Việc Bộ Tài chính buộc các thứ trưởng nhận khoán xe công là sự khẳng định từ nay, quan cũng phải đi lại như dân
[caption id="attachment_159963" align="aligncenter" width="599"]
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí tới nơi làm việc bằng taxi[/caption]
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ phải đi đầu về tiết kiệm, chống lãng phí, có ý thức tiết kiệm từng đồng thuế của dân.
Bản thân Thủ tướng đã không mua ô tô mới theo tiêu chuẩn, ban hành quy định đoàn công tác của Chính phủ đi công cán ở địa phương tối đa chỉ được bố trí 3 ô tô tháp tùng. Thông điệp tiết kiệm của Chính phủ trở nên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ chọn phương án sử dụng máy bay thương mại trong chuyến công du một ngày đến Thái Lan hôm 28-10-2016.
Hiệu quả của thông điệp rất mới này là tính kinh tế bởi điểm khác biệt giữa hình thức bay chuyên cơ với bay thương mại cơ bản là ở kinh phí. Còn về tiêu chuẩn phục vụ Thủ tướng và các thành viên trong đoàn công tác vẫn phải được triển khai theo đúng quy định nghiêm ngặt của Luật Cảnh vệ.
Bay chuyên cơ của lãnh đạo cấp cao Đảng và nhà nước gồm 2 cấp độ: chuyên cơ và chuyên khoang. Với chuyến công du ngày 28-10 đến Thái Lan bằng máy bay Airbus 321, nếu bay chuyên cơ, giá thuê (thanh toán từ ngân sách nhà nước) theo quy định của Bộ Tài chính là 71,75 triệu đồng/giờ bay. Còn một khoản phí khác là trong lúc máy bay nằm chờ tại sân bay nước ngoài, mỗi giờ ngân sách phải trả 9 triệu đồng (chưa bao gồm thuế GTGT). Trong khi đó, chọn phương thức bay thương mại, Văn phòng Chính phủ chỉ phải trả duy nhất một loại chi phí thuê chuyên khoang với giá thuê được tính bằng 90% giá vé hạng thương gia của chuyến bay đó nhân với số ghế thiết kế trong khoang được thuê. Mà giá bay Hà Nội - Thái Lan chỉ ngang bằng với giá vé bay Hà Nội - TP HCM, thậm chí còn thấp hơn. Số chỗ còn lại trên chuyến bay, hãng hàng không vẫn bán vé khai thác như kế hoạch vì đây là chuyến bay thường lệ.
Cơ quan có trọng trách nắm giữ ngân khố quốc gia là Bộ Tài chính đã theo gương Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bỏ hết tiêu chuẩn xe công phục vụ chức danh Thứ trưởng.
Từ ngày 1-10-2016, cả 6 thứ trưởng của Bộ Tài chính cùng với cấp trưởng các tổng cục, ủy ban trực thuộc đồng loạt nhận khoán tiền tự lo phương tiện đi làm. Mỗi người nhận một mức tương ứng với quãng đường thực tế tính chính xác đến từng km theo đồng hồ taxi chạy thử, ngày 2 lượt nhân với 22 ngày làm việc trong tháng.
Người trong cuộc cảm thấy “việc này bình thường thôi” nhưng dư luận lại thấy... lạ. Ngày đầu tiên thực hiện chính sách khoán xe, nhiều phóng viên có mặt ở cổng cơ quan Bộ Tài chính để xem các thứ trưởng đi làm bằng gì, chụp hình, quay clip đăng báo. Ấn tượng nhất là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí. Ông dừng từ ngoài cổng, một tay xách cặp, một tay xách chiếc túi to lỉnh kỉnh bước xuống từ ghế sau taxi khiến nhiều người thấy lạ lẫm. Thứ trưởng Chí trải lòng: “Khi bức ảnh này đăng lên báo, bạn bè tôi hỏi: “Ông là thứ trưởng mà sao tay xách nách mang nhiều đồ kỳ vậy”. Tôi bảo: “Tại hôm đó có việc phải đem theo trang phục, không tự mình xách vào thì ai làm thay đây”. Có hôm đi làm, người dân xung quanh nhìn thấy thứ trưởng bước xuống từ taxi liền hỏi: “ông đi làm bằng taxi thật à?”, ông Chí bảo: “Đi thật chứ giả gì”.
Khi thông tin khoán xe công rộ lên, Văn phòng Bộ Tài chính cho biết có khá nhiều thứ trưởng gọi điện thoại sang bảo Bộ Tài chính “sao tự lấy đá ghè chân mình”. Rồi dư luận có nhiều ý kiến “mổ xẻ” tiền khoán xe vẫn cao, chỉ khoán chặng đường từ nhà đến cơ quan ngày 2 lượt thì chả tiết kiệm được bao nhiêu...
Thế mới biết đây không phải việc dễ dàng. Bởi nói như chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc bắt buộc nhận khoán xe công của Bộ Tài chính là sự khẳng định thứ trưởng không còn tiêu chuẩn xe riêng nữa, từ nay, quan cũng phải đi lại như dân. Đây là bước tiến trong tư duy làm quan chứ không đơn thuần là câu chuyện tiết kiệm. Không phải cứ dịch vụ công là nhà nước phải làm mà có thể chuyển sang hình thức tài chính, tức là thay bằng một khoản chi tiêu công. “Bây giờ có danh cũng phải giảm bớt đặc quyền đặc lợi cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Đó mới là điều căn bản” - ông Vũ Đình Ánh nói.
Lan tỏa
Hành động đi máy bay thương mại của Thủ tướng và khoán xe công cho cấp thứ trưởng ngay lập tức đã gây hiệu ứng lan tỏa trong xã hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Dư luận kỳ vọng đây chính là mệnh lệnh từ thực tiễn để rồi sau đó mở rộng áp dụng cho hơn 80 bộ, ngành, địa phương khác trong cả nước với cả ngàn người đang có tiêu chuẩn được phục vụ xe theo chức danh.
Theo NLD
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thay-doi-tu-duy-lam-quan-a159962.html