Đấu thầu dịch vụ công ích: khó vô vì “sân sau”

Quy định đấu thầu cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích đã được ban hành từ năm 2005, tuy nhiên việc này chưa được các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, phổ biến và nhiều doanh nghiệp kêu khó.

 Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM chăm sóc vườn hoa tại công viên 30-4 (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM chăm sóc vườn hoa tại công viên 30-4 (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA)

Tại nhiều địa phương, các công ty nhà nước gần như chiếm phần lớn trong việc cung ứng các dịch vụ công ích khiến người dân có cảm giác dịch vụ bị độc quyền.

Nếu không muốn 
tự loại mình

Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, trong lĩnh vực xử lý rác thải thời gian qua đã có nhiều đơn vị tư nhân tham gia như Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Vietstar...

Riêng lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác thời gian qua chỉ tổ chức đấu thầu ở một số quận như Tân Phú, Bình Tân, đa số việc thu gom, vận chuyển ở các quận huyện còn lại chủ yếu do các công ty công ích quận - huyện đảm trách.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị - một trong những đơn vị công thực hiện công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác, cho biết hoàn toàn đồng tình việc tổ chức đấu thầu trong lĩnh vực này.

Như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị, không phân biệt đơn vị công hay tư nhân, mục tiêu cuối cùng là cung cấp một dịch vụ tốt nhất có thể.

Để tạo điều kiện cho nhiều đơn vị cùng tham gia trong lĩnh vực này, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường cho biết từ năm 2017 đến 2020 sẽ mở rộng công tác đấu thầu dịch vụ quét dọn, thu gom và vận chuyển rác.

Để chuẩn bị cho “cuộc cạnh tranh sòng phẳng”, các công ty dịch vụ công ích, thậm chí cả những đơn vị thu gom rác dân lập cũng cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, nếu không muốn “tự loại mình ra khỏi cuộc chơi”.

Không nên có 
“vùng cấm”

Lĩnh vực chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh hiện nay không còn là độc quyền của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM khi hiện có đến 4-5 đơn vị tư nhân tham gia thông qua hình thức đặt hàng và đấu thầu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông vận tải), hiện nay các đơn vị tư nhân chủ yếu chăm sóc, duy tu mảng xanh đơn giản ở một số tuyến đường, dạ cầu..., còn việc chăm sóc các cây cổ thụ do đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, cần thiết bị chuyên dùng, chuyên nghiệp nên vẫn được đặt hàng cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM thực hiện.

Có ý kiến cho rằng không nên có “vùng cấm” cho tư nhân tham gia chăm sóc cây cổ thụ nếu có các đơn vị đáp ứng điều kiện tham gia đấu thầu ở lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực cấp nước từ lâu đã có nhiều đơn vị tham gia thông qua hình thức xã hội hóa đầu tư.

Có thể điểm qua một số dự án, công trình cụ thể có sự tham gia của các đơn vị bên ngoài mà không phải là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) như Nhà máy nước BOO Thủ Đức (công suất 300.000 m3/ngày), vận hành từ năm 2010.

Riêng đối với dự án Nhà máy nước Kênh Đông, Nhà máy nước Thủ Đức 3..., tỉ lệ góp vốn của Sawaco cũng chiếm tỉ lệ nhỏ 10-18%.

Đối với việc phân phối nước sạch đến từng hộ dân, hiện đa số công ty cấp nước đã cổ phần hóa mà nhiều cổ đông là những cá nhân, đơn vị là tư nhân hoạt động ngoài ngành nước.

Riêng việc đầu tư phân phối nước sạch trên địa bàn huyện Củ Chi do một đơn vị tư nhân là Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) đảm trách.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị tư nhân tham gia cấp nước trong số trên vẫn có một tỉ lệ vốn nhất định của các công ty nhà nước.

Doanh nghiệp “mồ côi” khó trúng thầu

Theo nghị định 130 năm 2013 về sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, việc đấu thầu để lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (phụ lục B) được ưu tiên hàng đầu.

Nếu việc đấu thầu không đáp ứng được mới sử dụng phương thức đặt hàng cho các đơn vị chức năng.

Ông Mai Văn Nguyên, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2, cho biết đối với những dự án thuộc chức năng hoạt động của công ty thuộc những địa bàn khác, đơn vị này cũng tham gia đấu thầu.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng thừa nhận khi công ty ông đấu thầu dự án cung ứng dịch vụ công ích ở quận khác thường... khó vô.

Ở nhiều dự án có khả năng lợi nhuận cao, giá trị lớn thì các doanh nghiệp tư nhân “mồ côi” khó có khả năng trúng thầu dù có năng lực và kinh nghiệm.

Việc này do nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ việc có đơn vị “sân sau” của một số quan chức ở các cơ quan quản lý nhà nước hoặc chủ đầu tư dự án đang được đấu thầu.

“Khuyến khích đấu thầu trong cung ứng dịch vụ công ích nhưng phải có cơ chế kiểm soát minh bạch, tránh doanh nghiệp sân sau” - ông Nguyên nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) phân tích: Việc tư nhân hóa phải đi đôi với công tác kiểm tra thật chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Đây là cách làm hay vì cơ quan quản lý tính toán được số lượng công việc, chủ động về mặt kinh phí.

“Nhưng góc khuất đằng sau việc đấu thầu là sự móc nối giữa một số quan chức trong cơ quan nhà nước và công ty tư nhân tham gia đấu thầu các dịch vụ công ích (chuyện này trong thực tế đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau) làm cho giá cả của dịch vụ tăng lên, hiệu quả công việc không cao do khâu kiểm tra, nghiệm thu không nghiêm túc.

Vòng móc nối giữa quan chức trong cơ quan quản lý và đơn vị tư nhân tham gia đấu thầu này nhằm “rút ruột” dịch vụ. Việc này luật pháp đã có những quy định để phòng ngừa nhưng do thực thi pháp luật không nghiêm minh” - ông Nguyên cảnh báo.

Ông khẳng định: “Tư nhân hóa sẽ tốt hơn nhiều so với giao chỉ định cho các công ty nhà nước nếu như các cơ quan quản lý biết tính toán một cách chính xác chi phí cho công việc, có sự kiểm tra nghiêm ngặt, không có móc nối ở bên trong”.

Thế giới áp dụng từ lâu

Mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực hạ tầng và dịch vụ công đã được nhiều nước áp dụng từ lâu và đang trở thành một xu hướng tại các nước đang phát triển.

Theo trang web Chính phủ Anh, London đã bắt đầu tư nhân hóa các ngành công ích như điện, nước từ những năm 1980 rồi đến sân bay, cảng vào năm 1994.

Từ năm 2012 đến nay, Anh xây dựng mô hình Sáng kiến tài chính tư cho các dự án xã hội và củng cố sự minh bạch, hiệu quả trong hợp tác với tư nhân.

Liên minh châu Âu cũng có quy định về đấu thầu các dự án thu mua, dịch vụ công nhằm tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp và tạo việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả các dịch vụ, theo trang Ủy ban châu Âu.

Chẳng hạn, để đảm bảo minh bạch, mọi việc đều phải công khai như ước tính lượng thu mua, dịch vụ hằng năm, thư mời thầu và công bố nhà thầu thắng cuộc, giá trị gói thầu, lý do thắng thầu.

Chính sách buộc nhiều nước phải hợp tác nhiều hơn với tư nhân trong các lĩnh vực từ năng lượng, giao thông, xử lý chất thải cho đến y tế, giáo dục.

Tại các nước đang phát triển, hợp tác giữa nhà nước và tư nhân ngày càng phổ biến. Tại Malaysia, sáng kiến Social PPP là một mô hình của hợp tác công - tư trong nhiều vấn đề xã hội như thất nghiệp, nghèo đói...

Theo đó, nhằm tạo ra tác động mạnh mẽ với chi phí thấp nhất, các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm lập các chương trình phát triển và Social PPP sẽ cân nhắc cách thực hiện theo thế mạnh của các bên chính phủ và tư nhân.

NGÔ HẠNH

21 sản phẩm, dịch vụ công ích ưu tiên đấu thầu

Các sản phẩm, dịch vụ công ích ưu tiên phương thức đấu thầu gồm: dịch vụ vận tải công cộng tại các đô thị; dịch vụ quản lý công viên, trồng và quản lý chăm sóc cây xanh, hoa cảnh vỉa hè, đường phố, dải phân cách, vòng xoay; dịch vụ cấp thoát nước đô thị; dịch vụ cấp điện, chiếu sáng đô thị; dịch vụ thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng; dịch vụ tang lễ, nghĩa trang đô thị; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích; quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi có quy mô vừa và nhỏ... (Nguồn: nghị định 130 năm 2013 về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích).

Theo Tuoitre

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-thau-dich-vu-cong-ich-kho-vo-vi-san-sau-a159431.html