Người ta thường nói, ở đời nhiều cái rất đẹp rất hay nhưng cứ lặp lại hoài thì đẹp hay đến đâu cũng trở thành nhàm. Điều này không đúng với Xuân.
Xin đừng quên nhau: Lời hoa muốn nói là tập tạp bút của nhà báo/nhà văn Phan Quang về chủ đề hoa. Với vốn sống sâu rộng, kiến văn độc đáo, cuốn sách không chỉ đem tới cho người đọc những chia sẻ thú vị về hoa mà còn là về nhân sinh, cuộc sống.
Nhân dịp Tết đến, xuân về, Zing.vn trích đăng một số bài viết trong cuốn sách vừa được NXB Kim Đồng ấn hành.
Xuân năm nào cũng đến, Xuân đúng hẹn lại lên nhưng Xuân luôn luôn mới. Có thể năm ngoái Tết lất phất mưa phùn, xuân này hanh heo, thời tiết có khác nhưng sớm muộn cây cối vẫn đâm chồi, nhanh chậm rồi trời cũng ấm, hoa xuân bừng nở.
Cùng với Xuân con người già dặn hơn lên, dân tộc thêm bản lĩnh, dù có trải qua thăng trầm. Xuân là đổi mới. Xuân là tiến triển.
Bảy mươi năm qua, tính từ ngày thành lập chế độ cộng hoà, một chặng đường rất ngắn mà tiêu biểu làm sao cho lịch sử dài lâu của dân tộc. Bảy mươi năm đánh thắng mấy cuộc chiến tranh, vượt qua mấy lần trì trệ, tình nghĩa đồng bào có thời tổn thất, rốt cuộc non sông quy về một mối, người Việt Nam dù sống ở nơi đâu lòng vẫn hướng về nguồn cội, cùng ngẩng cao đầu tự hào mình là dân tự do một nước độc lập.
Mặc cho những điều xuyên tạc, cái nổi trội bao trùm lên mọi hạnh phúc, khổ đau bảy mươi năm qua rốt cuộc là rạng rỡ hai tiếng Việt Nam, trước kia chưa có trên bản đồ thế giới. Bảy mươi năm qua, có xuân tưng bừng hào khí, có xuân người người cắn răng vượt khó, anh em một mẹ có lúc bất hoà, chung cục nước Việt Nam trọn vẹn già dặn với xuân, qua mỗi mùa xuân vững mạnh hơn lên giữa thế giới tiềm ẩn những chuyện khó lường.
Câu chuyện trên quá đỗi bình thường, ai chẳng biết - chắc có người bảo. Cái hùng vĩ là ở chỗ bình thường ấy. Toàn dân mỗi lần gặp gian truân là đồng lòng vượt khó đi lên, mà là chuyện bình thường của một đất nước. Cái bình thường đó là bản lĩnh, là căn cước, là hành trang cho Việt Nam ta tự tin hội nhập thế giới đương đại hài hoà nhiều bản sắc.
Nói như lời một học giả nước ngoài, những sự kiện căng thẳng tại biển Đông rốt cuộc “có lợi” cho Việt Nam, bởi đó là dịp để người Việt bộc lộ bản lĩnh và tư thế của mình, chứng tỏ khối đoàn kết ở nước ấy thời đại nào cũng vững bền trên nền tảng bất biến: quyết tâm gìn giữ non sông và chủ quyền đất nước, vì cuộc sống yên bình của người dân.
Mùa Xuân biểu hiện sự vĩnh hằng. Một đoá hoa xuân rồi đến lúc tàn phai, một cành hoa xuân sang hè sẽ trơ trụi, nhưng hoa xuân mãi mãi trường tồn. Không có bom đạn nào hủy diệt được hoa xuân.
Tết Quý Sửu 1973, ngay sau khi Hiệp định lập lại hòa bình có hiệu lực, chúng tôi qua sông Bến Hải sang bờ Nam thăm hỏi đồng bào. Làng quê sặc nồng mùi bom đạn chắc còn lâu nữa mới tan. Đất đai bị đạn bom đào xới còn đầy thương tích, các lũy tre xanh tốt trước đây nếu không bật gốc thì cũng chịu đạn phạt ngang. Anh cán bộ cơ sở than: “Tụi tôi muốn giương cao, thật cao, cao hơn nữa lá cờ Mặt trận ở xã mình, vậy mà chạy suốt cả làng không tìm ra cây sào làm cán!”.
Thăm mấy đơn vị quân ta bám trụ ở tiền tiêu, đêm chúng tôi nghỉ lại trong một căn hầm chữ A. Tết miền Trung không rét. Vẫn còn tiếng đại bác xa xa nhưng nơi đây không hiểu sao thật sự yên bình.
Sương mù lãng đãng. Sáng tôi ra khỏi hầm vươn vai hít thở không khí trong lành. Một thoáng bình minh tĩnh lặng tới mức tôi không tin nổi ở tai ở mắt mình, mà ngỡ như đang bị cuốn hút vào một tiểu thuyết đồng quê nào đó.
Chợt nhìn thấy kia, ngay bên mô đất đắp quanh gia cố căn hầm, một điểm vàng nho nhỏ. Một đóa mai vàng, một đóa hoa duy nhất nhô lên khỏi mặt đất, và điều diệu kỳ là cánh mai vừa mới nở. Các cánh mai vàng vốn mảnh mai như tên gọi của nó mà sao lúc này tôi nhìn thấy như thể chúng hơi dày, dường như được kết bằng nhung: tại một lớp sương đêm lặng lẽ ghé xuống hoa lúc nào, đang chực bay đi tránh cái nóng ban ngày.
Đóa hoa mai vàng từ đâu xuất hiện? Đất quanh đây nếu không bị xới tung vì bom đạn thì cũng chịu cuốc xẻng quân ta đào đắp công sự. Tôi khom người thử kéo nhẹ cành hoa ngắn cụt mong manh nhưng nó khăng khăng không rời khỏi đất.
Vùng này cao, không ngập lụt hằng năm, cho nên thời trước nhà nào cũng trồng một vài cây mai vàng trước ngõ. Tết đến, các cụ ra cắt vài cành nụ chưa hé cắm lên bàn thờ tông tổ, và mai vàng sẽ nở sớm tại nơi thờ phụng, bởi ấm cúng hơn ngoài trời. Nhưng đã lâu rồi, đạn bom dữ thế, làm sao còn có mai!
Chắc hẳn trước kia đây có gốc mai già, nó bị bao lần vùi dập, hết lớp đất này đến tầng đất khác chồng lên, nhưng mai vàng không âm thầm chịu chết, mai vẫn sống, vẫn vươn lên khỏi đất đợi đến lúc xuân về bừng nở một đóa hoa! Tôi ngắm đóa mai vàng hiện hữu mà cứ tưởng như trong cổ tích. Nhưng đóa hoa vàng vẫn đằm thắm kia trong sương mai, ai cũng có thể ngắm, ai cũng có thể sờ.
"Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua hiên trước một nhành mai."
Một ngàn năm trước, Mãn Giác thiền sư dùng hai câu ấy kết bài kệ thâm trầm của ngài. Một ngàn năm sau, kẻ hậu sinh ngẫm ngợi: Nhành hoa bị vùi lấp bởi chiến tranh kia vẫn sống vẫn vươn vẫn nhô lên khỏi đất để ra hoa đúng hẹn xuân về, dù mỗi một đóa thôi, là tín hiệu là biểu trưng bản sắc và ý chí trường tồn của dân tộc ta đó.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/mot-doa-mai-vang-a160042.html