Tự tình dân tộc trong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao

(Pháp lý) - Như một niềm tri ngộ, cứ mỗi độ xuân về trong rạo rực hân hoan đất trời và tình yêu con người, lòng tôi lại khe khẽ rung lên những giai điệu bồi hồi, sâu lắng của “Mùa xuân đầu tiên”, một tuyệt phẩm kỳ diệu của nhạc sĩ Văn Cao.

 Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995)
Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995))

Là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca nhạc họa, mùa xuân đã hiện thân trong rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ tài danh từ tiền chiến đến hiện đại với đủ cung bậc, sắc thái tình cảm, để lại cho kho tàng âm nhạc Việt nhiều bài “Xuân ca” bất hủ, trường tồn theo thời gian. Trong đó có “Mùa xuân đầu tiên”.

Như định mệnh đời người, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có số phận riêng, ca khúc cũng không ngoại lệ. Một bài hát có khi được đón nhận nồng nhiệt ngay từ lúc chào đời và trở thành bất tử trong tâm thức nhiều thế hệ. Có thể chịu cảnh chết yểu ngay trên ngọn sóng tung hô phong trào. Và cũng có khi vừa xuất hiện đã bị lấp vùi trong vũng lầy định kiến, để vài chục năm sau giá trị thật mới được phô bày qua lăng kính trong suốt của lịch sử cùng sự cảm thụ tinh tế của công chúng.

Tháng Chạp năm 1995, tôi ghé qua cửa hàng audio của anh bạn thân D.C trên đường Hùng Vương thành phố Pleiku để sang băng nhạc xuân nghe tết. Không chỉ in sang băng đĩa chuyên nghiệp, D.C còn là người nổi tiếng sành nhạc, tín đồ của nhạc tiền chiến và nhạc Phạm Duy. Trong lúc nhâm nhi cà phê, anh bật máy cassette và bảo: “Mình vừa sưu tầm được một ca khúc mới của Văn Cao. Một bản nhạc xuân rất hay đúng chất Văn Cao ông ạ”. Ngay sau đó, gian phòng nhỏ ngập tràn giai điệu valse lưu luyến và một giọng ca nữ trong trẻo cất lên: “Rồi dặt dìu, mùa xuân chim én về…”

Tôi từng nhiều lần đắm mình trong âm nhạc Văn Cao. Cùng vấn vương hình bóng giai nhân giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng trong Bến xuân, Suối mơ. Cùng phiêu du thoát tục trong miền hư ảo của Thiên thai. Và cuộn trào những cảm xúc bi tráng với những bản hùng ca Bắc Sơn, Trường ca sông Lô. Nên lần đầu nghe “Mùa xuân đầu tiên” tại cửa hàng audio của anh bạn, tuy vẫn cảm nhận đây là một ca khúc hay nhưng thật sự tôi chưa có ấn tượng sâu sắc bằng những ca khúc trước của người nhạc sĩ tài hoa. Nhưng khi về một mình nghe lại, tôi mới dần nhận ra sự tinh tế, điêu luyện ẩn trong những giai điệu, ca từ bình dị. Không chỉ khắc họa khung cảnh mùa xuân đoàn tụ đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, toàn bài còn bàng bạc những khắc khoải, ưu tư sâu kín mang tâm hồn thời đại.

Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào thời điểm giáp tết Bính Thìn 1976, một chỉ dấu “bước qua lời nguyền” sau hai mươi năm tạm ngưng cuộc rong chơi giữa thế giới âm nhạc. Như một tất yếu phải xảy đến mà lời đặt hàng của báo Sài Gòn Giải Phóng chỉ là sự gợi mở. Không còn những da diết đắm say, những lãng mạn huy hoàng và cuộn trào mãnh liệt, cả giai điệu lẫn ca từ của “Mùa xuân đầu tiên” rất nhẹ nhàng, dung dị. Như đóa hoa đồng nội khiêm nhường cạnh những khóm hướng dương thoải mái phô phang sắc vàng, những bông hồng vươn dáng kiêu sa trong khu vườn âm nhạc lúc bấy giờ.

Là một nhà thơ có tư tưởng cách tân quyết liệt, một bậc thầy về ngôn từ nhưng trong “Mùa xuân đầu tiên”, ngoài hai cụm từ “mùa bình thường”, “mùa vui” mang tính biểu dụ, tượng trưng, còn lại trong toàn bài Văn Cao chỉ thể hiện những từ ngữ, hình ảnh quen thuộc, gần gũi. Phiên khúc một là nét chấm phá bến sông quê thanh bình với khói bay trên sông, tiếng gà gáy trưa. Phiên khúc hai như thước phim quay chậm hình ảnh người mẹ đón đàn con trở về với những giọt nước mắt đoàn viên rơi trên vai áo, giờ phút thiêng liêng trong xuân vui đầu tiên để tự sự cất cao trong điệp khúc: “Từ nay người biết quê người/ Từ nay người biết thương người/ Từ nay người biết yêu người”. Là biểu lộ lạc quan hay khát vọng nhân sinh gửi gắm?

Không tưng bừng cờ hoa theo nhịp bước khải hoàn, không mơ màng viễn cảnh tương lai sáng lạn, không tung hô khẩu hiệu khuôn sáo véo von, thời điểm ấy, Văn Cao chọn cho mình cách tiếp cận riêng, bình dị, gợi mở, mang tính khái quát rất cao cùng nghệ thuật thể hiện bậc thầy. Những giai điệu, ca từ tưởng chừng bình thường cùng hòa quyện, quẫy cựa biến ảo, nhẹ nhàng thấm vào hồn người, lắng đọng những cảm xúc đan xen. Có lẽ vì thế mà “Mùa xuân đầu tiên” ngay khi vừa xuất hiện đã bị săm soi, phán xét là mơ hồ, phức tạp, thiếu tính giai cấp và trở thành đứa con lạc loài trong đại gia đình âm nhạc Việt suốt mười mấy năm sau. Để đến năm 1994, công chúng yêu nhạc mới bắt đầu được thưởng thức ca khúc này trong các chương trình biểu diễn chính thức. Một tác phẩm âm nhạc có số phận long đong hết sức khác thường như chính cuộc đời tác giả và được xem như tuyệt tác cuối cùng của Văn Cao.

image003

Tôi không có may mắn được gặp ông ngoài đời, chỉ thấy trên phim ảnh. Và ấn tượng vô cùng hình ảnh ông cùng người bạn đời Thúy Băng đi giữa chợ hoa tết trong bộ phim Giấc mơ một đời người của đạo diễn Đinh Anh Dũng. Giữa bời bời sắc hoa, gương mặt gầy của ông hiện lên, những vết hằn năm tháng giãn ra cùng mái tóc pha sương, chòm râu phơ phất. Miệng cười vui nhưng trong mắt thấp thoáng những suy tưởng xa xăm nào đó như thể thế giới này không thuộc về ông. Hình ảnh ấy bám riết lấy tôi suốt nhiều năm sau. Cho đến những năm 2000 ra Hà Nội học, trong lần đến thăm nhà văn Sơn Tùng ở ngõ Văn Chương, được nghe ông kể chuyện nghề, chuyện đời, trong đó có nhiều mẩu chuyện về người nghệ sĩ đàn anh là nhạc sĩ Văn Cao. Từ đó, thi thoảng có dịp tôi lại đến, để được đàm đạo cùng nhà văn trên căn gác hẹp, nơi bao năm trước Văn Cao đã từng ngồi với những người bạn vong niên, tri kỷ. Mường tượng như Văn Cao vẫn đang hiện hữu đâu đây, thân hình gầy gò trong tấm áo len cũ, chén rượu trên tay mắt nhìn khắc khoải, thẫn thờ nghe ai đó đọc thơ mình: “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi…” .

Gần hai mươi hai năm từ ngày ông rời bỏ cõi tạm. Vượt qua bao định kiến hẹp hòi, đố kỵ, “Mùa xuân đầu tiên” giờ đã khẳng định giá trị vững bền trong lòng người yêu nhạc, trở thành viên ngọc sáng trong gia tài âm nhạc Việt. Cùng những ca khúc trữ tình lãng mạn “thần tiên bay bổng”*, “những đoạn nhạc hùng tuyệt diệu”**, “Mùa xuân đầu tiên”, một ca khúc “tự tình dân tộc” gói ghém những ước vọng muôn thuở của con người đã thêm một lần khẳng định tài năng nghệ thuật hiếm có của người nhạc sĩ được Bách khoa toàn thư Wikipedia xem như huyền thoại của Việt Nam.

NGUYỄN TOÀN

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-tinh-dan-toc-trong-ca-khuc-mua-xuan-dau-tien-cua-nhac-si-van-cao-a160250.html