Hình ảnh hàng trăm cây anh đào cùng khoe sắc, hẳn nhiều người đã nghĩ chỉ có thể nhìn thấy ở đất nước Mặt trời mọc Nhật Bản.
Nhưng, khoảnh khắc đó hoàn toàn có thể ghi lại được ở Việt Nam, trên đảo hoa bên hồ Pá Khoang (Mường Phăng - Điện Biên).
Từ lời hứa với Đại tướng
10 năm trước, hòn đảo hoang sơ bên dòng Pá Khoang xuất hiện một người đàn ông không còn trẻ nhưng sức vóc vạm vỡ và sự "gai góc" không khó để nhận thấy.
Dựng một chiếc lều nhỏ nơi hoang vu không có điện và chưa có nước ngọt, sắm một chiếc ghe tam bản cũng rất nhỏ, "đóng cửa" không tiếp khách, ông lặng lẽ với đêm sương ngày nắng ấp ủ những hạt mầm đầu tiên của giống hoa vô cùng khó tính: anh đào Nhật Bản.
Sau này, khi hoang đảo đã thành đảo hoa với hàng ngàn cây anh đào rực rỡ, có ngày đón hàng trăm du khách Tây - ta đủ cả, nhiều người mới biết ông là tiến sĩ ngành công nghệ sinh học, đã làm ở một cơ quan Nhà nước danh giá, và đã rời bỏ vì lý do cũng chẳng giống ai.
Ông đến Mường Phăng không phải để mưu sinh (vì đã có cơ ngơi có thể sống an nhàn cả đời tại Đà Lạt) mà vì một lời hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Câu chuyện ông "bén duyên" với Đại Tướng khó có thể nói hết trong bài báo nhỏ này, ngắn gọn là Đại Tướng để ý đến ông khi ông bày tỏ ý kiến được cho là "ngược đời".
"Chúa đảo" Trần Lệ kể rằng, sau khi lên dự kỷ niệm 50 năm chiến thăng Điện Biên, về Hà Nội bác Giáp có nhiều tâm tư. Động viên ông Lệ lên Tây Bắc nghiên cứu để làm điều gì đó thiết thực cho Điện Biên, Đại tướng gửi gắm, nếu có sản phẩm cụ thể thì hãy lấy tên là Mường Phăng.
Mường Phăng - đó là nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày - chiến dịch gắn chặt với tên vị tướng lừng lẫy năm châu: Võ Nguyên Giáp.
Nhận lời Tướng Giáp, ông Lệ đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công và công bố một loại địa lan và hoa anh đào, đều mang tên Mường Phăng. Đó là kết quả của cả ngàn ngày cô độc của vị doanh nhân đã bước qua tuổi 70 nhưng khát vọng vẫn đầy ăm ắp.
Không chỉ có anh đào
Giờ thì đảo hoa Mường Phăng đã được coi là cái nôi của hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam, theo nghĩa không chỉ là một trong những nơi đầu tiên anh đào đơm hoa kết trái mà là nơi mùa hoa có thể kéo dài đến mấy tháng, phát triển bền vững và nhân giống thành công.
Vị doanh nhân vừa qua tuổi 70 nhấn mạnh một điều rất đặc biệt là ông đã chứng kiến 4 lần người Nhật mang anh Đào vào Đà Lạt trồng không thành công và ở phạm vi cả nước là 15 lần cũng không thể phát triển theo ý muốn của họ. Họ mang sang 3-4 ngàn cây thì chỉ sống được khoảng 20 cây thôi và họ rất băn khoăn về lý do.
Nhưng, qua quá trình tìm hiểu ông đã biết rất kỹ hai nguyên nhân khiến anh đào chết là lượng mưa của Việt Nam rất lớn trong khi anh đào lại được trồng ở chỗ thấp, đất bằng. Như thế mùa đông, mùa xuân không sao cả nhưng đến mùa hè mưa to liên tục 1 - 2 ngày thì cây úng nước và chết.
Nguyên nhân thứ hai là người Nhật đem sang những cây 1 - 2 tuổi, thậm chí có cây đã có hoa thì nó đã mang theo cái bảo thủ của tập tính là cây ôn đới nên sang trồng ở Việt Nam là nước nhiệt đới thì không sống được.
Khó tính như thế, nên thật sự may mắn khi anh đào có thể sinh sôi nảy nở ở Mường Phăng.
Theo ông Lệ, đây là vùng đất sau lưng dãy Hoàng Liên, đặc biệt là rất khô, cứ sau tháng 10 là ngừng mưa cho đến tận cuối tháng Tư năm sau. Vì vậy cuối thu sang đông lá anh đào đã rụng, và chỉ khi nào rụng hết lá và có thời kỳ nghỉ đông thì anh đào mới nảy được chồi hoa.
Thuận hơn là vì đảo nằm cạnh một chiếc hồ lớn nên mùa đông sẽ không có sương muối do ngày nắng mạnh đêm hơi nước sẽ bốc lên, cây chắc chắn sẽ sống ổn định ra hoa rất tốt.
Khi đó, ông Lệ đã bứng những cây anh đào được gieo tại Hòa Bình từ 10 hạt hoa đầu tiên ông xin được từ bên Nhật lên đảo. Ba năm sau anh đào nở những cánh đầu tiên, và người Nhật đã xuất hiện ngay. Những năm sau đó, họ đến không phải chỉ vì sự quan tâm đến hoa anh đào - biểu tượng văn hóa của Nhật - mà còn vì những ý tưởng hợp tác dài lâu với ông chủ đảo hoa, bởi thành công nào của ông cũng khiến họ bất ngờ.
Họ vừa đặt hàng tôi cung cấp 104 cây anh đào giống, và đã đặt cọc 600 ngàn Yên - ông Lệ cho biết.
Một cây giống giá 100 USD, còn một cây anh đào đã đơm hoa có thể bán được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, chỉ với anh đào ông Lệ đã là tỷ phú.
Nhưng đảo hoa không chỉ chứng kiến sự thành công của ông với anh đào.
Wasabi - giống cây được mệnh danh là khó trồng nhất thế giới - cũng đã được ông Lệ nghiên cứu và phát triển thành công.
Và, với sự nghiên cứu bài bản, khoa học, ông tiến sĩ công nghệ sinh học Trần Lệ quả quyết rằng Điện Biên hoàn toàn có thể trở nên giàu có khi những giống gien quý trong trồng trọt, đặc biệt là rau cải mèo và gạo sén cù được bảo tồn và phát triển.
"Góp gió" cho thuyền lớn
Quá giỏi! hai từ này được Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn nhắc đi nhắc lại khi nói về doanh nhân Trần Lệ.
31/12/2016, một ngày thứ Bảy, du khách nườm nượp đổ về đảo ngắm hoa anh đào, Chủ tịch Sơn và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đi tìm "chúa đảo".
Trùng hợp, đó cũng là ngày doanh nhân Trần Lệ hạ thủy hai con thuyền mới có sức chở 3,5 tấn. Chiếc ghe tam bản được đưa về lưu giữ ở góc "bảo tàng" trên đảo.
Thuyền mới đó sẽ đưa hoa anh đào Mường Phăng đến với nhiều vùng đất khác.
"Tôi có thể trồng đến 5.000 ngàn cây anh đào trên đảo này, hiện nay trồng 4.500 cây rồi và mỗi năm nhân thêm khoảng 10 ngàn cây nữa để cung cấp cho các nước. Với khoảng một chục giống hoa có thể nở từ cuối tháng chạp đến tháng Tư năm sau, một lễ hội hoa anh đào hoàn toàn có thể thành hiện thực", ông Lệ chia sẻ.
Và ý tưởng này ngay lập tức được Chủ tịch Mùa A Sơn quan tâm. "Góp gió" cho thuyền lớn thuận buồm bằng cả tinh thần và chút vật chất trao cho chủ nhân ngay hôm đó, Chủ tịch Mùa A Sơn cũng "đặt hàng" doanh nhân Trần Lệ những công việc mới, trước mắt là biến ý tưởng lễ hội hoa anh đào thành hiện thực.
TS Vũ Tiến Lộc góp chuyện, khi ông nói cử nhân về quê trồng rau, nuôi lợn là tín hiệu mừng thì bên cạnh các ý kiến đồng tình ông còn nhận không ít "gạch đá". Nay lại tận mắt thấy tiến sĩ ra đảo trồng hoa, ông lại càng thấy sự cần thiết phải có nhiều thêm những cử nhân về nông thôn, những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Nghe "lão nông" tiến sĩ Trần Lệ say sưa ý tưởng kết nối hợp tác Việt - Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lộc cũng nghĩ đến một ngày có thể "chúa đảo" sẽ trở thành đại sứ hoa anh đào của Việt Nam.
Còn doanh nhân Trần Lệ cứ nói đi nói lại, Điện Biên là vùng đất rất đặc biệt, không chỉ bởi di tích lịch sử mà ở tiềm năng phát triển. Cùng góp sức để Mường Phăng trở thành điểm du lịch hấp dẫn là việc mà ông đã và sẽ làm với cả tình yêu của mình.
Theo VnEconomy
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tien-si-ra-dao-trong-hoa-va-nhung-dieu-kho-tin-co-that-a158992.html