ 384 triệu đồng, bằng 189% so với dự toán đầu năm là chưa phù hợp với quy định tại Điều 9 của Thông tư số 84 cuả Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2015.
Theo quy định của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước thì: “Đơn giá thuê đất…trả tiền hàng năm của mỗi dự án được ổn định 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước cho thuê đất… Hết thời gian ổn định, Cục trưởng Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế điều chỉnh lại đơn giá thuê đất áp dụng cho thời gian tiếp theo quy định”. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lạng Sơn vi phạm quy định trên do chậm điều chỉnh đơn giá cho thuê đất. Tại thời điểm thanh tra tháng 12/2016, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 30 trường hợp đơn giá thuê đất đã hết hạn thời hạn ổn định 5 năm, với tổng diện tích thuê là 214.932m2 nhưng cơ quan Thuế chưa điều chỉnh giá đất. Ngoài ra, còn có 31 đơn vị thuê đất nhưng chưa có đầy đủ hồ sơ thuê đất tại cơ quan Thuế với diện tích đất thuê theo kê khai là 236.231m2.
Không những thế, UBND tỉnh Lạng Sơn còn kê khai giá tính thuế tài nguyên đối với giá vật liệu xây dựng thấp hơn giá bán thực tế trên địa bàn. Kiểm tra hồ sơ khai thuế tài nguyên đối với tài nguyên giá vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Dụ, HTX dịch vụ vận tải Nông lâm sản số 1, Công ty CP Trường Sơn Lạng Sơn... đã phát hiện việc kê khai giá tính thuế tài nguyên năm 2015, 2016 đối với đá vật liệu xây dựng các loại là 55.000/m3 (theo giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành), nhưng thực tế các công ty bán với giá gấp nhiều lần so với hồ sơ kê khai.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Lạng Sơn điều chỉnh cấp quyền khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp so với ban đầu nhưng chưa xử lý phần nợ đọng Cục Thuế đã thông báo dẫn đến vướng mắc trong tổng hợp báo nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tại thời điểm 31/12/2015, nợ cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là hơn 86 tỷ đồng. Thời điểm 31/10/2016, là 107 tỷ 396 triệu đồng. Toàn bộ nợ cấp quyền khai thác khoáng sản chưa được Cục Thuế tổng hợp vào báo cáo công tác quản lý nợ và cưỡng chế thuế năm 2015. Một số doanh nghiệp có dư nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn như: Cty CP khoáng sản Minh Long hơn 12 tỷ đồng, Cty TNHH Phước Hậu nợ 7,5 tỷ đồng…
Sử dụng vốn tràn lan
Bên cạnh những sai phạm trong quá trình thực hiện các khoản thu ngân sách, kết luận của Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều sai sót trong việc giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản. Kết luận nêu rõ: “HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn phân bố kế hoạch vốn đầu tư XDCB dàn trải, không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. UBND tỉnh giao dự toán chi đầu tư XDCB năm 2015 chưa đúng quy định dẫn đến mất cân đối, không đảm bảo nguồn chi số tiền 517 tỷ đồng…Việc UBND tỉnh Lạng Sơn giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn là thực hiện chưa đúng nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án và dự kiến vốn bố trí cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm vốn cân đối địa phương tại Điều 61, Luật Đầu tư năm 2014”
Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng Sơn còn sử dụng ngân sách một cách “tùy tiện”, vi phạm Luật Ngân sách năm 2002 khi chi từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh không đúng chế độ quy định với số tiền lên đến hơn 62 tỷ đồng. Trong năm 2015, dự toán mà HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn bố trí và giao dự toán chi từ nguồn dự phòng ngân sách là 126 tỷ 090 triệu đồng. Nhưng chỉ có 3 tỷ 442 triệu đồng được chi theo đúng nhiệm vụ để khắc phục mưa lũ và tổng điều tra quân dự bị. Còn lại, chi không đúng nhiệm vụ chi của dự phòng ngân sách với số tiền lên đến hơn 62 tỷ đồng để bố trí cho các dự án đầu tư và trả nợ thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành trong năm 2015.
Việc UBND tỉnh Lạng Sơn điều hành chi bổ sung ngoài dự toán đầu năm cho đầu tư xây dựng cơ bản là không đúng quy định của Luật Ngân sách và không có ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh với số tiền 960 tỷ 533 triệu đồng, trong đó: điều hành chi bổ sung ngoài dự toán đầu năm nhưng không đúng nhiệm vụ chi của nguồn vốn và chưa có ý kiến của thường trực HĐND tỉnh số tiền 336 tỷ 211 triệu đồng. Điều hành chi bổ sung ngoài dự toán đầu năm nhưng chưa có ý kiến của thường trực HĐND số tiền 624 tỷ 322 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng sơn phân bổ vốn vay tín dụng ưu đãi cho các dự án không đúng nhiệm vụ chi của nguồn vốn số tiền 195 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc UBND tỉnh phê duyệt dự án không khả thi dẫn đến dự án triển khai bị chậm tiến độ, nợ đọng thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành lớn. Một số dự án phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhưng không có vốn để triển khai dẫn đến phải dừng thực hiện.
Trong đó, điển hình là dự án đầu tư Trạm kiểm soát liên hợp Than Muội (Dự án) do UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt không khả thi, không phát huy được hiệu quả nguồn vốn, gây lãng phí nguồn ngân sách gần 60 tỷ đồng. Được biết, Dự án này hoàn thành vào năm 2016 với giá trị quyết toán là 57 tỷ 399 triệu đồng (vốn NSNN và các nguồn vốn khác). Tuy nhiên, do việc khảo sát, địa điểm xây dựng không phù hợp dẫn đến khi sử dụng không phát huy được hiệu quả, nên chính UBND tỉnh Lạng Sơn lại chuyển giao cho UBND xã Quang Lang (huyện Chi Lăng) quản lý, sử dụng.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng xác định, việc UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn TPCP là không đúng quy định, vượt quá khả năng của nguồn vốn dẫn đến phải điều chỉnh dự án, đầu tư không đồng bộ, có nguy cơ lãng phí lớn. Mặt khác, quá trình thi công dự án này mắc hàng loạt sai phạm trong đó, riêng quá trình khảo sát địa chất công trình không đảm bảo dẫn đến khi thi công gặp đá cứng phải dịch chuyển công trình làm phát sinh chi phí, gây lãng phí vốn đầu tư số tiền 47 tỷ 978 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phê duyệt dự toán công trình tăng không đúng 41 tỷ 951 triệu đồng, dẫn đến giá trị trúng thầu và ký hợp đồng cao hơn quy định số tiền 39 tỷ 245 triệu đồng. Kiểm tra 32 gói thầu thuộc 22 dự án tại 8 đơn vị gồm : Ban quản lý ĐTXDCT Hạ tầng kỹ thuật, Ban quản lý ĐTXD công trình dân dụng, Ban quản lý dự án các công trình NN và PTNT, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, Ban QLDA ĐTXD huyện Chi Lăng, Ban quản lý ĐTXD các công trình giao thông, Sở Y tế, Công ty CP cấp thoát nước Lạng Sơn được giao nhiệm vụ chủ đầu tư thấy các chủ đầu tư đã phê duyệt dự toán công trình tăng chưa đúng 41 tỷ 951 triệu đồng, dẫn đến số tiền phải giảm trừ khi nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình là 39 tỷ 245 triệu đồng.
Trước thực trạng, việc các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn sẽ kiểm điểm và xử lý như thế nào đối với các tổ chức và cá nhân liên quan, tránh những sự việc tương tự gây lãng phí nguồn ngân sách là câu hỏi mà dư luận đang rất quan tâm.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ket-luan-thanh-tra-ngan-sach-tinh-lang-son-hang-loat-sai-pham-trong-quan-ly-thu-chi-a160340.html