Chuyện động trời của tình báo Mỹ

Tài liệu chứng minh sự can thiệp của Nga không có được từ các kênh thông tin truyền thống của tình báo Mỹ, mà được thực hiện bởi thực thể bên ngoài...

Việc Nga bị cáo buộc hacking vào tiến trình bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ứng cử viên Donald Trump cùng với việc Moscow bị cho là xâm phạm đời tư của tân tổng thống Mỹ đang là vấn đề nóng trong đời sống chính trị Mỹ.

Điều đáng nói là cơ quan tình báo Mỹ - mà trực tiếp là CIA - không thể chứng minh tính xác thực của thông tin mà họ dùng làm cơ sở để cáo buộc Moscow – mà thực ra là tình báo Nga.

Giám đốc CIA John Brennan. Ảnh : Brooking Institution
Giám đốc CIA John Brennan. Ảnh : Brooking Institution)

Cơ quan tình báo Mỹ viện lý do “vì bí mật quốc gia” nên không thể trưng ra hết chứng cứ để chứng minh sự việc mà chỉ đưa những nhận định, đánh giá với kết luận là “đáng tin cậy” hay “tin cậy ở mức độ cao”. Ngay cả Uỷ ban Tình báo Thượng viện Mỹ và Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ cũng chỉ có được báo cáo với những nhận định kiểu như vậy.

Tuy nhiên, phía sau lý do “vì bí mật quốc gia” ấy là một sự thật động động trời. Đó là tình báo Mỹ không thể, hay nói đúng hơn là không dám kết luận chắc chắn Nga hacking vào bầu cử Mỹ bởi tài liệu mà họ dựa vào đó để phân tích và rút ra kết luận không phải của họ. Các tài liệu mà tình báo Mỹ sử dụng làm chứng cứ là của các cựu quan chức tình báo Anh cùng những tổ chức điều tra độc lập cung cấp cho họ, theo thông tin mới nhất của The Washington post ngày 11/1/2017.

“Giới chức Mỹ nói rằng tài liệu chứng minh sự can thiệp của Nga không dựa trên dữ liệu thu được thông qua các kênh thông tin truyền thống của tình báo Mỹ, mà các nghiên cứu được thực hiện bởi một thực thể bên ngoài tham gia vào việc tư vấn chính trị, dẫn đầu bởi một cựu quan chức cao cấp của tình báo Anh. Các tài liệu đó lần đầu tiên được đề cập trong một báo cáo của Mother Jones – một tổ chức điều tra tin tức độc lập - hồi tháng 10/2016”.

The Washington post dẫn lời một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ, phụ trách việc điều tra vụ việc Nga hacking vào bầu cử Mỹ cho biết, báo cáo mật gửi đến Tổng thống Obama và Tổng thống đắc cử Trump tóm tắt cáo buộc tình báo Nga đã tiếp cận thông tin về tài chính và đời sống cá nhân của tân tổng thống Trump là chưa xác nhận được độ tin cậy của nguồn tin.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ đã tiếp cận với các tài liệu trên thì các cáo buộc được diễn giải nhằm nhấn mạnh rằng Nga dường như đã thu thập thông tin của cả hai ứng cử viên, nhưng lại chỉ tung ra tài liệu có thể gây tổn hại cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Điều đó được các cơ quan tình báo Mỹ xem là động cơ của Nga tìm cách giúp Trump chiến thắng

“Việc đưa những cáo buộc vô căn cứ như vậy trong báo cáo về cuộc bầu cử tổng thống là rất đáng lo ngại với những người quan tâm về nỗ lực của Nga phá hoại nền dân chủ Mỹ. Nó tạo thêm một bước ngoặt kỳ lạ nữa cho một mùa bầu cử vốn đã rất lạ. Nó gây phiền toái cho tổng thống mới đắc cử khi ông đang cố gắng củng cố và khởi động chính quyền mới của ông”, The Washington post bình luận.

Nhiều người trong giới chức Mỹ cho rằng trong khi FBI vẫn chưa khẳng định được tính chính xác của các cáo buộc thì cộng đồng tình báo Mỹ đã đánh giá các nguồn tin được cung cấp bởi các công ty điều tra tư nhân là đáng tin cậy và họ dựa vào đó để khẳng định rằng tình báo Nga đã xâm phạm đời tư của ông Trump.

Theo The Washington post thì những hồ sơ được biên soạn bởi các cựu quan chức tình báo Anh đã được lưu hành tại Washington trong nhiều tháng chứ không có gì bí mật cả. Việc tổng hợp bắt đầu vào giữa năm 2016, rồi được bổ sung trong và sau chiến dịch tranh cử. Báo cáo gồm những cáo buộc chi tiết rằng người Nga giữ tài liệu về Trump khi ông đến thăm Moscow năm 2013 chuẩn bị một cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và trong một chuyến thăm Nga trước đó.

Trước thực tế đó, một số cơ quan báo chí, trong đó có The Washington Post, đã cố gắng để khẳng định rằng các cáo buộc không thuyết phục, nhưng không được cơ quan tình báo Mỹ chấp nhận. Theo một viên chức Mỹ thì ông Trump cũng biết tài liệu đó nhưng vì nó chỉ được xếp vào dạng "tài liệu xã giao" nên ông không quan tâm. Song không ngờ người ta lại dùng nó để gây cản trở cho việc nắm giữ và thực thi quyền lực của ông.

Trước thông tin mới nhất này, các nhà lập pháp cấp cao - những người đã nhận được báo cáo từ cơ quan tình báo Mỹ - đều từ chối bình luận.

Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Anh (MI6) Alex Younger từng nhận định rằng việc tỷ phú Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của tình báo phương Tây. Cụ thể là tân Tổng thống Trump được cho là đã nhận diện hoạt động của tình báo Mỹ và tình báo phương Tây không hiệu quả.

Mà trong hoạt động tình báo không hiệu quả luôn gắn liền với thông tin không chuẩn xác, độ nhạy của thông tin không cao – nguồn tin không rõ ràng, thiếu kiểm chứng và không kịp thời. Vì vậy, dù nhận diện mối đe doạ từ tình báo Nga là rất nghiêm trọng nhưng tình báo Anh không chọn đối đầu trực tiếp với đối thủ mà để chính phủ thực hiện các chiêu thức vốn có là trừng phạt.

 Tân Tổng thống Trump vào Nhà Trắng là một thách thức với tình báo Mỹ. Ảnh : The New Yorker
Tân Tổng thống Trump vào Nhà Trắng là một thách thức với tình báo Mỹ. Ảnh : The New Yorker)

Có lẽ đó cũng là mục đích của tình báo Mỹ trong việc cáo buộc Nga can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ. Bởi Tổng thống Obama đã quyết định trừng phạt ngoại giao Nga ngay trước thềm năm mới 2017, mà nguyên nhân chính là “hacking Nga”. Tuy nhiên, việc không đối đầu với tình báo Nga đã bị xem là thua kém đối phương, vậy mà tình báo Mỹ còn sử dụng tài liệu của thực thể bên ngoài, như vậy có thể họ nhằm thêm mục đích khác nữa?

Có thể thấy rằng, nếu tình báo Nga thực sự can thiệp được vào đời sống chính trị Mỹ thì chứng tỏ lỗ hổng trong hoạt động của tình báo Mỹ là quá lớn. Nếu thông tin tình báo Nga can thiệp vào đời sống chính trị Mỹ là không có cơ sở thì chứng tỏ hoạt động của tình báo Mỹ rất không chuyên nghiệp. Cả hai tình huống này đều khiến cho cơ quan tình báo Mỹ đối diện với nguy hiểm khi ông Trump vào Nhà Trắng.

Khi tài liệu có được không đủ sức thuyết phục hay vấn đề được khai thác cho mục đích chính trị của chính quyền Obama thì khi tình báo Mỹ sử dụng tài liệu của mình sẽ khó tránh khỏi phải đối mặt với một trong hai tình huống nguy hiểm kể trên. Do vậy, lựa chọn sử dụng tài liệu của thực thể bên ngoài, dù bị đánh giá thấp, song tình báo Mỹ vẫn còn đường lui khi đối diện với ông Trump.

Phải chăng đây là mục đích hành động của tình báo Mỹ trong tình huống này? Câu trả lời sẽ là những diến tiến tiếp theo, chúng ta cùng chờ xem.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-dong-troi-cua-tinh-bao-my-a159365.html