Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2017

Ngoài 10 Luật và nhiều thông tư, nghị định về phí, lệ phí có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017, rất nhiều chính sách tài chính mới quan trọng như quy định mức dư nợ vay của ngân sách Hà Nội và TP HCM; thêm đối tượng không chịu phí sử dụng đường bộ; nhiều trường hợp được miễn phí hải quan; hai hình thức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi… cũng sẽ có hiệu lực trong tháng 1/2017.

30-1
Dư nợ vay của Hà Nội, TP HCM tối đa bằng 60% thu ngân sách địa phương

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ 01/01/2017, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó quy định mức dư nợ vay của ngân sách Hà Nội và TP HCM tối đa bằng 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; các địa phương khác từ 20 – 30%.

Cũng theo Nghị định này, dự toán chi ngân sách Trung ương và dự toán chi ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 2 – 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp. Các khoản chi trên 3 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; các khoản chi không quá 03 tỷ đồng Bộ Tài chính được quyết định nhưng phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hàng quý.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mức dư nợ huy động đến hết ngày 31/12/2017 vượt mức giới hạn dư nợ vay theo quy định thì trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và các năm tiếp theo phải dành nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, giảm chi đầu tư công trung hạn để tăng chi trả nợ gốc.

Nhiều trường hợp được miễn phí hải quan từ ngày 01/01/2017

Từ ngày 01/01/2017, phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh sẽ được thu theo Thông tư 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016.

Theo đó, nhiều trường hợp được miễn phí hải quan, lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh. Đơn cử như: Quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh trị giá từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có trị giá hải quan dưới 500.000 đồng hoặc có tổng số tiền thuế phải nộp dưới mức 50.000 đồng cho một lần xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới trong định mức theo quy định.

Ngoài ra còn có phương tiện vận tải thường xuyên qua lại biên giới được quản lý theo phương thức mở sổ theo dõi, không quản lý bằng tờ khai. Hàng hóa, phương tiện quá cảnh được miễn theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc cam kết của Chính phủ Việt Nam.

Thông tư 274/2016/TT-BTC thay thế Thông tư 172/2010/TT-BTC và các khoản 1, 2, 3, 4, 7, 8 Điều 45 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Thêm đối tượng không chịu phí sử dụng đường bộ

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 293/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Theo đó, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là xe ô tô) đã đăng ký lưu hành là đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ theo quy định tại Thông tư này.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 293/2016/TT-BTC là đã bổ sung thêm đối tượng không phải chịu phí sử dụng đường bộ; bao gồm: Xe ô tô đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài liên tục từ 30 ngày trở lên. Xe ô tô bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên. Trong trường hợp nêu trên, để không chịu phí thì phải có đầy đủ hồ sơ đáp ứng các quy định tại Điều 9 của Thông tư này.

Thông tư 293/2016/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014, Thông tư 78/2016/TT-BTC ngày 03/6/2016.

DIV được sử dụng vốn nhàn rỗi để mua TTCP

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 312/2016/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV).

Thông tư nêu rõ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn để phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn.

Việc đầu tư, mua sắm tài sản cố định, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ hoạt động của mình theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 30% giá trị vốn điều lệ và quỹ đầu tư phát triển hạch toán trên sổ sách kế toán...

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2017, thay thế Thông tư số 41/2014/TT-BTC ngày 8/4/2014 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Thẩm định cấp phép sản xuất chất phóng xạ mức phí 60 triệu đồng

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 287/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Thông tư quy định rõ mức phí thẩm định an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân. Theo đó, đối với thẩm định cấp giấy phép sử dụng thiết bị bức xạ sử dụng trong y tế: Thiết bị X-quang chụp răng, thiết bị X-quang chụp vú mức phí 2 triệu đồng/thiết bị; thiết bị đo mật độ xương mức phí 3 triệu đồng/thiết bị; thiết bị X-quang chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) phí 8 triệu đồng/thiết bị.

Đối với thẩm định cấp giấy phép sản xuất, chế biến, lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ: Thẩm định cấp giấy phép sản xuất chất phóng xạ, mức phí 60 triệu đồng/cơ sở; thẩm định cấp giấy phép chế biến chất phóng xạ, mức phí 26 triệu đồng/cơ sở.

Phí thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp tỉnh là 15 triệu đồng/bản kế hoạch. Lệ phí cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ; cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử được quy định ở mức 200.000 đồng/chứng chỉ…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-trong-thang-12017-a159188.html