Sau 3 năm thực hiện, Bộ luật Lao động năm 2012 đang được kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điều khoản mà thực tế thi hành gặp vướng mắc, bất cập cũng như thực tế đã phát sinh các nội dung mới mà luật chưa đề cập, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động...
Qua đánh giá tổng kết thi hành và ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, địa phương, nội dung của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định trong 3 nhóm nội dung quan trọng và ở 11 chủ đề lớn.
Cải thiện môi trường sử dụng lao động
Thứ nhất, nhóm nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung những bất cập từ thực tiễn áp dụng của Bộ luật Lao động và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp về tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động.
Trong nhóm này, dự thảo tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các chủ đề lớn. Cụ thể, về Hợp đồng lao động (sửa đổi, bổ sung các quy định về loại hợp đồng lao động, cho phép ký kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với lao động cao tuổi và lao động nước ngoài, sửa đổi các quy định về chấm dứt hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc, tiền ký quỹ...). Về Kỷ luật lao động, sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý, nội quy lao động, các quy định cấm đối với lao động nữ, lao động nuôi con nhỏ...
Về Lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam, sửa đổi, bổ sung các quy định về công việc được vào làm việc, điều kiện của người nước ngoài vào làm việc... Về tiền lương, sửa đổi, bổ sung các quy định về định nghĩa, cơ cấu tiền lương, tiêu chí và các yếu tố xác định mức lương tối thiểu, thành phần hội đồng tiền lương quốc gia, trả lương làm thêm giờ, lương làm việc ban đêm...
Liên quan đến vấn đề thời giờ làm việc, dự thảo đang thể hiện 2 phương án quy đinh tăng giờ làm thêm của người lao động để xin ý kiến và sửa đổi, bổ sung các vấn đề kỹ thuật khác như thời giờ nghỉ ngơi, tạm ứng tiền lương khi nghỉ phép... Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo đang thể hiện hai phương án vê nghỉ hưu để lấy ý kiến. Về các tiêu chuẩn lao động khác, dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về lao động trẻ em như danh mục công việc, điều kiện lao động, vấn đề cưỡng bức lao động, hành vi phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (các quy định về bảo vệ đối với lao động nữ, lao động đặc thù khác).
Đồng bộ hóa các quy định của pháp luật lao động
Nhóm nội dung thứ hai được đề xuất sửa đổi liên quan đến việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính đồng bộ với các luật khác. Theo đó, Dự thảo Luật tập trung vào việc thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động, quan hệ lao động. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định tại chương Việc làm để phù hợp với Luật việc làm, chương Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp, chương An toàn lao động – Vệ sinh lao động để phù hợp với Luật an toàn, vệ sinh lao động, chương Giải quyết tranh chấp lao động để phù hợp với Bộ luật Tố tụng Dân sự, chương Hợp đồng lao động và các chương khác để phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Trong nhóm nội dung liên quan đến nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Dự thảo tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các chủ đề lớn sau: Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (điều kiện thành lập, đăng ký, hoạt động, giải thể, các hành vi nghiêm cấm); Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và Thỏa ước lao động tập thể (cơ chế xác định chủ thể đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp để tham gia vào đối thoại, thương lượng); Giải quyết tranh chấp lao động (sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động bằng hòa giải và trọng tài lao động, chủ thể lãnh đạo và tổ chức đình công, phạm vi đình công, trình tự thủ tục đình công); Quản lý nhà nước về lao động (cơ quan quản lý nhà nước đăng ký tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp).
Với những nội dung nêu trên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động có khoảng 90 điều của Bộ luật Lao động hiện hành sửa đổi và bổ sung mới khoảng 10 điều.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-luat-lao-dong-se-sua-doi-nhung-noi-dung-gi-a160091.html