Một sớm nào đó mẹ ngồi dậy, sột soạt bọc đựng cau trầu. Chốc sau đã thấy nhai bỏm bẻm, nước trầu tứa ra quanh miệng, đỏ tươi...
Bà sẽ lụm đụm ra vườn mần cỏ, còng lưng hái lá diếp cá và chong mắt bắt sâu. Mẹ đón anh về nhà bằng câu quen thuộc: “Về rồi à bây!”.
Lâu lắm rồi, anh chưa nghe lại câu đó. Hình dung ấy anh mường tượng trong mỗi sớm thức dậy. Thực tế hôm nào trước khi đi làm anh cũng lau người mẹ sạch sẽ, thay ga giường, đổ bô rồi với tay lay thằng Tú dậy trông bà chú đi làm.
Tú lanh lắm, chẳng biết ai bày mà cô gái nào tới nhà nó cũng gọi bằng thím ngọt lịm. Anh làm mặt nghiêm đe nạt, nó cười hề hề rồi chạy tới bên giường thủ thỉ với mẹ anh: “Chú Út phải lấy vợ nội nhỉ, chớ để già ai thèm ưa”.
Tính ra từ trước đến nay, Hiên là người con gái đến nhà anh nhiều nhất. Hồi đó có vài cô gái chủ động ngỏ ý với anh. Phụ nữ thời nay mạnh dạn lắm, thích là bật đèn xanh, thậm chí không thấy đối phương có tín hiệu chi thì lấn tới. Im lặng là đồng ý, ai cũng nghĩ thế cả.
Họ đến chơi nhà, thấy mẹ anh nằm đó hẳn đã ngần ngại. Anh cười tươi, tự nhiên buột miệng kể nào là sáng ra đổ bô cho mẹ xong mới đi làm, rằng mẹ anh nằm vậy chớ nói gì bà cũng nghe, anh tin một ngày nào đó mẹ sẽ ngồi dậy được... Cố nén vẻ thất vọng, có cô xuýt xoa bày tỏ cảm thông, có cô lóng ngóng lại gần ngó mẹ anh thăm hỏi. Nhưng bận sau, tuyệt nhiên chẳng thấy ai trở lại nhà lần nữa.
Hồi mới gặp chuyện, Thanh lúc ấy vẫn ở bên anh. Cô an ủi, động viên và cùng anh vào bệnh viện trông mẹ hằng đêm. Bữa bác sĩ lắc đầu thông báo các kết quả thăm khám, anh lẳng lặng về phòng tự tay thay bọc nước tiểu treo đong đưa cuối giường của mẹ. Sau lần ấy, Thanh biến mất.
Chị dâu bảo không dễ để sống cuộc sống thế này. Thì vốn dĩ, sống, đã bao giờ là dễ đâu. Chị bỏ lại thằng Tú năm đó mới ba tuổi, ngơ ngác chưa kịp nhận ra nỗi đau mất cha. Mẹ Tú về miền trong, nếu tìm hẳn không khó, nhưng anh nghĩ tìm chi cái người chẳng thiết tha ở lại. Ba thằng Tú dưới kia hay biết chắc cũng đồng tình. Người phụ nữ đó còn quá trẻ, cũng cần làm lại cuộc đời cho tươi sáng sau vài bi kịch.
Thỉnh thoảng bạn bè hỏi tiêu chuẩn này nọ để tìm người mai mối, anh bảo chẳng có chi, chỉ cần chịu khó đổ bô cho mẹ anh mỗi ngày. Trời, dễ chi có người được vậy. Đùa thôi, chớ người ta cảm thông, không bĩu môi, chép miệng hay làm mặt lơ khi thấy anh đổ bô mỗi sáng là được rồi.
Từ hồi hai lăm tuổi đến giờ, anh đã quen với việc một mình chăm mẹ nằm một chỗ, chăm đứa cháu côi cút. Quãng đó khó khăn cực khổ thế nào anh không nhớ, chỉ nhớ những đêm ngồi hút thuốc nhìn mẹ và cháu say ngủ, anh nghĩ lòng mình từ đây đã nguội lạnh.
“Lạnh hơn bây chừ không?” - Hiên hỏi mà chẳng đợi câu trả lời. Anh đuổi Hiên chừng nào, cô lì lợm từng ấy. Hiên không có mẹ nên chăm mẹ anh thì sao. “Có mẹ mà chăm sướng sung lắm anh biết không?” - lần đầu tiên Hiên gần như hét lên với anh.
Hình như Hiên mắc nợ anh hay mắc nợ mẹ anh cũng nên. Ngày anh còn nhỏ, mẹ vẫn bảo vậy, mỗi người luôn có mối duyên nợ từ tiền kiếp. Hồi anh trai vừa vào Nam, quen biết đâu vài tháng đã dẫn chị dâu về đòi cưới. Mặc bà dì thì thầm con bé đó gò má cao, mắt sắc lẻm lại ở xa xôi thế kia, đâu biết tổ tông nhà nó thế nào. Mẹ anh vẫn tổ chức đám cưới sau khi thở dài, thôi thì hai đứa trót duyên nợ với nhau.
Hiên đợi anh đã hai năm, nghĩa là nợ duyên hẳn chẳng ít ỏi. Anh không muốn cô đợi thêm nên quyết tâm dứt khoát. Cô về đi, đừng tới lui hàng xóm dị nghị. Hiên khóc, anh thương mẹ, thương cháu thì cho cả em thương cùng.
Nhưng Hiên còn trẻ, chắc gì mai mốt không hối hận bởi lựa chọn chẳng mấy sáng sủa này. Chắc gì sau này những lúc chăm mẹ anh, cô không hằn học bực bội, mặt nặng mày nhẹ. Thực tình, anh không muốn tâm tính người ta trở nên khác đi.
Hiên tránh mặt anh. Thế nhưng, cô vẫn xuất hiện ở nhà anh bằng bữa cơm đặt sẵn trên bàn, người mẹ anh thơm tho sạch sẽ, ga giường, chiếu đệm đã thay mới.
Anh cố tình về sớm một bữa để nghe tiếng chén bát chạm nhau lanh canh trong chạn, tiếng nước chảy, tiếng cô gái trò chuyện với mẹ anh dầu không ai đáp lại, thế mà giọng cô ấy vẫn reo vui lạ lùng. Không chút gượng ép. Không chút cố gắng.
Độ ấy đã bắt đầu tháng Chạp. Lâu lắm anh chẳng có cảm giác thiết tha khi mùa xuân về ngoài ngõ. Mấy năm trước, anh đón Tết khá đơn giản, chỉ mua một số bánh kẹo, hạt dưa mời khách, chẳng trang hoàng sắm sửa chi thêm.
Vài người bà con cả năm không gặp sẽ ghé thăm và xuýt xoa mẹ anh có vẻ hồng hào hơn, bà hình như vui, nãy bà có cười như nhận ra tôi thì phải... Họ xôn xao thêm chốc lát khi ngó qua thằng Tú, chà lớn từng này rồi, tội nghiệp.
Tết năm nay sẽ khác. Thằng Tú nhảy cẫng reo vui, nó chạy đến bên giường bà rồi khoe bà ơi năm nay nhà mình ăn Tết to lắm, có hoa mai, bánh chưng, mứt, thím Hiên nói sẽ đổ bánh thuẫn nữa.
Anh đã cắt xong mấy cụm lay ơn và nhánh thần tài để bày biện bàn thờ. Như đứa con nít trót làm chuyện sai, đột nhiên anh lóng ngóng chẳng biết nên bước vào nhà hay lần khần tới lui ngoài vườn. Chút lần khần trước những xôn xao trong nhà vang ra, trước ý nghĩ không biết thế này liệu tốt hơn không.
Ngó ra đám bông thọ đã trổ màu vàng rực, mấy chậu thược dược cũng chúm chím khắp vườn, chỗ hoa này anh trồng vì có bận Hiên bảo thích. Người đâu lạ lùng. Anh bật cười, tự nhủ thôi thì mình cứ thương đi, thương giùm cả những mùa xuân trước.
Theo Tuoitre
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thuong-gium-ca-mua-xuan-a159892.html