TP.HCM: Dự báo thị trường bất động sản năm 2017

(Pháp lý) - Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan thì thị trường bất động sản (BĐS) năm 2017 sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng. Dự báo thị trường BĐS sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc BĐS cao cấp bao gồm cả BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

[caption id="attachment_159043" align="aligncenter" width="680"]Thị trường bất động sản năm 2017 hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc Thị trường bất động sản năm 2017 hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc[/caption]

Thị trường BĐS sẽ có nhiều chuyển biến

Theo đó, thị trường BĐS trong năm 2017 sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị theo khuyến nghị của HoREA. Xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây. Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường BĐS trong năm nay.

Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy phạm pháp luật và sử dụng các công cụ về thuế, công cụ về tín dụng, công cụ về quy hoạch, công cụ hành chính nhằm ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư để bảo vệ người tiêu dung, điều chỉnh thị trường BĐS nhằm mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Quy mô thị trường BĐS TP.HCM hiện đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong "Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh", nhất là tại các huyện giáp ranh TP.HCM. Qua đó, yêu cầu doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi rất cơ bản, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với khách hàng. Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây.

Bên cạnh đó, một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trên thị trường BĐS như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng. Cùng với đó là tình hình đảm bảo an toàn, xử lý các tranh chấp trong chung cư còn diễn biến phức tạp (an toàn phòng cháy, chữa cháy và các tranh chấp trong chung cư về quản lý, sử dụng diện tích thuộc sở hữu chung mức thu và sử dụng phí quản lý vận hành chung cư, phí bảo trì chung cư, về việc chủ đầu tư thế chấp căn hộ đã bán cho người tiêu dùng, kéo dài, không làm sổ đỏ cho người mua nhà, chung cư chưa đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng nhưng đã đưa dân vào ở...). Theo đó, HoREA dự báo tất cả các vấn đề trên sẽ được cải thiện hơn trong năm 2017.

Khó có thể xảy ra “bong bóng” bất động sản trong năm 2017

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thì hiện nền kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng chậm, chưa có biểu hiện phát triển nóng. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt, không có hiện tượng buông lỏng tín dụng. Theo đó, việc người dân ồ ạt đầu tư vào BĐS dẫn đến thiếu kiểm soát, gây sốt ảo thị trường là rất khó xảy ra.

Mặt khác, hiện cũng có tình trạng gia tăng các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, nhưng tỷ lệ mới ở mức trên dưới 50% trong phân khúc BĐS cao cấp. Người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp cần tỉnh táo để đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời, tránh đầu tư lướt sóng theo số đông. Tuy chưa có dấu hiệu xuất hiện các nhà đầu cơ chuyên nghiệp, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường BĐS thứ cấp.

Báo cáo tổng hợp của HoREA đối với thị trường BĐS TP. HCM năm 2016 - 2017

Thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 và năm 2017 có thêm trên 30.000 sản phẩm nhà ở. Chỉ riêng Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn cho 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 29.017 căn nhà, gồm có 27.792 căn hộ và 1.225 nhà thấp tầng. Trong đó, có 5.630 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 20,3%; có 16.750 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp, chiếm tỷ lệ 60,3%; và 5.412 căn hộ thuộc phân khúc bình dân, chiếm tỷ lệ 21,6%; Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp như Công ty Him Lam, Công ty Khang Điền...xây dựng xong nhà mới bán cho người tiêu dùng nên không phải đăng ký bán hàng qua Sở Xây dựng; Kết quả hoạt động của thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 đã cho thấy phân khúc nhà ở vừa túi tiền chiếm tỷ lệ 79,7% vẫn đang là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản; Giao dịch bất động sản 11 tháng đầu năm 2016 tại thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 14.000 giao dịch, giảm hơn 10% so với năm 2015 (có 18.700 giao dịch); Tồn kho bất động sản cả nước còn khoảng 31.842 tỷ đồng, giảm 19.047 tỷ đồng so với năm 2015; Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn tồn kho 5.954 tỷ đồng, giảm 4.153 tỷ đồng so với năm 2015; Giá bán căn hộ chỉ tăng khoảng trên dưới 5%, giá bán đất nền có mức tăng cao hơn khoảng trên dưới 10% tùy theo loại sản phẩm, tiện ích, hoặc vị trí dự án. Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, và nhà ở thương mại giá rẻ, đặc biệt thiếu nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ; Bên cạnh đó, với 500 dự án trên địa bàn thành phố bị ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án bất động sản dở dang, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, đang là "phần chìm của tảng băng hàng tồn kho". Nhưng đáng phê phán là có một số ít doanh nghiệp chưa hoàn thành phần móng chung cư, chưa có bảo lãnh ngân hàng, chưa giải chấp tài sản thế chấp, hoặc chưa được Sở Xây dựng chứng nhận đủ điều kiện nhưng đã bán nhà hình thành trong tương lai cho người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua nhà.

Đỗ Quyên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tp-hcm-du-bao-thi-truong-bat-dong-san-nam-2017-a159040.html