Làng tỷ phú trên đất cù lao

Nhiều năm nay, 3 xã cù lao Giêng: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (Chợ Mới, An Giang) trở thành thủ phủ xoài 3 màu nổi tiếng miền Tây. Người dân giàu lên thành tỷ phú nhờ trồng xoài, diện mạo của một vùng quê ngày càng khởi sắc...

Dân “đổi đời”

Tại 3 xã cù lao Giêng, 100% nông dân chuyển sang trồng xoài và cây ăn trái, bởi cây xoài mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, chi phí thấp. Từ người tiên phong đưa cây xoài 3 màu về trồng ở xã Bình Phước Xuân để xuất khẩu như ông Nguyễn Hoàng Dư, đến nay nông dân 3 xã này đều khấm khá nhờ trồng xoài. Xoài 3 màu luôn đứng ở mức 20.000-38.000 đồng/kg, trái vụ lên đến 40.000-60.000 đồng/kg.

Bình quân một công trồng 90-100 gốc xoài, thu hoạch hơn 2 tấn/năm, lãi ròng 40-50 triệu đồng. Từ đó, diện tích trồng cây ăn trái của huyện Chợ Mới không ngừng được mở rộng, kéo theo thương mại- dịch vụ- du lịch phát triển. 3 xã cù lao Giêng hình thành hơn 40 vựa xoài, thu mua và đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung, sang thị trường Trung Quốc và đang được Hàn Quốc, Nhật Bản… đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua xuất khẩu.

130.1
Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp Trần Phú Hào thông tin: "Từ năm 2011 đến nay, nông dân chuyển dịch 100% diện tích, với 1.620 héc-ta từ lúa sang trồng xoài, nâng thu nhập bình quân đầu người rất cao, số hộ khá và giàu tăng nhanh chóng. Mỹ Hiệp có 16 vựa xoài rộng 200-300m2, với lượng thu mua 200-300 tấn xoài/năm, mỗi vựa xoài thu nhập mấy tỷ đồng/năm, giúp chủ vựa mua đất, sắm xe tải; hàng chục vựa nhỏ cũng làm giàu từ xoài". Ở xã Tấn Mỹ xuất hiện nhiều nông dân trồng xoài có thu nhập bạc tỷ như hộ ông Gia (ấp Tấn Quới), với 2 héc-ta xoài thu nhập 1,3 tỷ đồng; ông Liêu (ấp Tấn Thuận) trồng 1 héc-ta xoài, thu nhập 1,1 tỷ đồng; ông Ngọt (ấp Tấn Bình) thu nhập 2,5 tỷ đồng từ 4 héc-ta xoài; ông Thơ (ấp Tấn Phước) làm vườn kết hợp làm dưa cóc và dưa xoài, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/ năm.

“Nông dân bây giờ không phải dãi nắng dầm mưa, mua thiếu chịu vật tư nông nghiệp. Chỉ cần bán 1 vụ xoài là cầm vài trăm triệu đồng đi gửi ngân hàng"- một chủ vườn nói. Ở xã Mỹ Hiệp, nông dân Dương Văn Năng giờ đã thành ông chủ vườn xoài 4 héc-ta và là chủ vựa xoài Mười Hòa Khánh lớn nhất xã, bình quân vô vụ thu mua từ 15-20 tấn xoài/ngày, giao chủ vựa ở Lạng Sơn, đóng hàng chở thẳng qua Trung Quốc. Những tỷ phú gốc nông dân trồng xoài ở đây dày dạn kinh nghiệm, có khi hơn cả… kỹ sư. Bởi, họ biết ghép bo, xử lý ra hoa trái vụ, cho trái quanh năm, tự điều trị nấm bệnh,...

Nông dân năng động, sáng tạo

Bình Phước Xuân là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và vườn, đặc biệt là cây xoài 3 màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với hướng đi này, nâng giá trị đất cồn lên trên 100 triệu đồng/công, đất trồng xoài 150 triệu đồng/công và giá trị sản xuất trên 300 triệu đồng/héc-ta/năm.

130.2
Chú ba Rong bộc bạch: "Đời chú trước đây sống trong cảnh khó khăn, nhờ thu lợi nhuận từ xoài mà mua đất dần dần, nay được hơn 3 héc-ta chuyên trồng xoài. Năm ngoái, bán 25 công xoài cóc thu về hơn 400 triệu đồng, vụ này đạt hơn 35 tấn xoài cóc, nếu được giá 17.000 đồng/kg thì cầm chắc trong tay 600 triệu đồng". "Nếu như không trồng xoài, đời sống người dân không phát triển như hôm nay. Dân cù lao giờ giàu sang, ở nhà mới, đi xe xịn"- chú ba Rong nói chắc nịch. Chú kể: "Từ những mô hình đầu tiên dân tự trồng xoài, khi thấy hiệu quả Nhà nước chủ trương cho chuyển đổi cây trồng. Thế là, ùn ùn lên liếp trồng xoài. Không chỉ chuyển ruộng thành vườn, nông dân còn tận dụng trồng xoài ở trước nhà, sau hè, kể cả chân đê nuôi ước mơ trở thành tỷ phú ".

Trồng, mua bán, xuất khẩu xoài đã trở thành đề tài thời sự trong ngày và là đề tài chính ở quán cà phê tại 3 xã cù lao Giêng. Ngay nay về cù lao Chợ Mới, dọc các tuyến đường, ngoài đồng, san sát bóng xoài trĩu quả xum xuê. Với thương hiệu “xoài 3 màu cù lao Giêng”, cũng là sản phẩm trái cây đầu tiên của An Giang được công nhận VietGAP, đã có nhiều nước như Thụy Sĩ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến tham quan và đặt yêu cầu ký kết hợp đồng với số lượng lớn.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trương Trung Lập cho biết: "Tổng diện tích trồng cây ăn trái của huyện đạt 5.263 héc-ta, trong đó có 4.517 héc-ta trồng xoài 3 màu (chiếm 85,8%). Để xoài luôn giữ giá cao và đầu ra ổn định, không lệ thuộc thị trường Trung Quốc, tỉnh và huyện đang hỗ trợ xúc tiến thương mại ở thị trường các nước; thành lập Hợp tác xã sản xuất GAP (70 héc-ta xoài được công nhận VietGAP); kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến xoài, để ngày càng có nhiều tỷ phú đi lên từ nông nghiệp và nông thôn càng đổi mới.

Theo An Giang Online

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lang-ty-phu-tren-dat-cu-lao-a160038.html