(Pháp lý) - Sau khi bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy” được công chiếu năm 2010 như một “cơn gió mới” cho dòng phim chính luận. Những năm gần đây, nhiều bộ phim chính luận được công chiếu đã thu hút lượng đông khán giả xem truyền hình, được khán giả truyền hình yêu thích.
“Chủ tịch tỉnh”, “Đàn trời”, “Lựa chọn cuối cùng” là 3 trong số những bộ phim chính luận như thế. Những vấn đề nóng, vấn đề nhạy cảm của xã hội như: chạy chức chạy quyền, chạy dự án, “đi đêm” giữa doanh nghiệp và quan chức, thói hư tật xấu của một bộ phận quan chức ...đã được chuyển tải lên phim khiến sức hút của các bộ phim chính luận đã tăng lên rõ rệt .
Cùng Pháp lý điểm lại 3 bộ phim chính luận đã đi vào lòng khán giả thời gian gần đây.
1. Phim “Lựa chọn cuối cùng”
Lựa chọn cuối cùng được công chiếu gần đây nhất trên VTV1 là bộ phim mới nhất của đạo diễn phim Chạy án - NSƯT Vũ Hồng Sơn, được chấp bút bởi biên kịch - nhà báo Chu Hồng Vân và nhà báo Nguyễn Tuấn Thành suốt 3 năm, đã nhiều lần thay đổi kịch bản để có được 38 tập phim hoàn chỉnh gửi tới khán giả. Từ câu chuyện trong một gia đình quan chức - Chủ tịch tỉnh Khắc Chính (NSƯT Mạnh Cường), phim đề cập tới những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay.
“Lựa chọn cuối cùng” là tác phẩm đầu tay của nhà báo Nguyễn Tuấn Thành – Phóng viên báo Tuổi trẻ với những tâm sự “rút ruột” từ trong quá trình làm nghề mà anh và đồng nghiệp bắt gặp, nhưng không thể chuyển tải hết qua những bài báo, được anh cùng Chu Hồng Vân “biến” thành chuyện phim vừa gay cấn, vừa thấm đẫm tính xã hội.
Phim mở đầu với những tình tiết mang tính trinh thám của một câu chuyện về con trai vị Chủ tịch tỉnh bị một số doanh nghiệp sắp đặt, giăng bẫy, tạo ra một vụ án đưa hối lộ, nhằm khống chế Chủ tịch tỉnh, gây sức ép để chạy án, khiến khán giả dễ liên tưởng tới phần tiếp theo của series phim “Chạy án” từng nổi đình nổi đám một thời.
Nhân vật chính, ông Khắc Chính (NSƯT Mạnh Cường), Chủ tịch UBND tỉnh Nam Giang với nhiều hoài bão và chính trực, luôn mong thu hút những dự án phát triển kinh tế xã hội và nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Người xem ấn tượng với vai diễn của Mạnh Cường - ông Chủ tịch tỉnh đĩnh đạc nhưng khuôn mặt lúc nào cũng ngổn ngang tâm trạng bởi những toan tính hiện tại (ông đang là ứng cử viên số một cho chức bí thư tỉnh ủy) và những ám ảnh của quá khứ.
Hình ảnh vị quan đầu tỉnh khi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó xử khi rơi vào tâm bão của những mưu mô lợi ích, liên minh doanh nghiệp, quan chức được khắc họa sinh động và chân thật. Không thiên về một phía, hầu hết các nhân vật của “Lựa chọn cuối cùng” được xây dựng đa chiều, tốt-xấu đan xen và khó lường.
Nhân vật được đặt trước nhiều tình huống được, mất, sai lầm, ám ảnh, đau đớn, để giữ lại cho mình điều quý giá sau các biến cố trong đời, dẫn dắt khán giả vào những trải nghiệm bất ngờ. Bất ngờ khi bí ẩn về số phận con người được mở ra, bất ngờ trước những nỗi niềm ẩn sâu bên trong, cách hành xử bên ngoài, bất ngờ trong những tình thế bị đảo ngược ở phút chót…
“Lựa chọn cuối cùng” nóng hổi bởi mới đây, trước thực trạng rừng Việt Nam đang bị tàn phá khủng khiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên. Những dự án thủy điện được xây dựng ở khắp các tỉnh, thành trong nước mang lại quyền lợi kinh tế nhưng lại là nguyên nhân trực tiếp khiến cho tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng.
Từ thực tế, hiện trạng nhức nhối này bước vào phim không kém phần dữ dội. Dự án thủy điện Sa Khê của tỉnh Nam Giang là miếng mồi béo bở mà hai tập đoàn kinh tế lớn là Đức Hòa và Trường Thành nhắm đến. Để chiếm được dự án này, họ đã dùng hàng loạt chiêu trò bẩn thỉu: theo dõi, gài bẫy, giết người bịt đầu mối... Dự án được sự tiếp tay, “bảo kê” của Phó Chủ tịch tỉnh thoái hóa biến chất.
Gia đình ông Khắc Chính - Chủ tịch tỉnh Nam Giang - lọt vào bẫy đã được giăng ra. Những chiếc vòi bạch tuộc của những nhóm lợi ích, liên minh doanh nghiệp - quan chức ngày một siết chặt, o ép ông Chính trong việc nhanh chóng đưa thủy điện Sa Khê vào khởi công...
Cũng may là còn có những sự thật không thể bưng bít. Bất chấp khó khăn lẫn những đe dọa, phóng viên Nam của báo Tinh Hoa Nam quyết đi tìm đáp án cho câu hỏi: tại sao thủy điện Sa Khê từng bị loại trong quy hoạch bởi chứa đựng quá nhiều rủi ro, cuối cùng vẫn được nghiệm thu và lên phương án xây dựng? Và câu trả lời sáng tỏ một thực tế: việc khai thác thủy điện chỉ để che mắt cho một lợi ích khác béo bở hơn: phá rừng lấy gỗ. Tất nhiên, hành trình đi tìm sự thật sẽ còn lắm gian truân, có rất nhiều kẻ xấu nhưng cũng có không ít người hết lòng vì lẽ phải...
2. Phim “Đàn trời”
Đi xa hơn việc phản ánh thực trạng một số nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, về tình trạng báo chí đang bị “lá cải hóa”, gần đây một số bộ phim đã đi sâu lý giải, đề cập đến mối quan hệ giữa quyền lực và báo chí; mâu thuẫn giữa thiên chức người cầm bút và những ràng buộc, níu kéo của đời sống…
Trong đó, bộ phim “Đàn trời” (36 tập) của đạo diễn Bùi Huy Thuần, do VFC sản xuất, được nhà văn Phạm Ngọc Tiến chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Cao Duy Sơn. Phim được trình chiếu năm 2012 trên Đài Truyền hình Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận. “Đàn trời” có đề tài mở, đề cập đến khá nhiều mảng khối của xã hội đương thời như: Cuộc sống chốn quan trường, vấn đề sân sau, cuộc chiến chống tham nhũng...
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, người xem vẫn cảm nhận được tham vọng của người làm phim đối với việc đẩy căng mối quan hệ giữa nhà báo với quan chức, để thông qua đó đưa ra sự nhìn nhận, lý giải về mối quan hệ giữa lương tâm nghề nghiệp báo chí trước những hối thúc của quyền lực, cám dỗ của vật chất, danh vọng. Phép thử đặc biệt được đưa ra để “kiểm định” bản lĩnh, nhân cách nhà báo mà tác giả kịch bản và người làm phim đưa ra chính là thái độ tác nghiệp của nhà báo khi đối diện với sự thật bị che đậy, bưng bít bởi quyền lực và tiền bạc.
Vị Chủ tịch tỉnh Bình Lãng Đinh Xuân Ấn đã thò bàn tay tham nhũng rút ruột không thương tiếc các dự án thuộc Chương trình 135 (dự án thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiến kịp với miền xuôi), đồng thời xòe bàn tay quyền lực để bịt miệng Tuệ - Giám đốc Đài Truyền hình Bình Lãng, là điểm nút để mở ra các cuộc chiến, các quá trình đấu tranh và diễn biến phức tạp của bộ phim: Cuộc chiến giữa vị Chủ tịch tỉnh với Giám đốc Đài truyền hình tỉnh; cuộc chiến giữa Giám đốc Đài truyền hình với bộ phận phóng viên phát hiện và điều tra ra sự thật; cuộc nội chiến diễn biến ngay bên trong con người của Tuệ - Giám đốc Đài
Truyền hình Bĩnh Lãng…
Tuy những cuộc chiến nói trên chưa thể phản ánh đầy đủ những phức tạp của cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhưng phần nào đã phản ánh trung thực những khó khăn, giằng níu, áp lực của nhà báo trước sức hút kinh người của vòng xoáy cạm bẫy, cám dỗ, những thử thách vô cùng khắc nghiệt trong cuộc chiến giành giật và bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.
Giám đốc Đài Truyền hình Bình Lãng ban đầu là một trở ngại cho chính đồng nghiệp, thuộc cấp của mình. Sự đồng lõa, cấu kết của giám đốc Đài Truyền hình Bĩnh Lãng với những tha hóa, biến chất của chủ tịch tỉnh Bình Lãng trong thời kỳ đầu chính là những hiện thực nhức nhối, hiện thân rõ của việc lợi dụng quyền lực, liên kết quyền lực để cản trở hoạt động hợp pháp của báo chí, cũng là một dạng mafia để thao túng và tiêu diệt các sản phẩm, thành quả của hoạt động báo chí chân chính.
Tuy nhiên, trước những người đồng nghiệp trung thực, dũng cảm, cương quyết, trước sức mạnh của sự thật, và cả những phản ứng tự vệ, tự ái của bản thân, lương tâm nghề nghiệp của Tuệ đã được thức tỉnh và Tuệ kịp sửa sang, “chỉnh đốn” để đứng vào hàng ngũ, trở lại đúng vị trí của mình, để “đồng cam cộng khổ” cùng anh em, đồng nghiệp đi đến tận cùng sự thật.
Tác giả kịch bản đã rất khéo léo khi gửi gắm thông điệp sâu kín trong cuộc chiến chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, báo chí còn phải tự chiến đấu với chính mình, chiến đấu với sự vị kỷ, tư lợi cá nhân của chính mình, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan báo chí. Và, không gì có thể che mắt thế gian được mãi, công luận và dư luận dù rất khắt khe nhưng cũng rất công tâm và bao dung. Những ai đã xem phim, nhất là những người làm báo, chắc hẳn còn có thể cảm nhận được nhiều điều hơn thế nữa, nhưng cũng có thể có người lại buột miệng cho rằng đó chỉ là chuyện trên phim....
Nhưng chắc hẳn rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng ao ước và mong muốn những điều tốt đẹp như tác giả kịch bản và đạo diễn phim “Đàn trời” hướng đến, đó là đừng mất niềm tin vào nhà báo, cũng như đừng mất niềm tin vào cuộc chiến bảo vệ sự thật, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đó là những cuộc chiến không tiếng súng, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra muôn vàn thử thách, cả những mất mát và hy sinh, bởi báo chí là một mặt trận, và công chúng, độc giả, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
3. Phim “Chủ tịch tỉnh”
Cùng dòng phim chính luận, bộ phim truyền hình Chủ tịch tỉnh đã làm dậy sóng dư luận năm 2011. Và sức sống của phim đến nay vẫn cuốn hút nhiều người xem. Đây là bộ phim đặt ra nhiều vấn đề nóng bóng nhất: đó là chuyện chạy dự án, chạy chức quyền và vấn đề đền bù đất đai ở nông thôn.
Nhân vật Sính, vị Chủ tịch tỉnh Đông Giang, sống một mình ở nhà công vụ, nổi tiếng liêm khiết, nhưng sau cái chết bất ngờ, cuộc sống thật của ông mới bị lộ sáng; đó là tiền, vàng, đô la và đất đai… Đó mới chỉ là khúc dạo đầu cho những trường đoạn cao trào, nóng bỏng nhất của xã hội. Bởi vì nếu như ông chủ tịch tỉnh không chết, thì mọi xếp đặt theo guồng máy của ông sẽ chạy rất đều theo đúng trình tự đã định sẵn, các dự án sân golf, khu du lịch sinh thái của đôi vợ chồng doanh nghiệp Hằng - Hùng sẽ trôi trót lọt, và dân đen dù có bị cướp đất, có khiếu kiện cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì từ cái hộp vàng và tiền đô la ông cất giấu trong phòng riêng đã là bằng chứng hiển nhiên cho sự bắt tay mật thiết của hai thế lực đang khuynh đảo xã hội hiện tại: quyền chức và đồng tiền.
Các nhà đầu tư muốn các dự án của mình đi trơn tru thì phải bôi bằng tiền, nói như cô Hằng, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Đông Giang với 2 dự án béo bở 200ha đất làm sân golf và khu du lịch sinh thái: “Chức quyền cũng là một cái nghề để kinh doanh đấy, mà kinh doanh thì phải có lãi chứ… Họ đề ra bao nhiêu thủ tục lằng nhằng để hành các nhà đầu tư, mục đích cuối cùng là để mình phải ói ra tiền…”.
Và bởi vì đây là cái nghề để kinh doanh, nên người ta sẽ không từ mọi thủ đoạn nào để đạt cho được. Hai nhân vật vợ chồng Chung - Lý là điển hình cho loại người này với mục tiêu rõ ràng “Có quyền, có chức thì lộc tự khắc vào nhà anh ạ…”.
Giải thích cho hiện tượng này, tác giả đặt vào miệng ông Tuyến, Bí thư tỉnh ủy, những lời tâm huyết của chính mình: “Chúng ta đang đứng trước một áp lực, một thử thách rất lớn, đó là nạn chạy chức chạy quyền. Đảng mất uy tín, dân không còn tin vào chính quyền nữa. Chức quyền đem lại bổng lộc rất nhiều. Bao giờ chức quyền chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà không bao hàm lợi ích vật chất do chức quyền đưa lại thì nạn chạy chức sẽ bị triệt tiêu…”.
Cái chết của ông Sính và cái ghế còn trống của ông đã tạo nên một cơn sóng ngầm về nhân sự ở Ủy ban Nhân dân tỉnh. Mỗi người đều tự xếp đặt ghế cho người và cho mình. Một người lên chức sẽ kéo theo một sợi dây cùng phe phái với mình và sợi dây này sẽ liên minh chặt chẽ với nhau. Do vậy, cái tốt hay xấu sẽ rất rõ ràng bắt nguồn từ người đứng đầu. Nếu cái ghế đứng đầu đen tối thì cái vệt đen này sẽ có sức mạnh lan tỏa từ trên xuống dưới, người chính trực khó lòng đương đầu nổi.
Nhưng phim đã giới hạn tiêu cực trong phạm vi tỉnh, và Bí thư tỉnh ủy là người tốt, vì thế, Nguyễn Trí Tuệ mới được cất nhắc vào cương vị thay ông Sính. Nghĩa là, ngay từ đầu ta đã thấy được cái hậu khá tươi sáng, dù có trải qua bao nhiêu biến động, bao đảo điên của cả một tấn tuồng chạy quyền, chạy chức, chạy dự án nháo nhào từ cấp dưới.
Cái giới hạn này tất nhiên là cần thiết để vấn đề nóng bỏng “không bốc cháy”, để cho phim được dễ dàng thông qua, và cũng để lại niềm tin cho nhân dân, mặc dù có thể trong đời thực có khi không được hồng tươi như thế. Nhưng cái cốt lõi của phim vẫn là vấn đề đất đai và người nông dân, là vấn đề bức xúc nhất của cả nước. Vì thế, hình ảnh nguời nông dân trên phim với những lời lẽ thống thiết của họ với ông Chủ tịch tỉnh Trí Tuệ giống như là những thước phim tài liệu, bởi vì nó là cuộc đời thật, là nỗi đau mất đất, ly hương, gia đình tan tác khi cầm một mớ tiền bồi thường rẻ mạt cho mảnh đất mà bao nhiêu thế hệ đổ máu và mồ hôi trên đó để gầy dựng nên.
Phim cũng đề cập tới những hoạt động tiêu cực của một bộ phận người làm báo. Đó là ông Cường –Tổng Biên tập Báo Thời Mới. Một người chuyên ăn hối lộ, chỉ đạo phóng viên “đánh” người này, tâng bốc người kia để tư lợi bản thân…
Kết mở
Sức hút của những bộ phim chính luận được nhân lên rất nhiều bởi những giá trị thật được thể hiện trong chuyện phim. Đó là cuộc chiến chống tham nhũng, vạch trần những mặt trái của xã hội, những cán bộ thoái hóa, biến chất, song song đó là hành trình dấn thân, đấu tranh chống tiêu cực của các nhà báo chân chính...
Bên cạnh đó, các bộ phim còn gửi gắm thông điệp lòng tốt sẽ chinh phục mọi người, sự ngay thẳng cuối cùng sẽ chiến thắng.
Những bộ phim khai thác đề tài “nóng” mang tính thời sự, mang hơi thở thời đại luôn có giá trị thu hút riêng. Và khán giả truyền hình mong có thêm nhiều những bộ phim hay như thế.
Đức Hạnh (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/suc-hut-tu-nhung-bo-phim-chinh-luan-a159468.html